Dự án 5,4 tỷ USD sắp đi vào hoạt động
Sau gần 5 năm nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công, đến nay Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị đưa một số hạng mục đi vào hoạt động trong vài ngày tới.
Những ngày qua, hàng ngàn người lao động có mặt trên công trường dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) khẩn trương hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để kịp tiến độ, đưa một số hạng mục của nhà máy đi vào hoạt động trong vài ngày tới. Dự án có tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD. Đây là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay.
Dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam được khởi công xây dựng tháng 2/2018 trên diện tích 464ha, nằm trong KCN Dầu khí Long Sơn (TP. Vũng Tàu); trong đó, 398ha xây dựng nhà máy, 66ha đất xây dựng các công trình phụ trợ khác như cảng, cầu tàu, các kho chứa hàng, nhà máy điện…
Trong quá trình thi công, dự án gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm gián đoạn đến việc nhập khẩu các thiết bị từ Châu Âu. Tuy nhiên, để đưa dự án đi vào vận hành quý III/2022 như đã cam kết, LSP đã nỗ lực áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất để thi công.
Đến nay, dự án đã đạt tiến độ tổng thể hơn 98%, trong đó, một số hạng mục đã hoàn thành sẽ đưa vào hoạt động trong vài ngày tới. Năm 2023, sẽ vận hành toàn bộ tổ hợp dự án.
Ông Tharna Sanee, Tổng Giám đốc LSP cho biết: Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam là tổ hợp hóa dầu được tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam với công suất sản phẩm olefin (nguyên liệu cơ sở để sản xuất hóa chất công nghiệp, các loại chất dẻo, nhựa và cao su tổng hợp) lên tới 1,6 triệu tấn/năm; được thiết kế để sản xuất đa dạng các sản phẩm hóa dầu, bao gồm những sản phẩm là nguyên liệu cần thiết cho ngành nhựa như: polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác, công suất hơn 2 triệu tấn/năm. Khi đưa vào hoạt động, dự án giúp thay thế và giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, cung cấp nguồn nguyên-nhiên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất nội địa, tạo ra sức lan tỏa lớn để các ngành công nghiệp, từ hóa dầu đến ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì cũng như các ngành dịch vụ khác phát triển tại Bà Rịa – Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đồng thời, tạo ra cơ hội xuất khẩu các mặt hàng hóa dầu, giúp Việt Nam có mặt trên bản đồ các nước xuất khẩu sản phẩm hóa dầu; tạo nền tảng quan trọng cho những dự án đầu tư trong tương lai về công nghiệp hạ nguồn và các ngành công nghiệp liên quan.
Trong quá trình thi công, dự án đã tạo việc làm cho 15.000-20.000 người lao động, trong đó có phần không nhỏ của cư dân địa phương – vùng xã đảo Long Sơn. Và quan trọng hơn dự án sẽ thu hút, đào tạo, sử dụng hơn 1.000 lao động có kỹ thuật cao khi đi vào vận hàng thương mại.
Mỗi năm, dự án đóng góp cho ngân sách quốc gia 115 triệu USD/năm (khoảng 2.500 tỷ đồng/năm) trong suốt 30 năm kể từ khi đi vào hoạt động. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng, dự án đã đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước. Năm 2019, số tiền nộp ngân sách của dự án này đã lên tới gần 1.600 tỷ đồng, bằng 650,4% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020, riêng số tiền thuế thu nhập DN mà LSP nộp là 440 tỷ đồng.
Việc triển khai dự án đã cụ thể hóa chủ trương về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, đẩy mạnh công nghiệp lọc hóa dầu, phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Nguồn: baobariavungtau