Đề xuất xây nhà cao tầng khu Ga Hà Nội: Hà Nội đi ngược quy chế của chính mình
Theo chuyên gia, việc Hà Nội đề xuất xây dựng một số công trình cao từ 40-70 tầng tại khu vực ga Hà Nội là đi ngược với Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử do chính Chủ tịch TP HN Nguyễn Đức Chung ký.
Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận đang được UBND TP Hà Nội xin ý kiến các bộ ngành, trước khi báo cáo Thủ tướng.
Theo đó, thành phố đề xuất quy hoạch 9 phân vùng không gian chức năng cao 40-70 tầng, trong đó có 6 khu đề xuất xây dựng cao 40-70 tầng gồm: Khu tài chính, khu kiến trúc bố cục ở phía Bắc khu đất lập quy hoạch (cao 40-70 tầng); khu truyền thông bố cục phía Đông khu đất (cao 40-70 tầng); khu lối sống mới bố cục phía Tây Nam khu đất (cao 40-60 tầng); khu nghỉ dưỡng đô thị tại khu vực trung tâm quy hoạch (cao 40-60 tầng) và khu ga đường sắt cao ở khu vực trung tâm khu quy hoạch (cao 40-70 tầng).
Ngoài các khu cao tầng còn có 3 khu vực thấp tầng gồm: Khu văn hóa thấp tầng (phía bắc khu đất); khu công viên (phía đông khu đất); khu thương mại quốc tế (phía Tây Nam khu đất).
Tuy nhiên, ngay khi đồ án trên được đưa ra đã có nhiều ý kiến chuyên gia trước việc hàng loạt công trình cao chọc trời từ 40-70 tầng sẽ được xây dựng gần khu vực Ga Hà Nội.
Trao đổi với PV, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, việc Hà Nội đề xuất xây dựng một số công trình cao từ 40-70 tầng tại khu vực ga Hà Nội là đi ngược với quy chế của chính mình. Đó là Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký ban hành vào ngày 7/4/2016.
Theo quy chế, khu vực xung quanh Ga Hà Nội được xây dựng tối đa 18 tầng, tương đương 65m. Các công trình cao phải đảm bảo phù hợp với Quy hoạch phân khu Ga Hà Nội, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ Hà Nội. Đồng thời, công trình cao phải đảm bảo giảm mật độ xây dựng, tạo không gian thoáng, thông tầng tại các tầng đế, kết nối không gian công cộng với không gian khu vực ga Hà Nội.
Cũng theo quy chế này, với phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) được xây dựng tối đa 9 tầng, tương đương 32m với điều kiện phía Tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình Ga Hà Nội.
“Đấy là pháp lý cần tuân thủ, nếu muốn điều chỉnh phải nêu lý do xác đáng, phải hỏi ý kiến cộng đồng, sau khi đồng ý mới trình cấp thẩm quyền phê duyệt, đằng này cộng đồng không biết gì cả. Trước đây khi làm công trình cao tầng ở sau bến xe Kim Mã mặc dù các cơ quan thẩm quyền có ý kiến rồi nhưng cộng đồng phản đối thì lập tức các cấp có thẩm quyền cũng dừng lại, đây là bài học kinh nghiệm. Còn tại khu vực Ga Hà Nội này, có vấn đề khi không thực hiện đúng quy chế, quy trình? Năng lực yếu kém hay vì vấn đề gì?”, ông Nghiêm đặt câu hỏi.
Cũng theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, nhiều nước trên thế giới có mô hình trung tâm đầu mối giao thông gắn với tổ hợp các công trình chức năng trung tâm thương mại dịch vụ, gọi là phương án TOD, nhưng đấy là những ga đầu mối ở ngoài khu vực lịch sử. Còn Ga Hà Nội là một công trình lịch sử, đằng sau đó là Văn Miếu – Quốc Tử Giám lại là di tích lịch sử được Unesco công nhận thì không thể áp dụng máy móc kinh nghiệm ở nước ngoài được.
Đồng tình với quan điểm trên, KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, chỉ cần nghe thông tin Ga Hà Nội xây cao tầng lên lập tức đã thấy “khiên cưỡng rồi”, cố làm cho bằng được.
“Xây những khu cao tầng tập trung vào khu vực đó là không có lợi cho Hà Nội. Nếu xây như thế thì chúng ta sẽ đi đường nào để đến đó, trong khi tình trạng tắc đường vẫn thường xảy ra hàng ngày ở Hà Nội mà đến giờ vẫn chưa giải quyết được”, ông Lân nói.
Cũng theo vị KTS này, trong khi chúng ta đang cố gắng thực hiện giảm áp lực gia tăng dân số khu vực nội đô thì dường như đề xuất xây nhiều tòa nhà cao vài chục tầng như thế này sẽ càng “nhồi” thêm dân số vào khu vực, hoạt động cho Ga Hà Nội thì ít mà mục đích lấy diện tích đất thực hiện cái khác thì nhiều.
Nguồn: infonet