Đưa Hà Nội thành trung tâm dịch vụ logictics của cả nước
Hà Nội có đủ điều kiện phát triển thành trung tâm dịch vụ logictics của cả nước. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ sở hạ tầng giao thông, thiếu quỹ đất… đang làm chậm sự phát triển của ngành nghề này.
Còn hạn chế về hạ tầng
Theo ông Trần Đức Nghĩa – Giám đốc Công ty Delta International, vận tải liên tỉnh đến Hà Nội có khối lượng lớn chiếm 55% tổng lưu lượng hàng hóa lưu chuyển, thì Hà Nội cũng chính là trung tâm logistics của cả nước.
Phân tích con số cụ thể, ông Nghĩa cho hay, tuyến Hà Nội – Hải Phòng, lượng hàng hai chiều trên cùng một tuyến vận tải là khá cân bằng, cụ thể, Hà Nội – Hải Phòng là 19%, và ở chiều ngược lại Hải Phòng – Hà Nội là 21%. Như vậy, nếu có 1 trung tâm logistics ở cả 2 đầu Hà Nội – Hải Phòng sẽ loại bỏ đi một cách căn bản xe “chạy rỗng” trên đường, giúp giảm chi phí không chỉ cho doanh nghiệp (DN) mà còn toàn xã hội.
Giao hàng chặng cuối đang là nút thắt của logistics Hà Nội. Ông Nghĩa chia sẻ: “Chúng ta đang làm logistics 4.0 với hạ tầng logistics truyền thống. Tôi đi khá nhiều nước trên thế giới, hiện chỉ có Hà Nội và Băng Cốc cấm xe vận tải vào Thủ đô, do không có hạ tầng giao thông đủ để đáp ứng cho nhu cầu logistics. Do đó, đã đẩy logistics vào tình thế khó khăn”.
Trong khi đó, theo ông Phan Trọng Lê – Phó Trưởng ban Kế hoạch Đầu tư VietNam Post, hiện 1 ngày năng lực xử lý của Công ty là 750 nghìn đơn hàng, quy mô phát triển 5 – 10 năm nữa tăng lên 3 – 5 lần. Tuy nhiên, Công ty đang gặp vô vàn khó khăn liên quan đến kho bãi và cơ sở hạ tầng giao thông. Đây là bài toán chưa có lời giải.
Ông Nguyễn Văn Đức – Phó giám đốc Công ty cổ phần Hateco logistics cho hay, về quy hoạch, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 4 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, 9 dự án đang hoàn thiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, trong đó có các trung tâm logistics hạng 1 và 2. Như vậy, trong tương lai gần, chúng ta đang thiếu hụt trầm trọng trung tâm logistics. Đáng chú ý, hiện Hà Nội chỉ có 1 trung tâm logistics hạng 1 và 1 trung tâm hạng 2. Câu hỏi đặt ra là đầu tàu kinh tế lớn nhưng số lượng này là quá khiêm tốn, liệu có đáp ứng được nhu cầu của thị trường?
Cần chính sách đồng bộ
Ông Nguyễn Tương – cố vấn cao cấp Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhận định, Hà Nội có đủ điều kiện phát triển thành trung tâm dịch vụ logistics của cả nước. Để làm được việc này, TP Hà Nội cần có chính sách cụ thể hóa luật pháp và quyết định của Chính phủ về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Thủ đô.
Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng logistics, như: ICD và các trung tâm dịch vụ logistics. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các trung tâm dịch vụ tập kết hàng ngoài thành phố, sau đó dùng xe tải nhỏ đưa hàng vào, giải quyết ách tắc và an toàn giao thông nội đô, nhất là giờ cao điểm.
Hiện nay, thành phố có các cảng đường sông nhưng chưa phát huy được thế mạnh do hạn chế về thiết bị nâng hạ hàng hóa, hạn chế độ thông thuyền và việc vận chuyển hàng hóa bằng xe tải đi và đến từ các cảng sông do phải qua các đê sông Hồng. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu việc phát triển dịch vụ vận tải đường thủy nội địa kết nối khu vực…
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, vị trí của Hà Nội trong bản đồ logistics của cả nước là rất quan trọng. Thực tế cho thấy, hiện Hà Nội mới chỉ có 1 trung tâm logistics hạng 1 và 1 trung tâm logistics hạng 2 là chưa đủ. Về số lượng phải nhiều hơn, quy mô lớn hơn và trình độ công nghệ phải hiện đại hơn…
“Các trung tâm logistics của Hà Nội số lượng thiếu, quy mô, tính liên kết chưa cao, chưa thể hiện bàn tay quy hoạch, sắp xếp không chỉ phục vụ cho giai đoạn hiện nay mà còn trong giai đoạn 15 – 20 năm nữa” – ông Hải cho hay.
Nguồn: enternews.vn