Doanh nghiệp xây dựng ‘đổ xô’ làm điện gió
Mảng thi công điện gió có nhiều dư địa phát triển khi hàng chục nghìn MW đang được triển khai.
Hàng loạt doanh nghiệp xây dựng đang mở rộng sang thi công và đầu tư vào lĩnh vực điện gió.
Báo cáo của Bộ Công Thương đầu năm cho thấy quy mô công suất các dự án nguồn điện gió được bổ sung vào Quy hoạch VII điều chỉnh đã ở mức cao, với 11.800 MW. Tuy nhiên, khối lượng đưa vào vận hành tại cuối năm ngoái chỉ đạt 538 MW và còn khoảng 11.262 MW đang được triển khai.
Con số 11.800 MW này đã cao hơn rất nhiều so với mục tiêu được đặt ra trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh là có khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030.
Bộ Công Thương cũng cho biết, cơ quan này trong thời gian qua liên tục nhận được đề nghị của nhiều địa phương muốn làm điện gió với tổng công suất lên tới gần 50.000 MW.
Thi công điện gió nhiều tiềm năng với hàng chục nghìn MW tại các dự án đang được triển khai. Ảnh minh họa: EVN. |
Doanh nghiệp xây dựng “đổ xô” làm điện gió
Mảng thi công điện gió đang mở ra nhiều dư địa phát triển, điều đó dẫn đến một số doanh nghiệp ngành xây dựng đang định hướng mở rộng sang mảng năng lượng tái tạo này.
Đặt tầm nhìn đa dạng hóa kinh doanh để hạn chế tính chu kỳ trong ngành bất động sản, lãnh đạo Coteccons (HoSE: CTD) cho biết sẽ mở rộng vào cả thi công điện gió khi thị trường này vẫn còn quá nhiều việc cần làm.
“Chúng tôi đang liên kết với một doanh nghiệp tư vấn lớn trong ngành điện để tham gia đấu thầu như một tổng thầu EPC của các dự án điện gió. Cũng không loại trừ việc liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài, khi chúng tôi đang đàm phán và trao đổi thông tin với một vài đối tác. Tùy theo tình hình, trong tương lai có thể chúng tôi sẽ cân nhắc đến chuyện đầu tư”, Phó Tổng giám đốc Coteccons Phan Hữu Duy Quốc chia sẻ.
Phát Đạt (HoSE: PDR) cũng đang nghiên cứu lĩnh vực năng lượng sạch. Lãnh đạo công ty cho rằng đây là bước tiền đề để công ty tiến đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, khi ngành đáp ứng được 2 yếu tố là đảm bảo quy định pháp luật và đạt mục tiêu lợi nhuận mong muốn thì Phát Đạt sẽ đầu tư. Mảng kinh doanh mới được Chủ tịch Phát Đạt kỳ vọng gia cố khả năng tăng trưởng bền vững cho công ty.
Licogi 16 (HoSE: LCG) cũng đang triển khai một số dự án điện gió sau thành công của mảng điện mặt trời. Công ty đang phát triển 4 dự án điện gió gồm Thăng Hưng tại Gia Lai công suất 100 MWp, 2 dự án tại Quảng Trị công suất 96 MWp và một dự án khác tại Gia Lai công suất 100 MWp.
Cả 4 dự án đều đang chờ thông tin mới từ Chính phủ nhưng Licogi 16 vẫn làm việc với đối tác Nhật Bản và Đức để có phương án hợp tác, triển khai các bước chuẩn bị trước. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng lên danh sách các dự án điện mặt trời nổi và điện gió ngoài khơi để đề xuất đầu tư.
Xây lắp điện 1 (HoSE: PC1) tiếp tục phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại các khu vực có lợi thế, với mục tiêu công suất phát điện đạt 744 MW vào năm 2025. Công ty dự kiến hoàn thành phát điện 3 dự án điện gió là Liên Lập, Phong Huy và Phong Nguyên trước ngày 31/10, cũng như tiếp tục khảo sát và nghiên cứu phát triển các dự án mới.
Với lợi thế từ xây dựng các công trình thủy điện và thủy lợi lớn, lãnh đạo Xây dựng 47 (HoSE: C47) cũng khẳng định sẽ mở rộng vào lĩnh vực mới như thi công điện gió thời gian tới. Công ty SCI E&C (HNX: SCI) sẽ thi công các dự án Điện gió Hướng Phùng 2&3, Gelex 1,2,3 và Hướng Linh 7&8…
Nhiều triển vọng nhưng phải chờ chính sách
Phó Tổng giám đốc Coteccons Phan Hữu Duy Quốc chia sẻ lý do tham gia mảng này bởi hoạt động xây dựng dân dụng truyền thống có lợi nhuận thấp nhưng cạnh tranh khốc liệt, trong khi điện gió còn nhiều việc làm. Bên cạnh đó, các khách hàng lớn quen thuộc cũng đã mở rộng lĩnh vực đầu tư của họ ra ngoài hoạt động bất động sản. Và trên hết, đa dạng hóa công việc là một xu thế tất yếu của các doanh nghiệp xây dựng lớn trên toàn cầu.
Vị lãnh đạo đánh giá công suất các dự án điện gió sẽ đi vào khai thác trước 11/2021 mới chỉ chiếm dưới 10%, vì vậy thi công lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều việc để làm.
“Biên lợi nhuận xây dựng dân dựng xấp xỉ 5%, trong khi thi công hạ tầng và điện gió có thể cho lợi nhuận cao hơn vài phần trăm, nhưng còn phụ thuộc vào năng lực quản lý và thi công của nhà thầu”, ông Quốc nói thêm.
Dù còn nhiều dư địa phát triển, song Phó Tổng giám đốc Coteccons nhận thấy sự phát triển của điện gió trong thời gian tới còn phụ thuộc nhiều vào chính sách của Chính phủ cuối năm nay – là thời điểm cuối cùng mà giá mua điện hấp dẫn hiện nay được áp dụng. Bên cạnh đó, việc cải thiện năng lực của hệ thống truyền tải và điều độ quốc gia cũng là một yếu tố quan trọng cho việc phát triển điện gió.
Thi công điện gió nhiều tiềm năng nhưng còn phụ thuộc nhiều vào chính sách của Chính phủ. |
Đồng quan điểm, ông Phạm Nam Phong – Phó Chủ tịch C47 cho biết việc mở rộng thi công hạ tầng và lắp đặt điện gió vì số lượng dự án tới đây rất nhiều. Công ty cũng có năng lực và thiết bị phù hợp để chuyển sang mà không cần phải đầu tư thêm.
“Lợi thế của C47 là kinh nghiệm xây lắp lâu năm, nhân lực và thiết bị sẵn có, chọn thi công điện gió ở các khu vực công ty đang làm dự án lớn, thiết bị tập kết sẵn. Công ty đang quan tâm điện gió ngoài khơi, nhưng hiện tại thì tập trung nghiên cứu điện gió trên bờ và gần bờ ở các khu vực ưu tiên như Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ”, ông Phong nói về định hướng cho mảng mới.
Lãnh đạo C47 khẳng định ưu tiên của công ty trong đầu tư mới là khu công nghiệp và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, tới đó mới là đầu tư điện gió do phải chờ chính sách giá mới. Ông Phong đánh giá làm điện gió khó hơn nhưng có biểu đồ phát ổn định hơn mặt trời.
Tổng giám đốc Licogi 16 ông Tăng Quốc Thuộc nêu thêm đặc thù các dự án năng lượng tái tạo là khi triển khai, chủ đầu tư đã xác định được cụ thể nguồn vốn nên vài trò nhà thầu thi công cũng an tâm về mặt tài chính.
Nguồn: Người đồng hành