Đón “sóng” vốn FDI
Đánh giá của Ban quản lý Các khu công nghiệp Đồng Nai cho thấy, từ đầu năm đến nay, tỉnh có 61 dự án của doanh nghiệp (DN) FDI trong các khu công nghiệp đã điều chỉnh vốn tăng thêm hơn 505 triệu USD. Các DN FDI mở rộng sản xuất ở nhiều loại sản phẩm công nghiệp khác nhau, gồm: Dệt may, sản xuất máy móc và linh kiện, công nghiệp hỗ trợ… Có những DN FDI nhận được các đơn hàng lớn nên đã triển khai thuê đất xây dựng nhà xưởng và lắp ráp dây chuyền sản xuất. Điều này chứng tỏ, trong khó khăn chung, nhiều DN FDI vẫn tìm được thị trường để mở rộng sản xuất, tiêu thụ hàng hóa.
Không bỏ lỡ cơ hội đầu tư, nhiều DN FDI trong ngành sản xuất vật tư, trang thiết bị y tế cũng “nhanh chân” mở rộng, tăng vốn, tăng năng lực sản xuất. Theo ông Peter Wu – Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Boss tại Đồng Nai, DN vừa đầu tư thêm hơn 6 triệu USD để làm nhà xưởng, mua máy móc; dự kiến, tháng 9/2020, sẽ đưa thêm 1 xưởng vào sản xuất giường bệnh cho ngành y tế và máy đo thân nhiệt, chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Cùng với Đồng Nai, nhiều địa phương trên cả nước cũng đang đứng trước cơ hội đón dòng vốn mới từ nước ngoài, được dự báo sẽ hướng vào Việt Nam thời gian tới. Bà Mary Tarnowka – Giám đốc Điều hành Hiệp hội DN Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh – chia sẻ, trong bối cảnh mới của thế giới, nhiều nhà kinh doanh Hoa Kỳ đang đàm phán để có thể triển khai các dự án có tiềm năng lớn trong lĩnh vực chế tạo, chế biến, năng lượng sạch, hàng không, y tế, dược phẩm…
Mới đây, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố danh sách 30 DN được Chính phủ hỗ trợ chi phí để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào. Một nửa danh sách này là các công ty đăng ký dịch chuyển sang Việt Nam. Theo ông Hirai Shinji – Trưởng đại diện Văn phòng JETRO tại TP. Hồ Chí Minh, các DN được hỗ trợ kể trên thuộc Chương trình tăng cường chuỗi cung ứng ở nước ngoài do chính phủ Nhật triển khai. Bước đi này nhằm đa dạng hóa cơ sở sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các DN, vốn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư FDI cho các dự án cấp mới, tăng vốn, góp vốn mua cổ phần đạt 18,82 tỷ USD; vốn thực hiện ước đạt 10,12 tỷ USD. Tính lũy kế đến nay, cả nước có 32.391 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 380,6 tỷ USD. Đáng chú ý, dù tác động của đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, tuy nhiên, khu vực DN FDI vẫn xuất siêu 17,6 tỷ USD trong 7 tháng/2020 và góp phần thặng dư cán cân thương mại cả nước gần 6,5 tỷ USD. Đại diện các DN FDI cho rằng, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thời gian qua được các hiệp hội DN và nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận, đánh giá cao. Thời gian gần đây, nhất là tháng 7/2020, đã có hàng nghìn chuyên gia Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản tiếp tục được hỗ trợ nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
theo Báo Công Thương Điện Tử