Doanh nhân người Lào góp mặt trong doanh nghiệp làm nhà máy giấy 21.700 tỷ tại Bình Định là ai?

Trong khuôn khổ Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Bình Định đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn đầu tư 12.713 tỷ đồng.

Đồng thời trao Bản ghi nhớ đầu tư cho 23 nhà đầu tư của 24 dự án trên địa bàn tỉnh, bao gồm: 17 dự án sản xuất công nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản; 7 dự án thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong đó, có dự án Nhà máy chế biến bột giấy và giấy Bình Định tại huyện Phù Mỹ, vốn đầu tư dự kiến khoảng 21.700 tỷ đồng của Tổ hợp nhà đầu tư đại diện bởi Công ty cổ phần Quản lý Đầu tư Mekong.

Công ty cổ phần Quản lý Đầu tư Mekong (Mekong Investment Holdings) thành lập vào tháng 8/2017, có địa chỉ trụ sở chính hiện tại ở Tòa nhà Century Tower số 458, phố Minh Khai – Phường Vĩnh Tuy – Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty theo đăng ký doanh nghiệp là sản xuất điện.

Quản lý Đầu tư Mekong là nhà phát triển dự án tư nhân và nhà đầu tư, tham gia vào hoạt động kinh doanh sản xuất điện ở Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Theo giới thiệu trên website, công ty đã tham gia vào phát triển 5 dự án điện tại Việt Nam và Lào với tổng công suất lắp đặt trên 1.000 MW, trong đó 160MW (1 trang trại năng lượng mặt trời và 2 nhà máy thủy điện) đã vận hành thương mại, 300MW đang được xây dựng và phần còn lại đang được xây dựng, chuẩn bị thi công. Tổng số vốn đã đầu tư khoảng 400 triệu USD.

Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty hiện tại là ông Trần Thế Thành (SN1983). Ông Trần Thế Thành là cổ đông sáng lập và giám đốc công ty ngay từ những ngày đầu thành lập.

Hiện trong cơ cấu cổ đông của Mekong có sự góp mặt của cổ đông nước ngoài là ông Phongsavath Senaphuan – Chủ tịch tập đoàn Phongsupthavy (Lào).

Tập đoàn Phongsubthavy là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất của Lào hoạt động đa ngành, trong đó năng lượng là một trong những lĩnh vực chủ chốt. Với hơn 20 năm kinh nghiệm, Phongsubthavy hiện đang sở hữu danh mục dự án lên đến 2.000MW.

Phongsubthavy hiện đang nắm giữ 24% cổ phần và là một trong những cổ đông lớn của Công ty sản xuất điện lực Lào (EDL-Generation) – doanh nghiệp thuộc sở hữu của Điện lực nhà nước Lào (EDL). Hiện tại Tập đoàn đang xây dựng đường dây truyền tải 220kV Nậm Săm – Nông Cống (Thanh Hoá) và 220kV Nậm Mô – Tương Dương (Nghệ An) để cung cấp điện năng cho Việt Nam

Tập đoàn này đã hợp tác với EVN để xuất khẩu điện từ Lào sang Việt Nam; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với T&T Group để hợp tác phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại Lào với tổng công suất khoảng 2.500 MW hướng tới bán điện về Việt Nam; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với VinFast để phân phối các mẫu xe VinFast sang thị trường này.

Nguồn: nguoiquansat.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo