Dệt may kéo vốn từ Đan Mạch
Cùng với việc khai trương nhà máy mới, Spectre Việt Nam đã có kế hoạch mở rộng đầu tư nhà máy để tối ưu hóa các cơ hội kinh doanh.
Nhà máy dệt may Spectre, 100% vốn đầu tư từ Spectre A/S (ĐanMạch) đã chính thức được khánh thành vào cuối tuần qua tại Khu công nghiệp Hòa Xá (Mỹ Xá, TP. Nam Định). Nhà máy May Spectre được đầu tư với tổng vốn 5 triệu USD, quy mô hơn 500 lao động, dòng sản phẩm chủ đạo là trang phục thể thao cho các môn leo núi, chạy bộ, đạp xe và săn bắn. Đây là nhà máy dệt may thứ hai của Spectre tại Việt Nam, sau nhà máy tại Thái Bình.
Ông Jesper Klausen, Chủ tịch Công ty TNHH Công nghệ may mặc Spectre Việt Nam cho biết, Nhà máy được hoàn thành và đưa vào sản xuất sau 7 tháng triển khai xây dựng. Toàn bộ sản phẩm của Nhà máy được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Từng khảo sát tại một số thị trường châu Á, trong đó có Trung Quốc, cuối cùng, Công ty Spectre A/S quyết định dừng chân tại Việt Nam. “Nam Định là điểm dừng chân mới của Công ty do địa phương này đáp ứng được những điều kiện mà Spectre đặt ra như giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào và thiện chí của chính quyền trong việc hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành dự án”, ông Jesper Klausen lý giải.
Một yếu tố quan trọng nữa được Ban lãnh đạo Spectre Việt Nam nhắc đến là tình hình kinh doanh ở Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Đó là động lực để Spectre quyết định đầu tư nhà máy mới ở Nam Định với 100% vốn của Spectre A/S.Từng khảo sát tại một số thị trường châu Á, trong đó có Trung Quốc, cuối cùng, Công ty Spectre A/S quyết định dừng chân tại Việt Nam. “Nam Định là điểm dừng chân mới của Công ty do địa phương này đáp ứng được những điều kiện mà Spectre đặt ra như giao thông thuận lợi, nguồn lao động dồi dào và thiện chí của chính quyền trong việc hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành dự án”, ông Jesper Klausen lý giải.
Cùng với việc khai trương nhà máy mới, Spectre Việt Nam đã có kế hoạch mở rộng đầu tư nhà máy để tối ưu hóa các cơ hội kinh doanh.
“Dự kiến năm sau, Spectre Việt Nam sẽ đổ thêm vốn để tăng quy mô sản xuất hàng xuất khẩu. Việc đầu tư sẽ diễn ra trong thời gian ngắn do các hạng mục cơ bản để hoàn thiện đã được chuẩn bị sẵn khi đầu tư giai đoạn đầu”, ông Jesper Klausen xác nhận.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, bà Charlotte Laursen nhận định, trao đổi thương mại và đầu tư song phương giữa Việt Nam và Đan Mạch đang phát triển nhanh chóng và liên tục phá vỡ các kỷ lục hàng năm. Thêm vào đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào cuối năm tới sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng thương mại giữa hai quốc gia và hỗ trợ các sản phẩm của Spectre tăng tính cạnh tranh hơn nữa trong tương lai.
Khẳng định không đến Việt Nam đầu tư chỉ để tận dụng thời cơ xuất khẩu và sự đang lên của ngành dệt may nội địa, đại diện nhà đầu tư này còn cho biết: “Khi thành lập và mở rộng sản xuất tại Việt Nam, Công ty không chỉ tạo việc làm, mà còn chuyển giao cả những kiến thức chuyên môn và giá trị của doanh nghiệp Đan Mạch, trách nhiệm xã hội, chất lượng nhân công cao và điều kiện làm việc tốt cho địa phương”.
Là doanh nghiệp may mặc của Đan Mạch, định vị ở quy mô nhỏ và vừa, Spectre A/S được thành lập năm 1947 và bắt đầu đặt hàng gia công bên ngoài (outsource) tại Đông Âu từ 25 năm trước.
“Chúng tôi đã trở thành một công ty toàn cầu với sản lượng xuất khẩu gần 100%, các nguyên liệu thô phục vụ sản xuất được thu mua ở khắp nơi trên thế giới. Cho đến nay, Latvia và Việt Nam là 2 quốc gia được Spectre A/S tập trung đầu tư đặt các nhà máy sản xuất”, theo ông Jesper Klausen.
Nguồn: Báo Đầu tư