Dự án điện khí 4 tỷ USD tại tỉnh Bạc Liêu có kịp phát điện vào năm 2024?
Theo cam kết của nhà đầu tư, Dự án nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu sẽ được khởi công xây dựng trong quý II/2022, đến năm 2024 đưa tổ máy số 1 đi vào hoạt động, tuy nhiên đến thời điểm này dự án vẫn chưa thể khởi công vì còn nhiều vướng mắc về thủ tục đầu tư.
Khó khăn trùng trùng
Liên quan đến dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết ngoài khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 thì dự án cũng đang gặp phải các khó khăn về thủ tục đầu tư.
Những khó khăn của nhà đầu tư nếu thuộc thẩm quyền của địa phương thì địa phương đã tháo gỡ xong. Đối với những vướng mắc vượt thẩm quyền thì địa phương cũng đã có kiến nghị, đề xuất đến Chính phủ, bộ, ban, ngành Trung ương tháo gỡ. UBND tỉnh Bạc Liêu đã đăng ký dự án này thuộc diện cần được tập trung tháo gỡ với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng.
“Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì dự án vẫn đang chờ tháo gỡ vướng mắc về thủ tục với các nhóm vấn đề là chuyển giá khí LNG sang giá bán điện, bao tiêu sản lượng điện, bảo đảm đường dây truyền tải, đấu nối; chuyển đổi ngoại tệ, bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng mua bán điện (PPA)… Mặc dù địa phương cũng rất muốn dự án này sớm đi vào hoạt động nhưng những vướng mắc trên thuộc thẩm quyền của các cơ quan cấp Trung ương nên địa phương cũng không có cách gì tháo gỡ nhanh cho nhà đầu tư được”, ông Thiều phân trần.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu cho biết, theo quy định pháp luật về đầu tư: dự án điện muốn ký hợp đồng mua bán điện thì Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (FS) phải được phê duyệt.
Mà để FS được phê duyệt thì đường dây truyền tải điện, quy hoạch dự án đấu nối và quy hoạch cảng biển cho hệ thống tiếp nhận và lưu trữ khí LNG nhập khẩu cho nhà máy cũng phải được phê duyệt. Trong khi các nội dung này đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng mà cụ thể là Bộ Công thương thông qua.
Đại diện nhà đầu tư – Công ty Delta Offshore Energy Pte.Ltd (DOE) cho biết, đến nay DOE đã 3 lần gửi FS và 7 lần đàm phán PPA với Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Chưa ký được PPA thì DOE không thể đàm phán với các tổ chức tài chính để thu xếp vốn cho dự án được.
Tuy nhiên, về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, EVN nhận được nhiều thông tin khác nhau về giá điện của dự án này.
Cụ thể, văn bản 2304/UBND-TH ngày 14/6/2021 của UBND tỉnh Bạc Liêu, có đề cập nhà đầu tư có cam kết mức giá bán điện khoảng 7 UScent/kWh.
Sau đó, tại văn bản 3326/UBND-TH ngày 9/8/2021 của UBND tỉnh Bạc Liêu báo cáo Thủ tướng Chính phủ có nêu rằng, nhà đầu tư đang chào giá đàm phán với EVN là 7,9 Uscent/kWh.
Đại diện EVN cho hay, EVN và nhà đầu tư đã trao đổi về PPA cho dự án này từ tháng 8/2020. Tuy nhiên, cho đến nay, dù EVN nhiều lần yêu cầu nhưng chủ đầu tư vẫn chưa gửi cho EVN bản chào giá điện chính thức của dự án, kèm theo các tài liệu tính toán theo quy định tại Thông tư 57/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Dự án rất cần cơ chế đặc thù
Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu có tổng mức đầu tư dự kiến 93.600 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD), được trao giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 1/2020. Theo kế hoạch được nhà đầu tư dự án đưa ra tại thời điểm được cấp chứng nhận đầu tư, dự án này sẽ hoàn tất thủ tục đầu tư sau 12 tháng; tiếp đó thi công 36 tháng, vận hành tổ máy turbin khí số 1 vào năm 2024. Sau đó, tiếp tục xây lắp và vận hành các tổ máy còn lại để đạt công suất 3.200 MW cuối năm 2027 như Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).
Trong báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư cho biết: Dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu có vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng vì dự án này sẽ bù đắp vào công suất thiếu hụt khi dự án nhiệt điện than Cái Cùng (Bạc Liêu) được đưa ra khỏi quy hoạch điện VII.
Trước thực tế Dự án liên quan đến một số đặc thù của ngành điện; quy định tại các thông tư trong lĩnh vực điện chưa xử lý được những vấn đề đặc thù của Dự án, trong đó có yêu cầu về việc đáp ứng các điều kiện cho vay của ngân hàng và các tổ chức tài chính quốc tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Dự án là cần thiết.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt xem xét, có ý kiến chỉ đạo với Dự án về các vấn đề cụ thể.
Theo đó, cam kết về luật áp dụng, cơ quan giải quyết tranh chấp và ngôn ngữ PPA, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật được cho là vấn đề thuộc thẩm quyền của EVN và nhà đầu tư. Vì vậy, EVN đã được đề nghị giao nghiên cứu, đàm phán với nhà đầu tư theo đúng thẩm quyền, quy định tại khoản 5, Điều 4 và khoản 3, Điều 14, Luật Đầu tư; Điều 20 Thông tư số 57/2020/TT-BTC và quy định liên quan.
Về 3 nội dung chính được UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất là phê duyệt cơ chế bảo đảm Nhà nước thực hiện dự án đầu tư, phê duyệt đường dây truyền tải điện và thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (FS), cùng đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phương án tháo gỡ như sau:
Về PPA, theo quy định của Thông tư 57/2020/TT-BCT, sẽ không đáp ứng được các điều kiện cho vay của các ngân hàng và tổ chức tài chính quốc tế. Do đó các bên cho vay đề xuất xin đảm bảo Nhà nước với một số tình huống rủi ro nằm ngoài khả năng kiểm soát của nhà đầu tư và bên cho vay.
Đề nghị Bộ Công thương xem xét, hướng dẫn các bên đàm phán bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh theo thông lệ của các dự án FDI và cho áp dụng quy định tại khoản 1, Điều 16, Thông tư 57/2020/TT-BCT là “bên mua và bên bán đàm phán, thỏa thuận thống nhất bổ sung một số điều khoản phù hợp với điều kiện thực tế của nhà máy (nếu cần thiết)”, đồng thời, báo cáo Thủ tướng xem xét các vấn đề vượt thẩm quyền của bên mua điện và Bộ Công thương.
Đối với vấn đề phê duyệt đường truyền tải. Báo cáo dự án đấu nối truyền tải đã được Công ty DOE hoàn thành và nộp từ tháng 7/2020. Đến tháng 12/2020, Bộ Công thương đã thẩm định và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Đối với nội dung thẩm định FS, đề nghị Bộ Công thương xem xét, thẩm định FS, đồng thời cho bảo lưu vấn đề quy hoạch dự án đấu nối và quy hoạch cảng biển cho hệ thống tiếp nhận và lưu trữ khí LNG nhập khẩu cho nhà máy.
Nguồn: cafef.vn