Đề xuất vốn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận từ nguồn đầu tư công
Đề xuất vốn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận từ nguồn đầu tư công – Chính phủ đang trình Quốc hội cho phép bố trí vốn Nhà nước trong dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Thông tin trên được đưa ra trong Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 do Chính phủ gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, cùng với dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, thì dự án đường bộ cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là những dự án lớn có tác động lan toả đến vùng miền, nên Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc huy động vốn đầu tư của nhà nước nhằm đảm bảo phương án tài chính của các dự án.
“Đối với dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, Chính phủ đang trình Quốc hội cho phép bố trí phần tham gia của Nhà nước trong dự án từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 và nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020” – báo cáo nêu.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 20 ngày 28 tháng 3 năm 2018 để triển khai Nghị quyết nêu trên và đến nay đã giao kế hoạch vốn đầu tư công cho Bộ GT-VT để triển khai thực hiện.
Như vậy, tính đến 31-12-2018, báo cáo Chính phủ cho biết đã cam kết tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là 183.067 tỉ đồng với dư nợ cấp tín dụng là 107.247 tỉ đồng, tăng 5,32% so với năm 2017.
Tuy nhiên, việc cho vay, thu nợ đối với các dự án BOT, BT giao thông còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn, năng lực tài chính nhà đầu tư hạn chế, chính sách phí chưa ổn định và các chủ đầu tư chậm quyết toán.
Do đó, trong thời gian tới, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục xem xét cho vay đối với các dự án BOT giao thông theo cơ chế thương mại trên cơ sở dự án khả thi, hiệu quả, có khả năng trả nợ ngân hàng và phù hợp với quy định của pháp luật.
Đồng thời, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút nguồn vốn nước ngoài phù hợp với chính sách quản lý nợ nước ngoài của quốc gia, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ.
Đánh giá về khả năng huy động vốn tư nhân, báo cáo Chính phủ cho rằng các dự án kết cấu hạ tầng nói chung và dự án hạ tầng giao thông nói riêng thường có quy mô đầu tư lớn, thời gian đầu tư xây dựng và vận hành thu hồi vốn dài, phụ thuộc nhiều vào yếu tố từ kỹ thuật, tự nhiên đến kinh tế – xã hội và chính trị nên được đánh giá là có mức độ rủi ro cao. Vì vậy, việc kêu gọi các Nhà đầu tư tư nhân vào các dự án PPP hạ tầng cũng khó khăn hơn nhiều.
Trong khi theo kinh nghiệm quốc tế, việc áp dụng một cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp giữa các bên là một yếu tố quan trọng quyết định đến mức độ hấp dẫn của dự án PPP đối với nhà đầu tư cũng như sự thành công hay thất bại của hợp đồng PPP.
Nguồn: tuoitre.vn