Doanh nghiệp FDI và nhà cung ứng vẫn chưa gặp nhau
Mặc dù hầu hết DN FDI đầu tư đều mong muốn có thể gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng cường thêm các DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Việt Nam, song với không ít yếu kém nội tại, các DN Việt chưa tận dụng được hết cơ hội này.
Chỉ 0,3% DN tham gia sản xuất CNHT
Theo ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội (HANSIBA): Hiện, Việt Nam chỉ có khoảng 0,3% trong tổng số gần 500.000 DN đang tham gia vào sản xuất chế tạo cho ngành CNHT. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng DN CNHT tại một số nước ngay trong khối ASEAN.
Cụ thể, số liệu ước tính tình hình sản xuất các sản phẩm CNHT của các DN Việt Nam thuộc các ngành như sau: Ngành chế tạo ô tô, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 5-20%; ngành điện tử, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 5-10%; ngành da giày, nội địa hóa khoảng 30%; ngành dệt may, nội địa hóa đạt khoảng 30%…
“Từ hạn chế về việc nội địa hóa các sản phẩm CNHT dẫn tới khối lượng linh phụ kiện NK hàng năm về Việt Nam phục vụ lắp ráp, chế tạo, sản xuất để XK lên tới hàng chục tỷ USD. Riêng sản phẩm NK thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 30 tỷ USD”, ông Hoàng nói.
Trường hợp tại Công ty TNHH Canon Việt Nam là ví dụ khá điển hình cho việc các DN Việt đang bỏ lỡ cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của DN FDI. Bà Đào Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Văn phòng Tổng Giám đốc Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết: Hiện nay, Canon có khoảng 170 nhà cung cấp linh kiện trực tiếp tại Việt Nam, chiếm 45% tổng số nhà cung cấp của Canon trên toàn cầu. Các nhà cung cấp chủ yếu cung cấp linh kiện nhựa, dập nén một ít lò xo, vỏ hộp, linh kiện đóng gói… Với tổng cộng số linh kiện từ các nhà cung cấp Việt Nam và do Canon Việt Nam tự sản xuất trong nhà máy, tỷ lệ nội địa hóa của Canon hiện là 65%.
“5 năm trước, Canon đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 70%, song suốt 5 năm qua cũng không có gì thay đổi. Mặc dù luôn muốn có thêm các nhà cung ứng linh kiện từ Việt Nam nhưng Canon không thể tìm kiếm thêm DN phù hợp”, bà Huyền nói.
DN FDI luôn muốn ngày càng có nhiều hơn các nhà cung ứng từ nội địa, trong khi không ít DN nội địa muốn trở thành nhà cung ứng cho các DN FDI, vậy tại sao hai bên chưa thể gặp nhau? Đáp lại câu hỏi này, một số chuyên gia nhìn nhận, điểm mấu chốt là các DN Việt còn có những yếu kém nhất định, không đáp ứng được yêu cầu mà các DN FDI đặt ra. Liên quan tới vấn đề trên, ông Nguyễn Hoàng cho rằng: Trong khi nguồn lực của DN còn hạn chế thì những chính sách để hỗ trợ, phát triển DN CNHT chưa thực sự đi vào cuộc sống kịp thời, tạo sự đổi thay cho DN…
Từng bước nâng cao trình độ
Nói về vấn đề kiếm tìm các nhà cung cấp linh kiện cho Canon Việt Nam, bà Huyền cho biết: Cũng giống như nhiều tập đoàn nước ngoài khác, Canon dựa theo nhiều tiêu chí. Đầu tiên, Canon sẽ tiếp nhận thông tin của DN, sau đó đánh giá trên các mặt môi trường, chất lượng, chi phí, tiến độ giao hàng… Tiếp tới, Canon Việt Nam sẽ phải gửi các thông tin của DN về tập đoàn để phê duyệt theo hệ thống, tiến tới thiết lập nhà cung cấp. “Tiêu chí quan trọng nhất với ban lãnh đạo Canon là DN phải có ý chí nỗ lực để trở thành đối tác lâu dài của Canon Việt Nam. Về mặt chất lượng, DN phải đáp ứng tiêu chuẩn điều phối xanh của Canon, đồng thời có giá cả cạnh tranh. Canon có sự hỗ trợ các nhà cung cấp nhưng không hỗ trợ về mặt tài chính mà chỉ hỗ trợ về quản lý và kỹ thuật”, bà Huyền nói.
Xung quanh vấn đề làm thế nào để có thể nâng cao năng lực đáp ứng của DN Việt, giúp ngày càng có nhiều DN nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN FDI, ông Bang Hyun Woo, Phó Tổng giám đốc phụ trách đối ngoại, Công ty Samsung Việt Nam đánh giá: Không chỉ Samsung mà nhiều DN FDI khác đều có yêu cầu rất cao về công nghệ, chất lượng… Điều này không thể đạt được trong một sớm một chiều. Vì vậy, muốn nâng cao năng lực đáp ứng, DN Việt Nam có thể đi theo hướng mời các chuyên gia, những người đã có kinh nghiệm làm việc lâu năm tại các DN Hàn Quốc, Nhật Bản… về làm cố vấn cho mình. Thông qua đội ngũ này, DN Việt Nam có thể học hỏi được nhiều điều về công nghệ cũng như kỹ năng quản lý và dần dần tích lũy, nâng cao trình độ của mình.
Đứng từ góc độ các DN tham gia sản xuất trong ngành CNHT, ông Nguyễn Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất HIKARI P&T Việt Nam lại bày tỏ mong muốn, cơ quan quản lý nhà nước có thêm các chương trình xúc tiến, kết nối giao thương cụ thể giữa DN FDI và DN CHNT thông qua các sở, ban, ngành, hiệp hội. Thậm chí, các mối quan hệ hợp tác có thể nâng tầm thành giữa các quốc gia, thành phố chứ không đơn thuần là mối quan hệ cá nhân hay mối quan hệ giữa công ty với công ty như hiện tại.
Nguồn: Báo Hải quan Online