Điện gió ngoài khơi: Tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ của các chủ đầu tư
Theo Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Dự thảo Quy hoạch điện VIII), công suất điện gió ngoài khơi đạt từ 2 – 3 GW và chiếm từ 1,45% đến 2% trong tổng công suất điện đến năm 2030. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn cả về khả năng đáp ứng tiến độ giá FIT 2021, cũng như sự kém hiệu quả về tài chính.
I/ Về hiệu quả tài chính:
Về mặt tài chính, điện gió ngoài khơi hiện có 2 cản trở chính: Giá tua bin cao và đặc biệt giá xây lắp cao. Giá tua bin hiện chiếm khoảng 36% tổng chi phí. Giá phổ biến của các hãng lớn chào giá khoảng 3,15 triệu USD/tua bin công suất 4,2 MW, tương đương khoảng 0,75 triệu USD/MW (chưa gồm VAT).
Một số hãng bắt buộc móng trụ phải theo quy cách của họ (ví dụ móng bê tông multiplies thay vì móng đơn monopole). Thậm chí, một số đối tác nước ngoài còn yêu cầu cần xây dựng cầu dẫn (link bridge) để tạo thuận lợi cho việc bảo trì thường xuyên và đỡ ảnh hưởng đến tuổi thọ của cáp. Chi phí này thường khá lớn. Mỗi tua bin cách nhau khoảng 1 km thì 1 dự án 12 tua bin cần đường cầu dẫn khoảng 12 km, có giá trung bình 2 triệu USD/km cầu dẫn, tổng khoảng 24 triệu USD, bằng 2/3 giá tua bin.
Chi phí bảo trì O&M hàng năm là điểm rất cần lưu ý. Các hãng lớn sẽ bảo hành 20 năm, giá cố định, bao gồm cẩu (crane). Tuy nhiên, vấn đề tàu/xà lan (barge) lại không được đề cập. Tranh cãi có thể xảy ra sau này nếu hợp đồng không có tàu/xà lan, sẽ không thể bảo trì.
Một số hãng không thể đưa ra cam kết bảo hành 20 năm do không tính được giá thuê tàu, hoặc biến động giá nhân công, cẩu… Đây là điểm mấu chốt.
Giá xây lắp hiện chiếm khoảng 53% tổng chi phí. Chi phí này đặt ra bài toán lớn nhất cho dự án điện gió là phải giảm hết mức mới mong hiệu quả trong bối cảnh giảm chi phí tua bin hầu như rất khó, do hiếm nhà cung cấp.
Có 2 loại đối tác xây lắp (BOP – Balance of Plant): Nước ngoài và Việt Nam. Đối tác Việt Nam thường có 2 loại chính ‘lớn quá, hoặc bé quá’. Các đơn vị lớn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì thường lắp đặt các dự án ngoài khơi xa nên thấy dự án gần bờ mà không phải kết cấu thép thì thấy nhỏ quá. Các công ty nhỏ thì thường ít kinh nghiệm thi công trên biển, phương tiện kỹ thuật nghèo nàn. Đa số các công ty mới tham gia một cấu phần nhỏ của dự án điện gió ngoài khơi, ít đơn vị có khả năng làm BOP, chưa nói đến khả năng làm tổng thầu EPC. Một số đơn vị thì báo giá quá cao, vượt khả năng tài chính của chủ đầu tư.
Các công ty nước ngoài thường đóng vai trò là tổng thầu EPC, hoặc tổng thầu xây lắp BOP. Chi phí bao gồm phí quản lý dự án nên thường rất cao, gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư.
Thêm vào đó, việc quy định thời gian đáp ứng giá FIT hạn chế, trong bối cảnh các nhà thầu trong nước thiếu kinh nghiệm triển khai thi công trên biển, thiếu phương tiện thi công cũng khiến các nhà thầu nước ngoài có điều kiện ép giá các chủ đầu tư.
Việc phải chấp nhận đối tác nước ngoài, thường là các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, là tình cảnh bắt buộc của nhiều dự án khi doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ năng lực khiến chủ đầu tư lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Các chi phí khác cũng tạo áp lực cho chủ đầu tư. Chi phí phát triển dự án ước tính khoảng 3% tổng chi phí. Chi phí khảo sát, dự phòng khoảng 4% – 5%. Chi phí trạm biến áp và đấu nối thì tùy quy mô dự án, khoảng 1% – 3%.
Chi phí vay ngân hàng trong nước với chi phí vốn khoảng 10% – 11% thực sự gây khó cho điện gió ngoài khơi. Chi phí này chưa thể hiện được ưu đãi đối với các dự án năng lượng sạch. Trong các phương án tính toán mà có tái tài trợ từ ngân hàng nước ngoài, dự án sẽ khả thi hơn nhưng thực tế cũng không dễ thực hiện. Trong trường hợp không tìm được nguồn vốn rẻ hơn để tái tài trợ được thì IRR khoảng 11% và thời hạn hoàn vốn là 18 – 20 năm, dự án rất không hấp dẫn.
II/ Về khả năng đáp ứng tiến độ giá FIT 2021:
Hạn chót để hưởng ưu đãi giá 9,8 cent là dự án phải hoàn thành trước ngày 1 tháng 11 năm 2021. Việc yêu cầu ngặt nghèo về tiến độ trong tình trạng mùa biển động từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm khiến rất nhiều nhà thầu không dám nhận tiến độ. Dự án ngoài biển có những đặc điểm khó khăn khác xa trên bờ trong khi kỳ hạn đóng điện COD là như nhau khiến dự án ngoài khơi rất bất lợi so với trên bờ.
Thêm vào đó, dịch Covid-19 khiến việc phối hợp vận chuyển trang thiết bị, tua bin, cột tháp và các vật tư khác từ nước ngoài về Việt Nam lại càng khó khăn. Việc vận chuyển đòi hỏi đa phương tiện phối hợp từ đường biển, đường bộ và thậm chí cả đường sông trong một số trường hợp. Phương án vận chuyển nội địa cũng rất vất vả do chiều dài cánh quạt gió lớn, khoảng 75m, đi qua nhiều tỉnh thành mới về tới địa điểm dự án, thường là vùng có hạ tầng giao thông chưa phát triển như tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau – là các tỉnh hiện tập trung lượng lớn dự án điện gió ngoài khơi. Vì vậy số dự án gió ngoài khơi hoàn thành là rất hiếm nếu so với dự án trên bờ.
Khó khăn quá lớn nên các chủ đầu tư thường chọn phương án tìm nhà đầu tư nước ngoài để bán cổ phần hưởng chênh lệch công phát triển dự án, chỉ giữ lại phần nhỏ cổ phần.
Trong tình trạng dự án vất vả mới được phê duyệt đầu tư, nếu không thực hiện thì chủ đầu tư chịu nhiều sức ép, sẽ khó có hồ sơ năng lực tốt để đăng ký các dự án tiếp theo, nên nhiều chủ đầu tư phải cố gắng triển khai một phần dự án trên tổng số công suất đã được duyệt. Đa số đều hy vọng các cấu phần tiếp theo chi phí sẽ hạ hơn và dự án sẽ đủ hiệu quả. Một số không thể cầm cự được sẽ tìm cách chuyển giao dự án cho các đối tác nước ngoài có chi phí vốn rẻ hơn.
Điện gió ngoài khơi nhìn sạch, đẹp nhưng chi phí cao. Ai cũng biết tàu điện ngầm hay tàu cao tốc có nhiều ưu điểm, nhưng chi phí xây dựng và vận hành rất cao so với các phương tiện truyền thống.
III/ Một số nhận xét và kiến nghị:
Một số nhận xét:
1/ Năng lượng tái tạo cần được tạo điều kiện ưu tiên do ưu điểm vượt trội về mặt môi trường xã hội. Các nước trên thế giới đều có chính sách hết sức ưu đãi phát triển năng lượng tái tạo trong bối cảnh điện hạt nhân hiện đang được đóng cửa ở một số nước, năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường và thủy điện có ảnh hưởng nhất định tới môi trường cũng như phụ thuộc nhiều vào thời tiết từng năm. Tiềm năng gió và mặt trời của Việt Nam là rất lớn và cần được phát huy một cách hợp lý.
