Dự thảo về Giấy phép thầu của Bộ Xây dựng: Vé thông hành cho nhà thầu nước ngoài
Nhà thầu nước ngoài dù đã trúng thầu, dù đã trải qua quá trình đánh giá, lựa chọn nhà thầu, nhưng sẽ chỉ được chủ đầu tư ký kết hợp đồng khi đã có giấy phép hoạt động xây dựng (GPHĐXD). Đây là quy định tại dự thảo Thông tư đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến.
Thủ tục riêng cho nhà thầu nước ngoài sau khi trúng thầu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, công tác hợp tác quốc tế về đấu thầu trong những năm gần đây tiếp tục được tăng cường. Mặc dù việc đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không diễn ra theo đúng kỳ vọng do nhiều nguyên nhân khách quan, song nội dung mua sắm chính phủ vẫn tiếp tục được đàm phán trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung đấu thầu trong các FTA cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việt Nam khẳng định mục tiêu xây dựng môi trường mua sắm công minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Như vậy, khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực, số lượng nhà thầu nước ngoài tham gia vào các gói thầu mua sắm chính phủ có thể gia tăng. Bên cạnh đó, sự phát triển của các dự án bất động sản, các quy định mới của pháp luật về đầu tư, xây dựng đang và sẽ tạo điều kiện cho các nhà thầu nước ngoài thực hiện đấu thầu và hoạt động xây dựng, nhận thầu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, khác với nhà thầu trong nước, theo quy định của pháp luật về xây dựng, mà cụ thể là theo Nghị định 59/2015/NĐ-CP và Thông tư 14/2016/TT-BXD (TT14), nhà thầu nước ngoài phải được cấp GPHĐXD theo từng hợp đồng sau khi trúng thầu.
Ngày 16/7/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Trong đó, tiếp tục duy trì việc cấp GPHĐXD đối với nhà thầu nước ngoài. Điều kiện được cấp GPHĐXD là đã có quyết định trúng thầu hoặc được chọn thầu của chủ đầu tư; có đủ điều kiện năng lực phù hợp với công việc nhận thầu theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Chỉ được ký hợp đồng khi có giấy phép hoạt động xây dựng
Trong đó, sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 2 Điều 12 TT14 liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư hoặc chủ dự án đối với nhà thầu nước ngoài. Sửa đổi lớn là chủ đầu tư hoặc chủ dự án chỉ được ký hợp đồng giao nhận thầu khi đã có GPHĐXD do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho nhà thầu nước ngoài.
Trong khi hướng dẫn tại TT14 là đối với trường hợp khi đề nghị cấp GPHĐXD chưa có hợp đồng được ký kết thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng nếu nhà thầu nước ngoài không xuất trình được GPHĐXD do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp thì phải tạm dừng hợp đồng cho đến khi có giấy phép.
Như vậy, tại Dự thảo Thông tư mới, Bộ Xây dựng dự kiến quy định cứng là chỉ được ký hợp đồng sau khi có GPHĐXD.
Hồ sơ đề nghị cấp GPHĐXD không có sửa đổi so với TT14, trong đó có văn bản về kết quả đấu thầu hoặc quyết định chọn thầu hoặc hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp; hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam (có trong hồ sơ dự thầu hoặc hồ sơ chào thầu), trong đó xác định rõ phần việc mà nhà thầu Việt Nam thực hiện. Ngoài ra, còn có biểu báo cáo kinh nghiệm HĐXD liên quan đến công việc nhận thầu và báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán trong 3 năm gần nhất (đối với trường hợp nhà thầu nhận thực hiện gói thầu thuộc đối tượng không bắt buộc phải áp dụng theo quy định của pháp luật về đấu thầu của Việt Nam)… Các giấy tờ này có thể là bản sao, tệp tin chứa bản chụp màu văn bản gốc có định dạng ảnh hoặc định dạng khác (*.pdf).
Theo nhiều ý kiến, những giấy tờ mà nhà thầu nước ngoài cần phải nộp trong hồ sơ đề nghị cấp GPHĐXD hầu hết đã được nhà thầu cung cấp trong hồ sơ dự thầu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm và đã được xem xét, đánh giá trong quá trình chấm thầu. Nhà thầu trúng thầu có nghĩa là đã đáp ứng được các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm.
Ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, nhà thầu nước ngoài cũng cần được đối xử bình đẳng, ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Việc yêu cầu nhà thầu làm thêm 1 bước để xin cấp GPHĐXD sau khi đấu thầu và đã có kết quả lựa chọn nhà thầu là không cần thiết, thêm thủ tục phiền phức và kéo dài thời gian thực hiện gói thầu.
Theo ông Cận, nếu cơ quan quản lý về xây dựng cần phải quản lý HĐXD của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam thì cần nghiên cứu việc thực hiện thủ tục cấp giấy phép sao cho phù hợp, ở bước khác và không cản trở quá trình ký kết hợp đồng sau khi đã lựa chọn được nhà thầu.
Chi tiết Dự thảo và gửi góp ý Dự thảo xin vui lòng truy cập tại đây.
Trong Dự thảo Thông tư mới, Bộ Xây dựng đồng thời sử dụng cả hai thuật ngữ “cấp giấy phép hoạt động xây dựng” và “cấp giấy phép thầu” cho cùng một loại thủ tục. Điều 10 Dự thảo Thông tư mới có đoạn quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư là: “hỗ trợ nhà thầu nước ngoài trong việc chuẩn bị các tài liệu có liên quan đến công trình nhận thầu mà nhà thầu nước ngoài phải kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thầu”.
Nguồn: baodauthau.vn