Đầu tư xanh sẽ tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn
Đại diện Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khẳng đinh, đầu tư vào các ngành kinh tế, cơ sở hạ tầng, giao thông theo hướng giảm phát thải sẽ tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn, thu hút được các nguồn vốn đầu tư tư nhân.
Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC quốc tế tổ chức Đối thoại “Công – Tư APEC về Chính sách đầu tư xanh” trong 2 ngày 26-27/7/2018 tại Hà Nội.
Đầu tư xanh để có thể gặt hái thành quả về tăng trưởng xanh là đích đến của các nền kinh tế trong APEC, trong đó, việc huy động các nguồn lực đầu tư cho tăng trưởng xanh đang là nhu cầu cấp thiết để thúc đẩy quá trình thực hiện phát triển kinh tế xanh.
Thực tế chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường là vấn đề lớn đối với các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Nhận thức được tầm quan trọng của đầu tư xanh, giảm phát thải, tạo động lực đầu tư bền vững, Việt Nam đã đề xuất tổ chức Đối thoại “Công – Tư APEC về Chính sách đầu tư xanh” với mục tiêu thảo luận về các thông lệ thực hành tốt nhằm đưa ra khuyến nghị về các chính sách, sự hỗ trợ của các nền kinh tế APEC trong giai đoạn chuyển đổi phát triển sang phát triển kinh tế xanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng, phát thải các bon thấp và giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.
Bà Geraldine Ang, Chuyên gia phân tích cao cấp thuộc OECD cho biết, việc đầu tư phát triển trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nếu được lồng ghép với bảo vệ môi trường, giảm phát thải là một hướng đi an toàn và dễ dàng thực hiện với các quốc gia, do cách đầu tư này chỉ làm tăng thêm 10% vốn đầu tư so với các dự án thông thường.
“Các nền kinh tế phát triển, đang phát triển cần có chính sách và hành động kịp thời để hướng tới sự phát triển phát thải các bon thấp, và giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Đối với Việt Nam, Chính phủ cần có chính sách và khung pháp lý hỗ trợ ổn định hơn nữa để huy động các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân và FDI”, bà Geraldine Ang lưu ý.
Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) khẳng định, phát triển bền vững với các dự án đầu tư xanh, giảm phát thải hiện là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Nhưng, điểm ngẽn lớn nhất là nguồn vốn đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư xanh, giảm phát thải trong tất cả các ngành sản xuất, từ năng lượng đến giao thông, nước, xây dựng…
Phần lớn các chuyên gia có mặt tại Diễn đàn đều cho rằng, để có thể triển khai nhiều hơn các dự án đầu tư theo hướng xanh, bền vững, Chính phủ Việt Nam cần có chính sách và khung pháp lý hỗ trợ ổn định hơn nữa để huy động các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân.
Để hiệu quả, khu vực nhà nước và tư nhân cùng nhau hợp tác trong các dự án cụ thể vì mục tiêu chung cho tăng trưởng xanh bền vững.
Chính sách đầu tư xanh đóng vai trò quan trọng và tác động đến nhiều yếu tố khác nhau như thiết lập mục tiêu và điều chỉnh chính sách và ưu đãi cho phát thải các bon thấp, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậy, khai thác tài nguyên và xây dựng năng lực cho các nền kinh tế, thúc đẩy kinh doanh xanh và điều chỉnh hành vi người tiêu dùng.
Thực tế, thời gian qua, Việt Nam dù đã những chính sách nhưng chưa đủ sức thúc đẩy các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào tăng trưởng xanh; các công cụ tài chính chưa linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Trong nhiều năm gần đây, các Bộ trưởng APEC nhấn mạnh rằng, những hoạt động APEC trong thúc đẩy đầu tư bền vững sẽ bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, khuyến khích đầu tư vào tăng trưởng xanh cũng như cải cách vì một nền kinh tế phát thải các bon thấp”.
Trên cơ sở chỉ đạo của các Bộ trưởng APEC, hầu hết các nền kinh tế thành viên đã tích cực đầu tư vào tăng trưởng xanh, tuy nhiên, việc duy trì tốc độ tăng trưởng đòi hỏi nguồn tài chính lớn do chi phí ban đầu cao, đặc tính tập trung vốn cũng như các yếu tố pháp lý khác.
Nguồn: baodautu.vn