EU hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch năng lượng “từ nâu sang xanh”

Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU) cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch sang năng lượng sạch, đồng thời đảm bảo tất cả người dân được tiếp cận với năng lượng có giá cả hợp lý để tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Đây là khẳng định của ông Bruno Angelet, Đại sứ – Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam tại Hội nghị cấp cao của nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) lần thứ 2 diễn ra chiều ngày 26/11.

Điểm nhấn của Hội nghị Cấp cao lần này là phần trình bày về khuyến nghị chính sách của các Nhóm công tác kỹ thuật của VEPG (TWG) với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam trong 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: Năng lượng tái tạo; Hiệu quả năng lượng; Tái cấu trúc ngành năng lượng; Tiếp cận năng lượng; Dữ liệu và Thống kê năng lượng.

Phạt biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhìn nhận: Thời gian vừa qua đã có 40 khuyến nghị chính sách quan trọng được đề xuất bởi các Nhóm công tác, đại diện cho gần 30 cơ quan, tổ chức trong nước và đối tác quốc tế tập trung vào 5 chuyên đề trọng tâm là năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, cải cách ngành năng lượng, tiếp cận nưng lượng và dự liệu-thống kê năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Phan Trang.

“Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, điều này cũng đặt ra yêu cầu xây dựng ngành năng lượng quốc gia theo cơ chế thị trường, có khả năng hội nhập và thích ứng cao. Do đó, trong quá trình thúc đẩy đầu tư phát triển ngành năng lượng, cần nghiên cứu, cân nhắc thấu đáo bối cảnh, xu thế quốc tế và thực tiễn, cũng như tiềm năng trong nước để xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành năng lượng lượng, đảm bảo tính chiến lược, bền vững”, Thứ trưởng nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng cho rằng, song song với những hỗ trợ tài chính đáng kể của các đối tác quốc tế, Bộ Công Thương cũng như Chính phủ Việt Nam xác định tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc nghiên cứu, hợp tác phát triển khoa học công nghệ – kỹ thuật và nâng cao nhận thức cộng đồng để cải cách ngành năng lượng cả chiều sâu và chiều rộng.

“Tôi mong muốn rằng, diễn đàn thảo luận hướng tới việc tạo điều kiện để tất cả các đối tượng trong xã hội, mọi người dân đều được thụ hưởng chính sách năng lượng bền vững. Bao gồm việc nỗ lực thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, ngày càng mở rộng tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại với mức giá phải chăng, thúc đẩy năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng. Các chính sách cũng cần quan tâm đến các đối tượng xã hội dễ bị tổn thương để xây dựng và thực thi các giải pháp mang tính cải cách, đột phá”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An bày tỏ.

Về phía Liên minh châu Âu, Đại sứ Bruno Angelet khẳng định, EU cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch sang năng lượng sạch, đồng thời đảm bảo tất cả người dân được tiếp cận với năng lượng có giá cả hợp lý và đảm bảo năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

“Chúng tôi đang cố gắng làm những việc mà nhiều người cho rằng không thể làm được. Đó là biến nguồn điện từ nâu sang xanh ở mức giá phù hợp, bên cạnh việc đảm bảo giảm sự phát thải của các loại khí độc hại, giảm ô nhiễm môi trường”, Đại sứ Bruno nói.

Chia sẻ thêm, ông Bruno cho biết, EU đã cam kết đến năm 2020 sẽ giảm được 20% khí thải độc hại trong lĩnh vực năng lượng nhưng đến 2016 đã giảm được 22%.

“EU làm được thì Việt Nam cũng làm được. Tôi cho rằng Việt Nam có thể giải quyết tất cả thách thức này với việc chuyển dần từ nguồn năng lượng từ than (nhiệt điện) sang các nguồn khác. Tuy nhiên, chúng ta không thể chuyển trong một sớm một chiều mà phải cơ cấu lại theo hướng giảm dần than đi”, ông Bruno khẳng định.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WorldBank) cũng khẳng định cam kết giúp đỡ Việt Nam đem đến nguồn năng lượng bền vững, sạch và đáng tin cậy với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người, bao gồm cả các tư vấn kỹ thuật và chính sách, viện trợ đầu tư trực tiếp, các bảo đảm và biện pháp giảm thiểu rủi ro, hỗ trợ cải cách chính sách, cải thiện an ninh năng lượng và giúp Việt Nam đạt được Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) như một phần của Hiệp ước Paris.

Có 5 giải pháp mà Việt Nam cần triển khai song song, gồm: Phát triển điện năng lượng tái tạo; Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng; Thúc đẩy phát triển năng lượng từ khí; Trao đổi mua bán điện năng với phía Lào và khu vực phía Nam của Trung Quốc và cuối cùng là cải cách ngành điện.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định: “Chúng tôi chính thức thông qua các khuyến nghị chính sách và cam kết thực hiện những khuyến nghị này, đồng thời đảm bảo lồng ghép những nội dung này trong quá trình xây dựng chính sách và lập kế hoạch phát triển ngành năng lượng trong thời gian sắp tới”.

Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam được thành lập vào tháng 6/2017 nhằm kết nối và phối hợp hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho ngành năng lượng Việt Nam. Mục tiêu của Nhóm là hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

Nguồn: baochinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo