Doanh nghiệp Hàn Quốc khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn
Ngày 26 – 3, đoàn doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc đã có chuyến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn. Cùng tham gia có đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, các sở, ngành, đơn vị liên quan của tỉnh Thanh Hóa.
Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu các điều kiện đầu tư tại Khu Công nghiệp số 3, Khu Kinh tế Nghi Sơn.
Dưới sự giới thiệu từ các sở ngành, đơn vị, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các Khu công nghiệp (BQL KKTNS & CKCN) tỉnh Thanh Hoá, đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đã đến tìm hiểu điều kiện hạ tầng, dư địa phát triển và các điều kiện liên quan đến đầu tư tại KCN số 3, KKTNS. Đây là KCN được quy hoạch 274 ha, đang được hoàn thiện hạ tầng, dự kiến sẽ thu hút đầu tư từ giữa năm 2022. KCN số 3 rất thuận lợi về tính kết nối vì nằm sát tuyến quốc lộ 1A và tuyến đường Nghi Sơn – Bãi Trành, gần Cảng nước sâu Nghi Sơn… Trong quy hoạch phát triển, KCN này ưu tiên thu hút các dự án cơ khí, điện tử, công nghiệp lắp ráp…
Tại Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2, với sự góp vốn của nhà đầu tư Hàn Quốc là Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (Kepco), đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đi thăm Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 để tìm hiểu các điều kiện đầu tư tại đây. Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 đã trực tiếp giới thiệu quy mô, các thông tin liên quan đến nhà máy.
Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến tìm hiểu tại Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2.
Đây là dự án được đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư gần 2,8 tỷ USD, trong đó Kepco chiếm 50% vốn, sau 25 năm vận hành sẽ giao lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý. Sau 4 năm triển khai xây dựng, nhà máy đã đi vào hoạt động, hòa lưới điện quốc gia Việt Nam với công suất 1.200 MW, trong đó mỗi tổ máy 600 MW.
Đại diện Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 giới thiệu quy mô, giải đáp các câu hỏi về chính sách, điều kiện khi đầu tư vào Nghi Sơn.
Các doanh nhân trong đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đặt ra nhiều câu hỏi với đại diện Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 để tìm hiểu cơ chế, chính sách khuyến khích và sự quan tâm của chính quyền tỉnh Thanh Hóa trong quá trình triển khai các thủ tục, xây dựng và vận hành nhà máy…
Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có 50% vốn đầu tư từ hàn Quốc.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng quan tâm và đến tìm hiểu tình hình hoạt động cũng như năng lực trung chuyển của hệ thống Cảng Nghi Sơn. Theo các thông tin từ BQL KKTNS & CKCN tỉnh, khu vực cảng biển Nghi Sơn rộng 741 ha, được quy hoạch thành 60 bến, trong đó có cả bến tổng hợp, bến chuyên dụng và bến container. Đến thời điểm hiện tại, đã có 20 bến đi vào hạt động. Luồng chính của cảng nước sâu này đã được nạo vét với độ sâu 12,5m, bảo đảm cho tàu 100.000 tấn có thể ra vào dễ dàng.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm hiểu thông tin tại Cảng Tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn.
Riêng Cảng tổng hợp Quốc tế Nghi Sơn đã thu hút đươc hãng tàu quốc tế khai thác thường xuyên, nối Nghi Sơn với nhiều cảng biển của châu Á, châu Âu. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành 2 chính sách hỗ trợ liên quan đến hệ thống cảng biển Nghi Sơn, trong đó hỗ trợ hãng tàu quốc tế khai thác chuyến đến Nghi Sơn với mức 200 triệu đồng/chuyến; hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn bằng container và mở tờ khai tại Cục Hải quan Thanh Hóa với mức 700.000 đồng/container hàng hóa loại 20 feet và 1.000.000 đồng/container hàng hóa loại 40 feet trở lên.
Hệ thống cảng biển Nghi Sơn có thể đón tàu 100.000 tấn ra vào dễ dàng.
Đại diện BQL KKTNS & CKCN tỉnh cũng khái quát tình hình phát triển của KKTNS, những điều kiện thuận lợi nếu các doanh nghiệp đầu tư. Theo đó, sau 16 năm được thành lập và phát triển, KKTNS đã được điều chỉnh quy hoạch lên 106.000 ha với 55 phân khu, trong đó có 25 phân khu dành cho phát triển công nghiệp, 17 phân khu phát triển đô thị, 9 phân khu phát triển du lịch và các khu sinh thái…
Chỉ cách thủ đô Hà Nội 180 km về phía Nam, KKTNS có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi với đầy đủ các loại hình như đường bộ, đường sắt, đường biển, chỉ cách Cảng hàng không Thọ Xuân hơn 60 km. Đến nay, KKT động lực này đã thu hút được 626 dự án đầu tư trong nước và 21 dự án đầu tư nước ngoài. Hạ tầng giao thông kết nối trong khu kinh tế được đầu tư thuận lợi, đầy đủ điều kiện về cấp điện, cấp nước cho các doanh nghiệp đầu tư, nhiều KCN nằm trong KKT đã được đầu tư hạ tầng hoàn thiện…
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm.
Tại các địa điểm đến thăm, đại diện các sở ngành liên quan của tỉnh cũng giải đáp trực tiếp nhiều câu hỏi, vấn đề quan tâm của các doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách ưu đãi, thuê đất, thuế, các điều kiện đầu tư của tỉnh. Đồng thời mong muốn qua buổi tìm hiểu, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ xem xét, nghiên cứu đầu tư vào KKTNS cũng như vào các địa phương khác của tỉnh trong thời gian tới. Tỉnh Thanh Hóa luôn chào đón và tạo điều kiện để các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nguồn: Báo Thanh Hóa