Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ CPTPP: Khách quen, vốn mới
Vẫn là các nhà đầu tư quen tiếng, nhưng với việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2018 và được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày 12/11 vừa qua, sẽ có một dòng vốn đầu tư lớn hơn, chất lượng hơn đổ vào Việt Nam.
Khách quen
Hai trong số các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn đăng ký đầu tư vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay là của các nhà đầu tư đến từ 11 quốc gia thành viên CPTPP. Đó là Dự án Thành phố thông minh 4,138 tỷ USD của liên doanh giữa Sumitomo (Nhật Bản) và BRG (Việt Nam), hay Dự án Laguna tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD của Banyan Tree (Singapore)…
Chưa kể, còn có một loạt dự án như Nhà máy Điện gió Hanbaram (vốn đầu tư 150 triệu USD), Dự án Nhà máy Dệt và May trang phục Ramatex Nam Định (80 triệu USD) của nhà đầu tư Singapore, Dự án Nhà máy Ykk Hà Nam (80 triệu USD) của nhà đầu tư Nhật Bản…
Thực tế, dù không có CPTPP, vốn đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Malaysia… vẫn đổ vào Việt Nam. Đây là các đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam trong 3 thập kỷ thu hút FDI vừa qua.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam trên 56,2 tỷ USD. Con số này của nhà đầu tư Singapore là 46,2 tỷ USD, còn của Malaysia là 12,5 tỷ USD, Canada 5 tỷ USD, Australia gần 1,86 tỷ USD, Brunei hơn 1 tỷ USD…
Hiện nay, trong số 11 quốc gia thành viên CPTPP, ngoài Pêru chưa có dự án đầu tư vào Việt Nam, thì tất cả các thành viên còn lại đều đã đầu tư vào Việt Nam. Tổng cộng, các nước thành viên CPTPP đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 123 tỷ USD, chiếm gần 37% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ vừa qua. Đây là một con số không hề nhỏ, cho thấy đầu tư của các thành viên CPTPP có ý nghĩa rất lớn đối với thu hút FDI của Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là, liệu CPTPP có giúp chuyển dịch dòng vốn FDI từ các nước thành viên vào Việt Nam?
Trong khi bà Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tỏ ra e dè trước những nhận định về thúc đẩy FDI từ CPTPP, thì nhiều chuyên gia kinh tế lại đang rất kỳ vọng vào một dòng vốn đầu tư có quy mô lớn hơn sẽ chảy vào Việt Nam.
Theo bà Lê Thu Hà, với TPP có sự tham gia của Mỹ, thị trường Mỹ quá hấp dẫn, làm cho các nước ngoài khối đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam để tận dụng xuất khẩu sang Mỹ, nhưng với CPTPP, lợi thế từ xuất khẩu vào thị trường Mỹ không còn, nên mức độ hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm đi.
Đúng là CPTPP thiếu Mỹ đã làm giảm sức hấp dẫn của hiệp định được mệnh danh là mang tính “thế kỷ” này, song như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, CPTPP dù không có Mỹ thì Việt Nam “vẫn được hưởng lợi”. Lợi ở đây trên nhiều khía cạnh, trong đó có thu hút FDI.
Vốn mới
“CPTTP sẽ tạo điều kiện để Việt Nam thu hút vốn đầu tư từ các nước thành viên khác, nhất là với các nước mà Việt Nam chưa có thỏa thuận FTA, như Canada, Mexico. Lý do là, hiệp định này sẽ thúc đẩy hợp tác thương mại, mà thương mại lại gắn liền với đầu tư. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn, tìm kiếm thị trường đầu tư tại các nước thành viên khác”, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI nói.
Trên thực tế, ngay khi các nước thành viên CPTPP cùng ký kết hiệp định này, tính toán của các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam sẽ có thêm nhiều lợi ích trong thu hút FDI.
Chẳng hạn, ông Trần Hoàng Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia cũng có chung nhận định với GS-TSKH Nguyễn Mại khi cho rằng, CPTPP sẽ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu của các nước bên kia bờ Thái Bình Dương, như Canada, Mexico, Peru – những thị trường Việt Nam chưa có hiệp định FTA. Thậm chí, theo ông Trần Hoàng Thắng, ngay cả với các thị trường Nhật Bản, Australia, New Zealand mà Việt Nam đã có FTA, thì CPTPP cũng tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường này.
Khi khả năng kết nối với các thị trường này ngày càng lớn, thì không chỉ doanh nghiệp Canada, New Zealand, Mexico muốn đầu tư vào Việt Nam, mà ngay cả những nhà đầu tư nước ngoài muốn “với tay” tới các thị trường này cũng sẽ dốc vốn đầu tư vào Việt Nam.
Đứng trên góc độ này, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, tác động của CPTPP không chỉ đến với dòng vốn FDI của các nước thành viên, mà còn đối với dòng vốn FDI nói chung. Thêm vào đó, không chỉ là số lượng, mà đây cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao chất lượng dòng vốn FDI.
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, CPTPP sẽ tạo cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư từ các đối tác khác như Anh, Canada…, thậm chí là từ Mỹ, Pháp, Đức…, những nước dẫn đầu trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), có nhiều tiềm năng lớn trong phát triển công nghệ cao, công nghệ nguồn… “Phải làm sao lôi kéo được đầu tư từ những nước này nhiều hơn. Phải có dòng vốn đầu tư có chất lượng này, Việt Nam mới có thể theo kịp trong cách mạng công nghiệp 4.0”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.
Đây cũng chính là định hướng được Chính phủ Việt Nam đặt ra sau khi tổng kết 30 năm thu hút FDI vào Việt Nam. Ngoài các thị trường chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…, cần tập trung thu hút đầu tư từ châu Âu, từ các nền kinh tế phát triển trên thế giới. Cùng với định hướng chiến lược mới, thì không chỉ có CPTPP, Việt Nam còn ký kết nhiều FTA thế hệ mới, với Hàn Quốc, với EU… và tất cả các yếu tố đó sẽ mang lại cơ hội to lớn để Việt Nam thu hút nhiều hơn nữa vốn FDI.
Hơn nữa, một khi kế hoạch mời thêm Thái Lan, Hàn Quốc, Anh tham gia CPTPP thành công, thì tới đây, cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư trong khu vực sẽ còn lớn hơn nữa. Điều đó sẽ mang tới nhiều lợi ích hơn cho Việt Nam.
Nguồn: baodautu.vn