Chính phủ chấp thuận loạt cơ chế đặc thù cho tỉnh Ninh Thuận

Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018 – 2023.

Theo đó, Chính phủ chấp thuận chủ trương phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước (điện gió, điện mặt trời), đầu tư dự án Thủy điện tích năng Bác Ái, nghiên cứu tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng Cà Ná với quy mô phù hợp, ưu tiên xây dựng đồng bộ lưới điện truyền tải, tích hợp các dự án điện gió, điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia;

Đối với những khu vực có chứa quặng titan chưa đảm bảo điều kiện khai thác, ảnh hưởng môi trường thuộc “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 3/9/2013 mà chưa cấp phép thăm dò, khai thác thì đưa vào khu vực dự trữ quốc gia để triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời;

Đối với những dự án đã cấp phép, UBND tỉnh Ninh Thuận thống nhất với nhà đầu tư để có phương án xử lý phù hợp, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Chính phủ đồng ý chủ trương tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước để triển khai đầu tư dự án thủy điện tích năng Bác Ái, giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đồng ý bổ sung các khu du lịch Bình Tiên – Vĩnh Hy, Cà Ná – Mũi Dinh vào các khu du lịch quốc gia thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đồng ý chủ trương cho Ninh Thuận được hưởng cơ chế hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp như quy định đối với các tỉnh Tây Nguyên. Áp dụng tỷ lệ cho vay lại với mức 10% đối với một số dự án đầu tư mới sử dụng vốn ODA quan trọng, cấp bách của tỉnh thuộc các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội hoặc các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn;

Đồng ý chủ trương việc ngân sách Trung ương bố trí 100% vốn đối ứng cho các dự án ODA phần cấp phát triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Về giao thông, Chính phủ giao các bộ ngành nghiên cứu trình Chính phủ quyết định về việc sử dụng nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung dài hạn giai đoạn 2016 – 2020 để hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận thực hiện một số dự án quan trọng, cấp bách: Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 27 (đoạn 12km); dự án thanh toán vốn đầu tư của dự án đường ven biển (225 tỷ đồng); đầu tư dự án liên thông giữa hồ chứa nước Tân Giang và hồ chứa nước Sông Biêu.

Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, thống nhất với UBND tỉnh Ninh Thuận về quy mô Cảng tổng hợp Cà Ná trong quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia giai đoạn đến 2020,định hướng đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Nguồn: theleader.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo