Điện gió sẽ nhận đầu tư tỉ đô từ tập đoàn hàng đầu thế giới
Tập đoàn Ørsted – Đan Mạch dự kiến đầu tư hàng tỉ đô la cho dự án điện gió ngoài khơi (ĐGNK) Tuy Phong với mục tiêu tăng cường chuyển đổi năng lượng xanh.
- Cơ chế đấu thầu có thể ‘làm khó’ nhà đầu tư điện gió ngoài khơi
Ông Sebastian Hald Buhl – giám đốc Quốc gia Tập đoàn Ørsted tại Việt Nam – đã có những chia sẻ về vấn đề này.
* Tại sao Ørsted đầu tư vào Việt Nam khi chính sách giá điện theo quyết định 39/2018/QĐ-TTg sắp hết hiệu lực và nhiều chính sách khác chưa được ban hành đầy đủ?
– ĐGNK sẽ đóng vai trò quan trọng đối với Việt Nam. Hiện chưa có đủ khung pháp lý cần thiết, nhưng Ørsted hiểu Chính phủ đang xây dựng chính sách phù hợp (Quy hoạch điện VIII vào năm 2030 và Lộ trình ĐGNK).
ĐGNK giúp tạo ra hàng chục nghìn việc làm có chất lượng cao. Với khuôn khổ phù hợp, giá điện lấy từ nguồn ĐGNK ở Việt Nam sẽ thấp hơn so với nguồn điện đến từ nhà máy nhiệt điện than và khí.
* Nghị quyết 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế phát triển điện gió đã gần hết hiệu lực và Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế mới, thay thế định giá FIT bằng đấu giá. Cơ chế đấu giá có đủ hấp dẫn? Có những thách thức gì?
– Đấu giá là rất tốt để giảm chi phí dự án ở các thị trường với mức độ cạnh tranh cao. Nhưng các thị trường mới thường thiếu các nền tảng để thực hiện cơ chế đấu giá thành công, dẫn đến trường hợp không ai tham gia hoặc chỉ một số nhà thầu đưa ra mức giá quá cao.
Tiếp cận theo giai đoạn sẽ phù hợp với thị trường Việt Nam. Một số dự án đầu tiên sẽ áp dụng cơ chế rủi ro thấp như FIT, cho phép các nhà đầu tư huy động nguồn vốn cần thiết để xây dựng nhà máy và chuỗi cung ứng đồng thời đảm bảo các đơn đặt hàng dự án và hợp đồng PPA được ký kết. Sau đó, FIT sẽ được loại bỏ dần và các cuộc đấu giá có thể khởi động.
* Tại sao Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường năng lượng gió hấp dẫn nhất Đông Nam Á và là điểm đến đầu tư tiếp theo?
– Sở hữu đường bờ biển dài 3.000km, địa hình thuận lợi và tốc độ gió cao, Việt Nam còn là nền kinh tế bùng nổ thúc đẩy nhu cầu điện năng tăng mạnh với nguồn lao động chất lượng.
Mục tiêu của Chính phủ với tỉ lệ điện tái tạo lên 30% vào 2030 và công suất ĐGNK khoảng 3 GW cũng là 1 điểm hấp dẫn.
* Vai trò của chuyển đổi năng lượng xanh trong việc tăng cường phát triển bền vững của Việt Nam?
– Tăng cường khai thác điện theo truyền thống làm trầm trọng quá trình suy thoái môi trường và sẽ ngăn cản việc đáp ứng các mục tiêu và thách thức khử cacbon như nghị quyết 55 đề ra.
Chúng tôi hy vọng sẽ hợp tác với các đối tác địa phương và các cơ quan chính phủ để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh với nguồn năng lượng đáng tin cậy cho ngành công nghiệp và hộ gia đình của các bạn, đồng thời chống lại biến đổi khí hậu.
* Công ty dự kiến huy động công nghệ và nguồn lực tài chính của tại Việt Nam ở mức độ nào? Việt Nam có là một trong những thị trường ưu tiên?
– Hiện khung pháp lý chưa rõ ràng, các khoản tiền hàng tỉ đô sẽ không được đầu tư để phát triển các dự án ĐGNK. Chúng tôi đã lựa chọn mở văn phòng và xây dựng đội ngũ địa phương thay vì ở hàng chục thị trường tiềm năng khác vì chúng tôi coi Việt Nam là thị trường trọng điểm và tiềm năng.
Chúng tôi đã và đang triển khai các bí quyết kỹ thuật hàng đầu thế giới của mình khi một số lượng lớn các chuyên gia của chúng tôi đã làm việc cho các dự án ĐGNK Tuy Phong 4GW từ năm ngoái.
Với ngân sách đầu tư 57 tỉ đô la tới năm 2027, chúng tôi có thể nhanh chóng triển khai giải ngân ngay khi có khuôn khổ thị trường hiệu quả và minh bạch.
* Hiện nay chưa có chiến lược phát triển ĐGNK ở Việt Nam, Ørsted có khuyến nghị chính sách nào để xây dựng khung pháp lý thu hút và tạo ra lợi ích cho các nhà đầu tư?
– Các khuyến nghị của chúng tôi bao gồm:
Ban hành các tiêu chí sơ tuyển rõ ràng dựa trên kinh nghiệm và khả năng tài chính.
Đặt ra các mục tiêu rõ ràng và tham vọng để cung cấp một triển vọng thị trường vững chắc.
Áp dụng phương pháp tiếp cận theo từng giai đoạn bắt đầu từ cơ chế rủi ro thấp như FIT và sau đó hướng đến đấu giá để xây dựng cơ sở hệ thống đấu giá hiệu quả.
Nguồn: tuoitre.vn