Đề xuất nuôi tôm kết hợp làm điện mặt trời

Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận – Cam Ranh (Công ty Thông Thuận) đang đề xuất thực hiện dự án Nuôi tôm công nghiệp kết hợp sản xuất điện mặt trời. Tuy nhiên, các sở, ngành liên quan đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Dự án không phát sinh diện tích sử dụng đất

Theo đề án của Công ty Thông Thuận, dự án Nuôi tôm công nghiệp kết hợp sản xuất điện mặt trời sẽ được triển khai tại thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh với diện tích gần 71ha. Đây là khu vực đất nuôi trồng thủy sản, đang được công ty  đầu tư nuôi tôm thương phẩm. Nếu dự án được thông qua, công ty sẽ đầu tư lắp đặt khoảng 80.450 tấm pin năng lượng mặt trời trên diện tích 33,6ha, bao gồm 50 ao nuôi với diện tích mỗi ao trung bình là 6.720m2. Dự án có tổng vốn đầu tư 560 tỷ đồng.

Khu vực đề xuất triển khai dự án nuôi tôm công nghiệp kết hợp sản xuất điện mặt trời tại thôn Mỹ Thanh (xã Cam Thịnh Đông).

Ông Trương Hữu Thông – Chủ tịch HĐQT Công ty Thông Thuận cho biết, mô hình nuôi tôm công nghiệp kết hợp sản xuất điện mặt trời (Solar Farm) ứng dụng việc triển khai lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời với số lượng lớn trên diện tích đất rộng nhằm tạo ra lượng điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Nguồn điện sản xuất từ dự án giúp cung cấp năng lượng cho khu vực nuôi trồng thủy sản và lưới điện quốc gia giống như các nhà máy nhiệt điện, thủy điện khác. Điểm nổi bật của dự án là giảm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, đường dây nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, đây là dự án sản xuất năng lượng sạch được Nhà nước khuyến khích đầu tư và sử dụng; đồng thời là dự án đầu tiên thí điểm nuôi tôm công nghiệp kết hợp sản xuất điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Dự án không làm phát sinh thêm diện tích sử dụng đất cho mục đích năng lượng, không ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất.

Còn nhiều việc phải làm

Sau khi phối hợp kiểm tra thực địa và nghiên cứu hồ sơ đề xuất dự án, Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá, dự án đề xuất lắp đặt giàn pin quang điện bằng giá đỡ phía trên bề mặt ao nuôi tôm không lót bạt, diện tích che phủ của tấm pin chiếm khoảng 40 – 50% diện tích bề mặt ao nuôi; đây là phương thức kết hợp tốt nhằm khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất trên cùng diện tích. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải duy trì mục đích chính là canh tác nông nghiệp (nuôi tôm); lựa chọn vật liệu phù hợp với hệ thống quang điện lắp đặt trong môi trường có điều kiện ăn mòn cao. Ngoài ra, hiện nay, chưa có quy chuẩn Việt Nam đối với tấm pin quang điện và thiết bị chính sử dụng cho các dự án điện mặt trời nên chủ đầu tư cần lựa chọn các thiết bị phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để bảo đảm hiệu quả cho dự án và an toàn môi trường trong quá trình vận hành.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chủ đầu tư phải làm việc với cơ quan chức năng và đơn vị liên quan để nghiên cứu, đánh giá tác động của việc che phủ mặt nước của hệ thống pin mặt trời đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản. Còn Sở Xây dựng cho rằng, theo Đồ án Quy hoạch chung TP. Cam Ranh đến năm 2035, dự án không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được UBND tỉnh phê duyệt, cần tham khảo ý kiến của UBND TP. Cam Ranh về sự phù hợp của dự án đối với các đồ án quy hoạch để có phương án điều chỉnh.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho rằng, dự án phải xin ý kiến của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Quốc phòng trước khi trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung quy hoạch. Sở Giao thông vận tải có ý kiến, khi dự án được chấp thuận chủ trương, đề nghị chủ đầu tư thiết kế các tuyến đường nội bộ của dự án đấu nối vào tuyến đường hiện hữu để lưu thông ra Quốc lộ 1 qua vị trí đấu nối đã được Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận.

Nguồn baokhanhhoa.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo