Gạn đục, khơi trong vốn đầu tư từ Trung Quốc
Gần đây, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng khi nước ta chính là một trong những đích đến của chiến lược “Một vành đai, một con đường” do Trung Quốc tích cực vận động. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quí 1-2018, Trung Quốc có 76 dự án đầu tư vào Việt Nam, xếp thứ ba về số lượng dự án và thứ tư về giá trị vốn đăng ký cấp mới với 205,7 triệu đô la Mỹ. Vậy nên tận dụng dòng vốn dồi dào này như thế nào?
Vốn Trung Quốc tăng nhanh và ngày càng đa dạng
Theo Tổ chức các nước phát triển OECD, vốn FDI được coi là một trong những nguồn lực đầu tư thân thiện nhất cho phát triển bởi có thể tạo việc làm, phát triển công nghệ, nâng cao năng suất và giúp doanh nghiệp địa phương tiếp cận thị trường thế giới.
Từ những dự án nhỏ cuối những năm 1991, lượng vốn FDI của Trung Quốc đã tăng mạnh trong những năm gần đây, góp phần giải quyết nhu cầu về vốn trong nước, tạo việc làm và đóng góp cho sự phát triển kinh tế nói chung. Lượng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã không ngừng gia tăng trong 10 năm trở lại đây. Từ mức khiêm tốn chỉ 572,5 triệu đô la Mỹ trong năm 2007, tổng lượng vốn FDI đã tăng gần gấp 4 lần, lên mức 2,17 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017(1), vươn lên vị trí thứ tư trong các nước có vốn FDI đăng ký tại Việt Nam.
Không chỉ gia tăng về quy mô vốn, quy mô các dự án đầu tư của Trung Quốc cũng không ngừng mở rộng. Từ mức trung bình 1,5 triệu đô la Mỹ/ dự án vào năm 2007, các dự án của Trung Quốc đang tăng hơn ba lần về quy mô, lên mức trung bình 5 triệu đô la Mỹ/dự án vào năm 2017. Đặc biệt, ngày càng có nhiều dự án lớn trên trăm triệu đô la Mỹ, điển hình như dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 với tổng số vốn khoảng 2 tỉ đô la Mỹ, cụm công nghiệp Lan Sơn và Nhà máy Nhựa Khải Hồng Việt với số vốn lên tới 150 triệu đô la Mỹ…
Trước thực tế dòng vốn Trung Quốc như những con sông với nhiều phù sa màu mỡ và cả những nguy vơ về các cơn lũ lớn, Việt Nam cần chủ động xây dựng chiến lược “gạn đục, khơi trong” để đón nhận dòng vốn trên. |
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đa dạng hóa cách thức đầu tư. Nếu như trước đây, chủ yếu các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư thông qua liên doanh, mua lại các doanh nghiệp Việt Nam thì hiện nay, ngày càng có nhiều các dự án 100% vốn FDI được thành lập. Chỉ tính riêng năm 2017, đã có 284 dự án đầu tư mới được hình thành với tổng số vốn lên tới 1,41 tỉ đô la Mỹ.
Ngành nghề và địa bàn đầu tư của Trung Quốc cũng được mở rộng. Không chỉ tập trung vào các ngành dịch vụ, dòng vốn FDI từ Trung Quốc đang chuyển hướng sang các ngành chế biến, chế tạo. Trong đó, chỉ riêng dệt may và các ngành chế biến kim loại đã chiếm hơn 50% tổng lượng vốn. Trung Quốc cũng đã đầu tư tại trên 50 tỉnh thành tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các địa phương có lợi thế địa hình, sát biển, đông dân cư hoặc gần Trung Quốc như Bình Thuận, Hà Tĩnh, Bình Dương, Lào Cai…
Các rủi ro nhãn tiền
Bên cạnh lợi ích, dòng vốn FDI từ Trung Quốc cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, bao gồm:
Thứ nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường. Một ví dụ điển hình là thực trạng ô nhiễm môi trường tại dự án Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận). Kết quả giám định thực nghiệm của Viện Môi trường và Tài nguyên cho thấy đời sống nhân dân quanh khu vực dự án đã bị ảnh hưởng nặng nề do những vi phạm trong tiêu chuẩn môi trường từ dự án. Nước ăn của ba phần tư số hộ dân quanh khu vực dự án nhiệt điện Vĩnh Tân có hàm lượng clorua vượt từ 1,2-1,8 lần cho phép, nước tưới tiêu của 4/5 số hộ dân có lượng tro xỉ vượt 1,05-1,8 lần. Đất đai bị ngập mặn, cây trồng lâu dài không sống được, cánh đồng muối bị tro xỉ phủ kín, sản lượng cá đánh bắt được giảm hẳn.
