Đầu tư nhà máy đốt rác phát điện: Cơ hội và thách thức từ loạt dự án mới
Hiện nay, dự án nhà máy đốt rác phát điện đang được các doanh nghiệp trong, ngoài nước quan tâm và rót vốn đầu tư.
Vào trung tuần tháng 7/2024, Công ty TNHH Benvitek, có trụ sở tại TP.HCM, đã gửi đề xuất lên UBND TP.HCM về việc đầu tư xây dựng một nhà máy đốt rác phát điện với diện tích 20ha. Dự kiến, dự án sẽ được xây dựng trong 2 năm với công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, tạo ra 100MW điện/ngày và bán tín chỉ carbon từ việc thu hồi khí mê-tan gây hiệu ứng nhà kính. Dự án này cũng được kỳ vọng sẽ đóng góp vào cam kết Net-Zero của Chính phủ vào năm 2050.
Cùng trong thời điểm này, dự án nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại huyện Củ Chi, TP.HCM đã chính thức khởi công sau nhiều năm chờ đợi. Dự án có công suất xử lý 2.000-2.600 tấn rác/ngày, với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 6.400 tỷ đồng. Được Công ty BCG Energy, một thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital, mua lại từ CTCP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, dự án này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.
Hiện tại, UBND TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án của Công ty Vietstar với công suất 2.000 tấn/ngày và dự án của CTCP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa với cùng công suất. Ngoài ra, các dự án của CTCP Tasco và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam cũng đang hoàn tất các thủ tục đầu tư.
Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cũng có kế hoạch đầu tư một nhà máy đốt rác phát điện với công suất 1.000 tấn/ngày, trong khi CTCP Cơ điện lạnh (REE) đang đề xuất đầu tư một nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày tại Củ Chi. Với tổng mức đầu tư 4.669 tỷ đồng (trước thuế), dự án của REE được đề xuất theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) và đang được thẩm định bởi các sở, ngành của TP.HCM.
Tại Đồng Nai, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đề xuất đầu tư các nhà máy đốt rác phát điện. Liên danh CTCP Thương mại và Đầu tư công nghệ Ecotech Việt Nam và CTCP Le Delta đề xuất xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, với tổng mức đầu tư 2.286 tỷ đồng. Dự án này đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang trong quá trình làm báo cáo nghiên cứu khả thi.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã tiếp ít nhất 2 nhà đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH Đầu tư Chiêu Minh (Đài Loan – Trung Quốc) và Công ty Asia New Generation (Đức) để tìm cơ hội đầu tư vào các dự án nhà máy đốt rác phát điện. Công ty Asia New Generation đề xuất đầu tư dự án xử lý rác thải phát điện tại huyện Xuân Lộc.
Ông Willy Andreas Kirsch, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, nếu được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ đầu tư công nghệ xử lý rác bằng công nghệ nhiệt phân của Đức. Với công nghệ này, rác thải không cần phân loại và không đem đốt trực tiếp mà xử lý bằng phương pháp khí hóa, hạn chế phát sinh khí thải và tạo ra 1,2-1,8 MWh điện năng/tấn rác. Giai đoạn đầu, doanh nghiệp dự tính đầu tư 40 triệu USD để xây dựng nhà máy có năng lực xử lý 400 tấn rác/ngày; giai đoạn tiếp theo có thể nâng lên 1.000 tấn/ngày.
Từ quá trình triển khai dự án, một số nhà đầu tư mong muốn Chính phủ sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật còn vướng mắc về đầu tư nhà máy đốt rác phát điện. Đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho nhà đầu tư mạnh dạn tham gia.
Lãnh đạo Tập đoàn Bamboo Capital cho biết, việc các địa phương yêu cầu đánh giá công nghệ trước khi phê duyệt đã làm hạn chế rất nhiều hiệu quả kinh tế của dự án, vì nếu một dự án được phê duyệt công nghệ ngay trong giấy phép, nhà đầu tư bị “bó buộc” vào nhà cung cấp. Trường hợp nhà cung cấp biết được dự án buộc phải dùng công nghệ của họ, họ sẽ ép chủ đầu tư về giá cả.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần ổn định chính sách để khuyến khích nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này, bởi việc đầu tư một nhà máy điện rác cần nguồn vốn rất lớn. Nếu chính sách xây dựng quá ngắn hạn, sẽ có rất ít doanh nghiệp dám đầu tư.
Nguồn: Nguoiquansat