Đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tăng kỷ lục
Đây là thông tin được đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết tại cuộc họp báo công bố kết quả khảo sát về tình hình hoạt động năm 2017 của DN Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương ngày 6/2.
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM cho biết, trong năm 2017, tổng số vốn đầu tư từ Nhật Bản vượt mức kỷ lục với trên 8,6 tỷ USD, tăng gấp 7 lần so với năm 2016, đứng đầu về số vốn đầu tư (chiếm trên 1/3) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2017. Trong đó, số dự án đầu tư mới cũng đạt mức tăng kỷ lục với 367 dự án.
Sự gia tăng nguồn vốn đầu tư từ Nhật Bản chủ yếu từ 3 dự án về cơ sở hạ tầng xây dựng nhà máy phát điện. Bên cạnh đó, còn có một số dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng như các dự án về điện tử, bất động sản, sản xuất sợi. Ngoài 3 dự án đầu tư lớn có số vốn cấp phép trên 1 tỷ USD, các dự án đầu tư mới chủ yếu là các dự án có quy mô vừa và nhỏ. Cơ cấu ngành nghề đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam trong năm qua vẫn tương đồng về số dự án đầu tư. Tuy nhiên có 2 điểm đáng lưu ý đó là khối chế tạo giảm khoảng 20%, từ mức 516 triệu USD chiếm 59% tổng vốn đầu tư mới xuống còn 417 triệu USD năm 2017 (chiếm 40%), trong khi bất động sản tăng từ 7% tổng vốn đầu tư trong năm 2016 (tương đương 57 triệu USD) lên 23% năm 2017 với 232 triệu USD.
Về tình hình hoạt động của các DN Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam trong năm 2017, ông Takimoto Koji cho biết, có trên 65% DN Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam trong năm 2017 công bố có lãi, tăng 2,3 điểm so với năm trước. Lợi nhuận của gia công xuất khẩu tương đối tốt. DN gia công xuất khẩu có lãi đạt 67,5%, trong khi các DN khác đạt 62,5%
Có khoảng 70% DN Nhật Bản tại Việt Nam dự định sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Đây là tỷ lệ cao so với các quốc gia khác, điều này chứng tỏ Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng. Đánh giá về môi trường đầu tư của Việt Nam, các DN Nhật Bản đánh giá cao về quy mô thị trường và khả năng tăng trưởng, bênh cạnh đó sự ổn định chính trị và giá nhân công rẻ cũng là những lợi thế so sánh. Tuy nhiên ngôn ngữ lại là rào cản đáng kể.
Về rủi ro trong môi trường đầu tư, các DN được khảo sát nhận định, rủi ro lớn nhất là chi phí nhân công tăng cao, tiếp đó là hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện; vận dụng luật pháp thiếu minh bạch; cơ chế, thủ tục thuế phức tạp.
Ngoài ra, các DN còn phản ánh những khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện tại Việt Nam. Theo khảo sát của JETRO, tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu của Việt Nam trong năm 2017 có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2016, đạt tỷ lệ 33,2%, tỷ lệ này thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc hơn 67%, Thái Lan gần 57%, Indonesia hơn 45%.
Trong năm 2017, thị trường xuất khẩu của các DN Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu vẫn là Nhật Bản. Tuy nhiên, xuất khẩu sang EU và Trung Quốc cũng tăng nhẹ so với năm trước. Điều này cho thấy Trung Quốc đang chuyển dần từ trung tâm sản xuất sang thành trung tâm tiêu thụ và đây là thị trường tiềm năng cho các DN xuất khẩu của Việt Nam.
Liên quan đến các FTA Việt Nam đã ký kết, các DN Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, tỷ lệ DN tận dụng các EPA/FTA tăng nhẹ so với năm trước, tăng 1,7% đạt 48,9%. Trong đó DN dệt may tận dụng nhiều nhất những lợi thế này để xuất khẩu.
Nguồn: Báo Hải quan Online