Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Một góc KCN Bá Thiện 2, tỉnh Vĩnh Phúc |
PV: Thưa ông, được biết trong 06 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc đã gặt hái được nhiều thành công trong công tác thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn. Xin ông vui lòng cho biết đôi nét kết quả thu hút đầu tư mà các KCN đã đạt được trong thời gian gần đây?
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Những tháng đầu năm 2022, mặc dù dịch bệnh COvid-19 đã cơ bản được khống chế, song các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Với tinh thần cố gắng và quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Phúc, đặc biệt là Ban Quản lý các KCN Tỉnh (Ban Quản lý), với vai trò nhiệm vụ được UBND Tỉnh giao trong công tác quản lý và phát triển các KCN trên địa bàn, Ban đã không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực công tác. Trên tinh thần đó, trong 06 tháng đầu năm 2022 hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN trên địa bàn tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt là công tác xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp thu được nhiều kết quả khởi sắc, hứa hẹn một năm đầu tư, kinh doanh thành công trong các KCN tỉnh Vĩnh Phúc.
Về hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư, Ban Quản lý đã tăng cường đẩy mạnh các hình thức xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú. Đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiềm chế và các KCN đi vào trạng thái hoạt động bình thường, Ban Quản lý đã chú trọng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư tại chỗ để các nhà đầu tư trực tiếp đến thăm quan, tìm hiểu KCN và cảm nhận thực tế môi trường hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN Tỉnh, từ đó có quyết định đúng đắn lập dự án đầu tư tại đây.
Trong 06 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý đã đón tiếp nhiều nhà đầu tư đến tham quan, tìm hiểu và làm việc tại Ban. Kết quả, 06 tháng đầu năm 2022 Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 14 dự án FDI và DDI, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng vốn cho 18 lượt dự FDI và DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm đạt 208,56 triệu USD và 230,86 tỷ đồng, cụ thể:
Cấp mới 09 dự án FDI và 18 lượt FDI tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký và tăng vốn đạt 208,56 triệu USD (cấp mới: 125,5 triệu USD, tăng vốn: 83,06 triệu USD), đạt 177% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 70% kế hoạch năm; cấp mới 05 dự án DDI mới với tổng số vốn đầu tư đăng ký 230,86 tỷ đồng, bằng 5% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 33% kế hoạch năm 2022.
Các dự án thu hút mới trong 6 tháng đầu năm 2022 đầu tư vào các lĩnh vực: Sản xuất điện tử, linh kiện điện tử (05 dự án, chiếm 36% số dự án thu hút mới); sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy (01 dự án, chiếm 7% số dự án thu hút mới) và sản xuất lĩnh vực công nghiệp khác (08 dự án, chiếm 57% số dự án thu hút mới).
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các dự án FDI thu hút mới đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Hàn Quốc (05 dự án); Nhật Bản (02 dự án; Đài Loan (01 dự án) và Singapore (01 dự án).
PV: Ông có thể cho biết rõ hơn thực tế tình hình hoạt động đầu tư của các KCN trên địa bàn, thưa ông?
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Đến nay, số dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong các KCN còn hiệu lực là 426 dự án, gồm 87 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 22.244,34 tỷ đồng và 339 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5.605 triệu USD.
Về tình hình hoạt động đầu tư tại các KCN hiện nay cụ thể như sau:
KCN Khai Quang thu hút được 88 dự án, gồm 12 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 876,73 tỷ đồng và 76 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.217,43 triệu USD; đã có 85 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 96%.
KCN Bình Xuyên thu hút được 131 dự án, gồm 45 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 4.143,51 tỷ đồng và 86 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.280,38 triệu USD; đã có 105 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 98%.
KCN Bình Xuyên II (giai đoạn 1) thu hút được 58 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 319,79 triệu USD; đã có 57 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 100%.
KCN Bá Thiện thu hút được 37 dự án, gồm 05 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 3.000,35 tỷ đồng và 32 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 894,14 triệu USD; đã có 30 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy tự nhiên đạt 75%.
KCN Bá Thiện II thu hút được 62 dự án, gồm 04 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 1.309,12 tỷ đồng và 58 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 925,38 triệu USD; đã có 55 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 68%.
KCN Thăng Long Vĩnh Phúc thu hút được 34 dự án, gồm 07 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 1.139,58 tỷ đồng và 27 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 811,27 triệu USD; đã có 21 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 82%.
KCN Tam Dương II-Khu A thu hút được 06 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 3.037,2 tỷ đồng; đã có 03 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 46%.
KCN Sơn Lôi thu hút được 02 dự án, gồm 01 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 1.864,1 tỷ đồng và 01 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 61,5 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 26%.
KCN Thái Hòa-Liễn Sơn-Liên Hòa (KVII- Giai đoạn 1) thu hút được 03 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 2.531,54 tỷ đồng; đã có 02 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 28%.
Các KCN Tam Dương II-Khu A; Sơn Lôi; Sông Lô I; Sông Lô II; Tam Dương I- Khu vực 2 và Nam Bình Xuyên đang tiến hành đồi thường giải phóng mặt bằng để có quỹ đất thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, vốn thực hiện của các dự án DDI tại các KCN trong Tỉnh đạt 815,72 tỷ đồng, nâng vốn thực hiện của các dự án DDI đến nay là 11.283,82 tỷ đồng, đạt 51 % vốn đầu tư đăng ký. Vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 215,63 triệu USD, nâng vốn thực hiện của các dự án FDI trong các KCN Tỉnh đến nay là 3.231,83 triệu USD, đạt tỷ lệ 58% vốn đầu tư đăng ký.
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương(bên trái) trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Ojitex Hải Phòng tại Vĩnh Phúc |
PV: Được biết thời gian qua các doanh nghiệp KCN hoạt động sản xuất kinh doanh đạt tăng trưởng cao, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp KCN trong 06 tháng đầu năm 2022 tương đối hiệu quả và tăng trưởng so với cùng kỳ, với các chỉ tiêu chủ yếu đạt được như sau:
Các doanh nghiệp FDI: Doanh thu đạt 4.194,16 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ; Giá trị xuất khẩu đạt 3.178,12 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ; Nộp ngân sách nhà nước đạt 2.400,83 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Các doanh nghiệp DDI: Doanh thu đạt 5.583,31 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ; Xuất khẩu đạt 207,08 tỷ đồng, đạt 821 % so với cùng kỳ; nộp ngân sách nhà nước đạt 239,85 tỷ đồng, đạt 190% so với cùng kỳ năm 2021.
Đến nay, các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 359 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh (308 dự án FDI và 51 dự án DDI). Các doanh nghiệp trong KCN đã giải quyết việc làm cho 125.225 người lao động là người địa phương và các tỉnh lân cận.
PV: Để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ phát triển các KCN trong năm 2022, theo ông Ban Quản lý cần triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ then chốt nào?
Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: 06 tháng cuối năm 2022, Ban Quản lý dự kiến thu hút thêm 8-10 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 80-100 triệu USD; thu hút thêm 3-5 dự án DDI mới với tổng vốn đăng ký khoảng 200-300 tỷ đồng. Dự kiến có thêm khoảng 6-8 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, với vốn thực hiện các dự án FDI đạt khoảng 100 triệu USD, vốn thực hiện các dự án DDI đạt khoảng 100 tỷ đồng; đồng thời tuyển mới thêm khoảng 4.000 lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp KCN Tỉnh.
Để đạt được hiệu quả các chỉ tiêu chủ yếu trên, Ban Quản lý tiếp tục tăng cường đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư (đặc biệt tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ). Chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh vào các KCN, ưu tiên thu hút các dự án ngành công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, công nghệ nano; các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như: Cơ khí chế tạo, ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, công nghiệp phụ trợ, sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu mới, đầu tư phát triển bất động sản KCN….
Tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng giữa các nhà đầu tư; chủ động tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các dự án, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý dự án sau đầu tư. Mặt khác đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN đã được thành lập/cấp Chứng nhận đầu tư để các dự án được nhanh chóng triển khai và đi vào hoạt động,/.
Nguồn: kinhtevadubao.vn