2/ Điện gió ngoài khơi nói riêng và điện gió nói riêng là nguồn năng lượng sạch, ít gây hệ lụy về mặt xử lý môi trường sau này. Do đó, tỷ trọng nguồn điện gió cần được ưu tiên trong tổng tỷ trọng năng lượng tái tạo.
3/ Việc phát triển điện gió ngoài khơi không chỉ giúp bảo đảm an ninh năng lượng mà còn thể hiện chủ quyền biển đảo quốc gia.
4/ Hiện nay đa số các chủ đầu tư nhà máy điện gió ngoài khơi là nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên do vấn đề về giá xây dựng quá cao nên đang gây rất nhiều cản trở cho chủ đầu tư. Lãi suất ngân hàng trong nước cũng không hấp dẫn, không thể hiện được ưu đãi cần có dành cho ngành năng lượng sạch.
5/ Việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết do họ có kinh nghiệm triển khai dự án năng lượng tái tạo ở các nước. Đối với dự án điện mặt trời, hiện nay các chủ đầu tư trong nước đã tự chủ được quy trình đầu tư, vận hành nên ít có nhu cầu chuyển nhượng dự án. Hiệu quả tài chính cũng bảo đảm hơn do giá pin mặt trời đã giảm. Tuy nhiên, đối với dự án điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi còn nhiều khó khăn để có hiệu quả tài chính. Việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án sẽ giúp cải thiện hiệu quả dự án hơn trong trước mắt, cho tới khi dự án đủ sức hấp dẫn về tài chính để chủ đầu tư trong nước có động lực tự triển khai dự án.
6/ Do gặp quá nhiều khó khăn từ chi phí đầu tư cho tới thời gian hoàn thành dự án, cần có những ưu đãi đặc biệt cho điện gió ngoài khơi.
Một số kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước:
Thứ nhất: Cần kéo dài thời gian thực hiện giá FIT cho các dự án điện gió ngoài khơi. Điện gió ngoài khơi gặp nhiều cản trở về điều kiện thi công, một năm hết gần nửa thời gian là mùa biển động không thể xây lắp. Nếu các đơn vị túc trực phương tiện thì sẽ tăng cao chi phí.
Thứ hai: Nhà nước cần tạo điều kiện hỗ trợ về thuế nhập khẩu, hoặc đóng mới trang thiết bị phục vụ dự án điện gió ngoài khơi. Hiện trang thiết bị chuyên dụng (tàu, cẩu) có khả năng thi công điện gió trên biển tại Việt Nam hết sức hạn chế. Phương tiện thuê của nước ngoài cũng không dễ được cấp phép, do đó càng đẩy chi phí lên cao.
Thứ ba: Rất nhiều doanh nghiệp đang phản ánh việc gặp khó khăn về khả năng hoàn thuế VAT theo quy định ưu đãi các dự án năng lượng tái tạo, khi Tổng cục Thuế không chấp nhận hoàn thuế trong thời gian dự án thi công, với lý do là “dự án không nằm trong ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì chưa được hoàn thuế”. Trong khi đó, theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Luật thuế Giá trị gia tăng quy định dự án đầu tư ngành điện “là dự án đầu tư kinh doanh có điều kiện và chỉ được hoàn thuế giá trị gia tăng khi được cấp giấy phép hoạt động điện lực”. Tuy nhiên, theo Thông tư 21 của Bộ Công Thương thì giấy phép này chỉ được cấp khi dự án đầu tư đã hoàn thành đầu tư và được nghiệm thu.
Văn bản Nhà nước mâu thuẫn như vậy, doanh nghiệp ở giữa là người chịu thiệt. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần hết sức giúp đỡ gỡ, khó cho doanh nghiệp để có thể triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch.
Thứ tư: Chính sách lãi suất ưu đãi cho các dự án điện gió ngoài khơi cần được thể hiện rõ ràng trong các văn bản của Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Bởi hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các ngân hàng thương mại có ưu đãi lãi suất đáng kể để thúc đẩy các dự án điện gió ngoài khơi./.
Theo http://nangluongvietnam.vn/