FDI bật tăng trong những quý cuối năm
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam không bằng cùng kỳ năm 2017, song những động thái mới đây cho thấy, nhiều khả năng, vốn FDI sẽ bật tăng trở lại trong những quý cuối năm.
Dòng vốn chững lại?
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 9,9 tỷ USD, bằng 81,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Từ đầu năm đến nay, chưa khi nào vốn FDI tăng bật lên bằng với cùng kỳ năm trước. Điều này khiến nhiều người quan tâm tới hoạt động thu hút FDI đặt câu hỏi: phải chăng thu hút FDI vào Việt Nam đã đến giai đoạn chững lại?
Sản xuất tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh |
Lý giải vấn đề này, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài lưu ý, trong cùng kỳ năm ngoái, có những dự án rất lớn được cấp phép như Dự án Samsung Display Việt Nam tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD và cấp mới Dự án đường ống đẫn khí Lô B – Ô Môn tại Kiên Giang với vốn đầu tư 1,27 tỷ USD.
Trong khi đó, những dự án lớn nhất từ đầu năm đến nay điểm tên cũng chỉ trên dưới nửa tỷ USD, như Dự án Nhà máy LG Innitek Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD; Dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn III (Thái Lan), với tổng vốn đầu tư 365,76 triệu USD; Dự án Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn thêm 260 triệu USD; Dự án Nidec Shimpo Việt Nam (Nhật Bản) có tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; Dự án Nidec Techno Motor Việt Nam (Nhật Bản) có tổng vốn đầu tư 200 triệu USD…
“Sự thiếu vắng những dự án tỷ USD rõ ràng có ảnh hưởng tới số liệu thu hút FDI, nhưng từ nay đến cuối năm, chỉ cần thêm 1 – 2 dự án được cấp phép, cục diện hoàn toàn có thể đảo ngược”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá.
Bên cạnh đó, theo vị đại diện này, với việc xây dựng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, Việt Nam đang nhắm đến những dòng vốn chất lượng hơn; cách thức thu hút FDI cũng chuyển dần từ ưu đãi, mời chào sang sàng lọc sao cho phù hợp hợp với từng địa phương, đơn vị để tăng tối đa hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng của dòng vốn. Vì vậy, nói dòng vốn đang vào chậm, nhưng “chất” hơn.
Tín hiệu lạc quan
Liên tiếp trong cuối các tháng 3, 4, 5 đã diễn ra các cuộc gặp cấp cao của lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo các đối tác đầu tư lớn nhất hiện nay là Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản. Đây là dấu hiệu cho thấy, hoàn toàn có khả năng sẽ có một dòng vốn lớn sắp đổ vào Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam cuối tháng 3/2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã từng khẳng định: “Việt Nam là đối tác hợp tác tác quan trọng nhất trong sách hướng Nam của Hàn Quốc”. Điều này được chứng minh khi liên tiếp trong nhiều năm, cũng như từ đầu năm đến nay, Hàn Quốc luôn là một trong hai quốc gia đứng đầu trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tiếp ngay sau đó, chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào cuối tháng 4/2018 cũng ngay lập tức đem lại kết quả. Có thể kể đến Dự án Laguna Lăng Cô được cấp chứng nhận đăng ký tăng vốn từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD của Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) và tỉnh Thừa Thiên Huế. Đó là hạng mục đầu tư mà Tập đoàn Banyan Tree đã đề xuất lên Chính phủ Việt Nam từ nhiều năm nay.
Ngoài ra, một nhà đầu tư khác đến từ Singapore là Sembcorp cũng đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Quảng Ngãi về việc đầu tư, phát triển Dự án điện Dung Quất với quy mô vốn trên 2 tỷ USD. Cũng giống Dự án Laguna Lăng Cô, Dự án điện Dung Quất cũng là một cuộc chờ đợi nhiều năm.
Được biết, trước đó, Sembcorp dự tính xây dựng ở Dung Quất một dự án nhiệt điện than, quy mô vốn khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, sau các thông tin về việc Exxon Mobil sẽ đầu tư một dự án quy mô lớn để đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, Sembcorp đã quyết định chuyển hướng sang đầu tư một dự án điện khí, công suất 750 MW, dự kiến vận hành thương mại vào năm 2024.
Ngoài hai dự án quy mô lớn trên, vẫn còn nhiều thỏa thuận hợp tác khác được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong đó, phải kể đến thỏa thuận của Tập đoàn C.T cùng Soibuild hợp tác phát triển Dự án Khu đô thị I-Town, vốn đầu tư 350 triệu USD; hay Dự án Nhà máy sản xuất công nghệ cấu kiện đúc sẵn xây dựng cho căn hộ chung cư trị giá khoảng 64 triệu USD…
Mới đây nhất, trong những ngày cuối tháng 5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Chủ tịch nước đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn lớn là thành viên của Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren), Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) và một số tổ chức kinh tế lớn của Nhật Bản.
Đồng thời, trước khi kết thúc chuyến thăm, Chủ tịch nước tham dự một hội nghị đầu tư quy mô lớn được tổ chức tại Thủ đô Tokyo, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản. Sự kiện này mở ra khả năng có nhiều dự án “khủng” của Nhật Bản tiếp tục chọn Việt Nam là bến đỗ.
Các chuyên gia kinh tế phân tích, khi kết quả từ những cuộc gặp cấp cao được hiện thực hóa, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ có những chuyển biến rõ rệt cả về chất và lượng. Vì vậy, vẫn còn quá sớm để cho rằng, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam đang chững lại.
Có 1.076 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 4,66 tỷ USD, bằng 83,2% so với cùng kỳ năm 2017;
Có 393 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,49 tỷ USD, bằng 52,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Có 2.341 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm 2017.