Doanh nghiệp châu Âu chờ cơ hội từ EVFT
Kết quả khảo sát từ hơn 900 DN châu Âu tại Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan về môi trường kinh doanh và khả năng mở rộng đầu tư. Theo các DN và chuyên gia, giới kinh doanh châu Âu vẫn đang chờ cơ hội mở rộng đầu tư khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết.
Kết quả lạc quan
Các chuyên gia đều đang đặt kỳ vọng, EVFTA sẽ được ký kết chính thức vào cuối năm 2018. Do vậy, ngay từ năm 2017, đầu năm 2018, nhiều hoạt động đầu tư vào kinh doanh, mở rộng sản xuất của các DN châu Âu tới Việt Nam được diễn ra.
Theo báo cáo về tình hình đầu tư nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2017, có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, tuy nhiên, dẫn đầu là các nước thuộc khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… Mặc dù các DN châu Âu chiếm số lượng không lớn nhưng lĩnh vực đầu tư khá rộng lớn với 18 ngành nghề, trong đó, 3 lĩnh vực tại Việt Nam được các nhà đầu tư châu Âu quan tâm nhiều là công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản. Hiên các nhà đầu tư châu Âu đã có mặt tại 54/63 địa phương của cả nước, tập trung chủ yếu tại các trung tâm kinh tế lớn và các địa phương có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi.
Theo ông Joaquim Torrinha, Phó giám đốc Hiệp hội các DN châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam, chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của các DN thành viên đạt 77 điểm trong quý IV/2017, tuy giảm 6 điểm so với quý II/2017 nhưng đây là mức độ không đáng kể. Ngoài ra, có 65% số DN tham gia khảo sát cảm thấy lạc quan về môi trường đầu tư, 10% chưa cảm thấy lạc quan. Chính vì thế, hơn 50% DN tham gia khảo sát có xu hướng tuyển dụng thêm nguồn nhân lực trong thời gian tới, 38% sẽ duy trì số lượng nhân viên hiện tại, 15% DN có ý định tái cấu trúc hoặc giảm số lượng nhân viên, nhưng đây chỉ là ý định nên không chắc có thể thành hiện thực.
Từ những kết quả tích cực này, có tới 50-60% DN có nguyện vọng đầu tư thêm vào Việt Nam, 36% DN muốn duy trì như hiện tại, chỉ có 5% DN có xu hướng giảm đầu tư. Vì thế, đại diện Eurocham cho rằng, chỉ số nhìn chung cao hơn cuộc khảo sát quý trước cho thấy các DN châu Âu đánh giá rất tích cực về môi trường kinh doanh, cũng như các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, do việc thực thi các quy định pháp luật và độ trễ cho các văn bản pháp luật thực hiện nên vẫn còn số ít DN châu Âu chưa hài lòng.
Tiếp lửa từ EVFTA
EVFTA được xem là hiệp định tiếp cận thị trường toàn diện nhất kể cả thương mại, đầu tư, hàng hoá, dịch vụ, đảm bảo cho các yếu tố của quá trình tái sản xuất. Đây cũng là hiệp định mang tính khu vực, do đó thúc đẩy việc hình thành chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các thành viên, thúc đẩy thương mại nội khối và chuỗi cung ứng trong nội bộ các bên tham gia hiệp định. Với EVFTA, Việt Nam sẽ được hưởng lợi vì hầu hết các nhóm hàng XK chủ lực đều được cắt giảm thuế. Vì thế, Việt Nam sở hữu lợi thế để trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn của các DN châu Âu. Nên ngay cả khi EVFTA đang dừng lại ở ký kết nhưng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt.
Hiện, kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều đã lên tới khoảng 40 tỷ euro mỗi năm và theo dự đoán, trao đổi hàng hóa dịch vụ giữa EU và Việt Nam có thể đạt mức 100 tỷ euro/năm vào năm 2025 và sẽ tăng cao hơn khi EVFTA có hiệu lực. Do đó, các DN đều đưa ra nguyện vọng và kế hoạch sẽ mở rộng kinh doanh. Tiêu biểu như Công ty TNHH Bosch Việt Nam dự định sẽ đầu tư thêm 58 triệu euro (67 triệu USD) vào nhà máy Gasoline Systems ở Đồng Nai, nhằm tăng cường hoạt động tại Việt Nam. Như vậy, tính đến cuối năm 2018, Bosch sẽ đạt mức đầu tư 321 triệu euro (372 triệu USD) cho nhà máy. Ông Peter Tyroller, thành viên HĐQT Tập đoàn Bosch, phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho biết, việc đầu tư thêm sẽ giúp đáp ứng nhu cầu gia tăng về dây đai truyền lực của các nhà sản xuất ô tô tại châu Á – Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Đặc biệt, với cách đánh giá cao về những cơ hội từ thị trường, DN đến từ Đức này vẫn tiếp tục coi Việt Nam là một trong những thị trường phát triển trọng điểm của Bosch tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh vẫn còn đó những khó khăn khiến không ít DN ngại mở rộng kinh doanh. Tiêu biểu như yêu cầu quyền đảm bảo sở hữu trí tuệ chặt chẽ, phát triển chuỗi cung ứng… Ngoài ra, các DN châu Âu còn “phàn nàn” về việc tinh giảm thủ tục hành chính cần được thực thi hiệu quả và thống nhất từ trung ương tới địa phương.
Có thể thấy, động lực cho việc phát triển kinh doanh của các DN vẫn phụ thuộc nhiều vào môi trường kinh doanh, trong đó EVFTA chỉ là một động lực. Do đó, để thúc đẩy FDI, nhất là FDI từ châu Âu đạt kết quả ấn tượng hơn, cần rất nhiều quyết tâm của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh; cùng việc cải thiện môi trường đầu tư của các địa phương và sự hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật.
Nguồn: WTO