Không chỉ ở Việt Nam mà tại các nước đang phát triển khác như Myanmar, Bangladesh, các nước châu Phi, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng từng gây ra nhiều tai tiếng về việc không đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường. Ngay tại chính Trung Quốc, chất lượng môi trường ở các thành phố lớn như Thiên Tân, Bắc Kinh cũng xuống cấp nghiêm trọng.
Thứ hai là nguy cơ trở thành bãi rác công nghiệp do các dự án FDI của Trung Quốc. GS.TS. Ngô Thắng Lợi, Đại học Kinh tế quốc dân, đã từng nhận định công nghệ tại các dự án từ vốn của Trung Quốc có thể là công nghệ thấp hoặc công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng. Do đó, việc kêu gọi các dự án đầu tư từ Trung Quốc có thể biến Việt Nam trở thành “bãi rác công nghiệp” với những hậu quả kéo dài cho môi trường, y tế.
Thứ ba là dòng di cư lao động từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới khả năng tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương – vốn là một trong những mục tiêu chính sách được ưu tiên khi kêu gọi đầu tư tại Việt Nam. Kéo theo làn sóng di cư này là hàng loạt các rủi ro về an sinh xã hội khi các cộng đồng dành cho lao động Trung Quốc đang mọc lên ngày càng nhiều, có thể gây ra những bất ổn xã hội nếu không được quản lý chặt chẽ.
Gạn đục, khơi trong để tận dụng cơ hội
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều quốc gia đã từ chối các dự án đầu tư của Trung Quốc do lo ngại những rủi ro các dự án có thể mang lại. Mỹ cũng từng hủy thỏa thuận liên doanh xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas – Los Angeles với Công ty Đường sắt Trung Quốc do lo ngại về chất lượng công trình. Indonesia, Myanmar cũng dừng các dự án về xây dựng đường sắt và thủy điện bằng vốn FDI Trung Quốc do lo ngại về môi trường và chất lượng công trình. Bởi vậy, trước thực tế dòng vốn Trung Quốc như những con sông với nhiều phù sa màu mỡ và cả những nguy cơ về các cơn lũ lớn, Việt Nam cần chủ động xây dựng chiến lược “gạn đục, khơi trong” để đón nhận dòng vốn trên.
Chính phủ nên khuyến khích các dự án đầu tư của Trung Quốc liên quan tới đầu tư phát triển khoa học, công nghệ hay đầu tư vào các lĩnh vực khởi nghiệp, sáng tạo, các ngành công nghiệp ưu tiên và các dự án nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận với thị trường Trung Quốc. Các khuyến khích này phải đảm bảo sự bình đẳng với các nhà đầu tư nước ngoài khác và không làm méo mó cạnh tranh trên thị trường.
(1) Tổng lượng vốn FDI bao gồm vốn đăng ký cho các dự án mới, vốn tăng thêm cho các dự án sẵn có và vốn góp thông qua cổ phần.
(2) Số liệu chỉ bao gồm các dự án đăng ký mới, 100% đầu tư từ Trung Quốc.
Nguồn: Kinh tế Sài Gòn