Doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam
Phó chủ tịch Phòng Thương mại Nông nghiệp Trung Quốc – ASEAN cho biết đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có khu nông nghiệp công nghệ cao nào tại Việt Nam do liên doanh giữa Việt Nam và Trung Quốc xây dựng.
Hiện nay, Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ nông sản rất lớn với quy mô hơn 1,5 tỷ dân; thu hút sản phẩm đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, trao đổi với TheLEADER, ông Rocky Sun, Phó chủ tịch Phòng Thương mại nông nghiệp Trung Quốc – ASEAN (CACAC) cho biết, hiện nay chất lượng của sản phẩm là một yếu tố đang rất được thị trường Trung Quốc quan tâm và mong muốn các sản phẩm nông sản Việt Nam nhập vào thị trường này sẽ là những sản phẩm chất lượng cao.
Lãnh đạo CACAC cho rằng đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao sẽ góp phần giải quyết bài toán này đồng thời giúp Việt Nam tạo điều kiện thu hút đầu tư từ Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để vừa đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường nội địa, vừa có thể xuất khẩu sang thị trường thứ ba.
“Sau 16 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, tôi hiểu rất rõ nơi đây và nhận thấy rõ tiềm năng rất lớn của các bạn trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao”, ông Rocky Sun chia sẻ.
Thứ nhất, ông Rocky Sun chỉ ra rằng, Việt Nam có nguồn nhân lực tốt, chăm chỉ và có nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nguồn đất nông nghiệp lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có biên giới chung với Trung Quốc, một thị trường tiêu thụ rất lớn với hơn 1,5 tỷ dân.
“Do đó tôi cho rằng hai quốc gia cần có sự hợp tác chặt chẽ và tìm ra phương thức tốt nhất để sản xuất những sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chất lượng tốt hơn, vừa đảm bảo cung cấp cho thị trường của hai nước, vừa tăng cường sản xuất để xuất khẩu sang các thị trường khác”, lãnh đạo CACAC cho biết.
Tuy nhiên, ông Rocky Sun nhận định vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt để lĩnh vực này có thể phát triển mạnh mẽ được, đặc biệt trong vấn đề về chính sách.
“Chúng tôi hy vọng Chính phủ hai nước sẽ có những hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với các Hiệp hội và doanh nghiệp, những người thực sự muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao; đây là một yếu tố rất quan trọng”, ông Rocky Sun nói.
Thứ hai, theo đại diện CACAC, doanh nghiệp hai nước cần hiểu rõ hơn về nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm. Các doanh nghiệp cần giành thời gian tìm hiểu thị trường của đối tác và tìm hiểu những cách thức để có thể đầu tư vào thị trường hai nước.
Chẳng hạn doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư vào Trung Quốc với vai trò là nhà phân phối, cần xây dựng hệ thống phân phối cho mình. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang tìm đến Việt nam nhiều hơn và có mong muốn được đầu tư vào các khu nông nghiệp và xây dựng dây chuyền sản xuất.
Một yếu tốt quan trọng nữa mà lãnh đạo CACAC chỉ ra là sự tin tưởng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp của hai bên.
“Tôi đã ở Việt Nam được khá lâu và tôi nhận thấy rằng một số doanh nghiệp Việt đang cố gắng tìm những đối tác tốt nhất. Nhưng thực sự thì các doanh nghiệp Trung Quốc giờ đây đã hoàn toàn có đủ khả năng để hợp tác với các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp”, ông Rocky Sun cho biết.
Theo ông Rocky Sun, không cần thiết phải đi quá xa để tìm đối tác trong khi giá cả và chi phí mà họ đưa ra thì lại quá đắt đỏ.
Tuy vậy, lãnh đạo CACAC cũng thừa nhận rằng môi trường đầu tư tại Việt Nam trong những năm gần đây đã được cải thiện rất nhiều. Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành cấp địa phương cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Ông Rocky Sun hy vọng trong tương lai sẽ có thêm khu nông nghiệp công nghệ cao do liên doanh giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam phát triển. Được biết hiện nay đã có khu công nghiệp do liên doanh hai nước phát triển nhưng vẫn chưa có khu nông nghiệp công nghệ cao nào do doanh nghiệp hai nước hợp tác xây dựng.
“Hiện nay chúng tôi đã có kế hoạch để phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam nhưng vẫn đang tìm địa điểm tốt và phù hợp để phát triển dự án, chúng tôi cũng đang chờ đợi những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và đang tìm kiếm đối tác Việt Nam”, lãnh đạo CACAC tiết lộ.
Trong một diễn biến khác, tại buổi gặp gỡ các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam -Trung Quốc diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS-6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 10 (CLV-10), đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Indu Bhushan cam kết sẽ cải thiện khoảng cách về tài chính và cơ sở hạ tầng trong kết nối Việt Nam – Trung Quốc, đầu tư thêm nguồn lực vào cho vay và hỗ trợ kỹ thuật.
Ông Indu Bhushan cho rằng hiện nay xuất khẩu nông sản vẫn là một nguồn sinh kế lớn tuy nhiên một vấn đề mà các doanh nghiệp hai nước đang gặp phải là tắc nghẽn ở khu vực cửa khẩu.
Nguồn: The Leader