Dự án nhà máy điện mặt trời GAIA khó khăn trong thi công do vướng giải tỏa đền bù
Dự án nhà máy điện mặt trời GAIA được Thủ tướng chính phủ chấp thuận cho Tập đoàn Bamboo Capital đầu tư với công suất 100,5MWp diện tích 1,248,007 m2 tại xã Thạnh An, huyện Thanh Hóa, tỉnh Long An. Khi hoàn thành, nhà máy cung cấp 149,436MWh/năm góp phần bổ sung nguồn điện ổn định và hệ thống điện quốc gia nói chung và tỉnh Long An nói riêng.
Dự án còn kỳ vọng góp phần quan trọng vào an sinh xã hội tại địa phương, vào nguồn thu ngân sách cũng như phát triển nguồn năng lượng sạch cho tỉnh và quốc gia.
Theo đó, đường dây đấu nối dự án nhà máy điện GAIA khoảng 30km, bao gồm 136 vị trí móng, trụ đi qua các huyện Thạnh Hóa, TP.Tân An, huyện Thủ Thừa. Đến nay, đơn vị thi công là Công ty Hanwha – BCG Băng Dương đã hoàn thành thi công 125/136 vị trí trước thời điểm 30/06/2019, còn lại 11 vị trí và phần mở rộng ngăn lộ 110kV tại trạm biến áp 220kV Long An 2 gặp nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, kéo dài trong suốt hơn một năm qua do nhiều lý do khách quan.
Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng Hanwha – BCH Băng Dương – Phạm Minh Tuấn, đường dây đấu nối nhà máy điện có khoảng 300 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay hầu hết các hộ dân đã đồng thuận đền bồi giải phóng mặt bằng, riêng có 9 hộ dân cty chưa thỏa thuận được phương án đền bù. Trong đó, có không ít hộ dân đòi đơn giá đền bù cao hơn gấp 4 -5 lần so với các hộ dân đã nhận đền bù trước đây. Việc đòi hỏi này là phi lý, đi ngược lại quy định của các văn bản, mức giá đền bù giải phóng mặt bằng do các cơ quan cấp tỉnh ban hành. Nhiều hộ dân cho rằng đây là dự án do tư nhân đầu tư nên chủ đầu tư phải có trách nhiệm đàm phán và thuận theo yêu cầu của họ. Trong quá trình thực hiện nhiều lần chủ đầu tư đã phải thay đổi phương án để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các hộ dân có đường dây đi qua. Vấn đề này làm ảnh hưởng đến phương án tài chính, chậm tiến độ dự án, cũng như thiệt hại về kinh tế của nhà đầu tư.
Ông Phạm Minh Tuấn cũng cho rằng, việc chậm tiến độ hoàn thành đường dây đấu nối đã khiến cho chủ đầu tư thiệt hại hơn 450 tỉ đồng. Đi kèm đó là ngân sách nhà nước thất thu một khoản tiền lớn trong vòng một năm qua. Nếu chủ đầu tư chấp thuận đòi hỏi theo giá đền bù vô lý của người dân sẽ tạo tiền lệ ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng các dự án khác trên địa bàn tỉnh. Mong muốn lớn nhất của nhà đầu tư là các hộ dân sớm thỏa thuận về giá một cách hợp lý, chính quyền địa phương hỗ trợ giải phóng mặt bằng để đơn vị thi công công trình nhanh chóng, đáp ứng tiến độ đóng điện công trình vào 30/12/2020.
Long An giữ vai trò cầu nối giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Với ưu thế này, Long An có chiến lược thu hút đầu tư trong và ngoài nước thông qua nhiều quyết sách đúng đắn. Qua đó, có nhiều dự án về đầu tư trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động, góp phần tích cực vào sự phát triển. Đặc biệt nhất, Kết luận 720 ngày 29/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 89 ngày 16/4/2020 của Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng tình, tạo quỹ đất sạch, tăng thu hút đầu tư, được nhiều đơn vị sở, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện phần nào thão gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Mong rằng, các hộ dân khi có dự án đi qua cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương, nhà đầu tư giải quyết tốt các vấn đề về phương án hỗ trợ về giá, thời gian giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư sớm triển khai dự án một cách hiệu quả, tránh gây lãng phí tài nguyên đất đai./.
Nguồn baolongan.vn