Dẫn vốn đầu tư từ Nhật vào Việt Nam
Dẫn vốn đầu tư từ Nhật vào Việt Nam
Nhật Bản đang thay thế Mỹ, trở thành nhà đầu tư ra nước ngoài lớn nhất toàn cầu. Nhưng làm thế nào để dòng vốn này chảy mạnh hơn nữa vào Việt Nam?
Dấu ấn Sumitomo
Giữa lúc dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản vào Việt Nam có vẻ khá lặng lẽ vì thiếu vắng dự án lớn, thì Sumitomo đã gây bất ngờ lớn khi trong cùng một ngày (6/10), đã động thổ 2 dự án lớn tại Việt Nam.
Một là Dự án Thành phố Thông minh, quy mô gần 4,2 tỷ USD, được Sumitomo liên danh cùng Tập đoàn BRG (Việt Nam) để triển khai xây dựng tại Đông Anh (Hà Nội). Và dự án còn lại, là Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, vốn đầu tư 2,58 tỷ USD, mà Sumitomo đã theo đuổi ròng rã 12 năm.
Hai dự án lớn được động thổ trong cùng một ngày không chỉ cho thấy rõ tham vọng ngày càng lớn của Sumitomo tại thị trường Việt Nam, mà còn làm “nóng” lên dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam.
Sumitomo là một trong những nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư lớn và trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Chỉ từ đầu năm tới nay, tập đoàn này đã có nhiều động thái quan trọng nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Sumitomo đã cùng với công ty hậu cần Suzuyo và một quỹ công tư Nhật Bản chi khoảng 4 tỷ yên (37 triệu USD) để mua 10% vốn tại Công ty cổ phần Gemadept. Động thái này của Sumitomo được cho là nhằm nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ logistics nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Cũng để đón đầu sự dịch chuyển này, thông tin gần đây cho biết, Sumitomo đã quyết định chi thêm 177 triệu USD để mở rộng 2 khu công nghiệp Thăng Long II và Thăng Long III mà Tập đoàn đã đầu tư ở Hưng Yên và Vĩnh Phúc.
Thông tin cho biết, nhiều công ty Nhật Bản đang quan tâm đến việc chuyển vào các khu công nghiệp của Sumitomo, vì muốn tìm cách đa dạng hóa rủi ro sản xuất, sau các mức thuế mà Mỹ và Trung Quốc áp đặt lẫn nhau.
Không chỉ là Sumitomo, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã và đang tiếp tục bày tỏ mối quan tâm đến thị trường Việt Nam. Hãng bán lẻ đồ thời trang của Nhật Bản là Stripe International, sau khi thâu tóm hãng thời trang NEM vào 2 năm trước, mới đây tiếp tục chi tiền để giành quyền sở hữu hệ thống các cửa hàng của hãng giày dép, túi xách Vascara.
Lý do để Stripe có quyết định trên, theo ông Harigae Tsutomu, Chủ tịch HĐQT Stripe Saigon, là vì họ nhìn thấy “tiềm năng” của thị trường thời trang Việt Nam, đặc biệt là ngành giày dép, túi xách.
Trong khi đó, thông tin gần đây cũng cho biết, Hãng Sharp sẽ xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam để chuyển sản xuất màn hình LCD lắp cho ô tô bán tại Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh mức thuế mới được áp đặt trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Tương tự, Kyocera sẽ chuyển dây chuyền sản xuất máy photocopy và máy in đa năng cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trước nay, nhà máy của Kyocera tại Việt Nam sản xuất hàng xuất sang châu Âu, còn nhà máy ở Việt Nam sản xuất hàng sang Mỹ, thì nay, để tránh những tổn thất của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, kế hoạch hoán đổi sản xuất sẽ được áp dụng.
“Dẫn” vốn Nhật Bản vào Việt Nam
Những thông tin trên rõ ràng cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn dành nhiều sự quan tâm đến điểm đến đầu tư Việt Nam. Một bằng chứng rõ ràng khác, là tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam, được tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản) vào đầu tháng 7/2019, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, rất đông các nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn có thể sớm xúc tiến các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã bày tỏ mong muốn dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ Nhật Bản sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam, nơi đang trở thành “công xưởng” của thế giới. “Đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp Nhật Bản đóng góp vào tăng trưởng và xuất khẩu ở Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh như vậy.
Và tại hội nghị đó, Thủ tướng Chính phủ đã chứng kiến lễ trao 32 giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực, với tổng giá trị hơn 8 tỷ USD.
Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao biến các thỏa thuận này trở thành hiện thực. Bởi thực tế, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Nhật Bản mới đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 3,067 tỷ USD (trong đó có gần 510 triệu USD đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần). Nhật Bản đã tụt xuống hàng thứ 4 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay và chỉ “nhỉnh” hơn phần đầu tư của Trung Quốc chút ít.
Một nghiên cứu của Cục Đầu tư nước ngoài gần đây cho biết, Nhật Bản đã thay thế Mỹ trở thành nước có đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới. Vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản đã đạt trên 100 tỷ USD liên tục trong 8 năm gần đây. Ngoài đầu tư vào Mỹ, thì Nhật Bản đang gia tăng đầu tư ở châu Á, đặc biệt là Singapore, Ấn Độ và Hàn Quốc. Chỉ trong năm 2018, vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản vào châu Á đã tăng gần 29%, đạt kỷ lục 52,6 tỷ USD.
Câu chuyện đặt ra là, làm sao có thể “dẫn” được nguồn vốn kỷ lục này vào Việt Nam? Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, gia tăng năng lực trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là điều luôn được các nhà đầu tư Nhật Bản nhấn mạnh với Việt Nam.
Vốn từ Nhật vào Việt Nam chưa như kỳ vọng
Năm ngoái, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam tới gần 8,6 tỷ USD, đứng thứ nhất và chủ yếu là nhờ phần vốn đăng ký gần 4,2 tỷ USD của Dự án Thành phố thông minh mà Sumitomo đầu tư cùng BRG.
Năm 2017, vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam cũng đạt rất cao, với trên 9,1 tỷ USD, nhờ “công” đóng góp của các dự án Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (2,79 tỷ USD) và Dự án Đường dẫn khí Lô B – Ô Môn (1,27 tỷ USD).
9 tháng đầu năm nay, dù dòng vốn đầu tư được cho là đang dịch chuyển vào Việt Nam, song thực tế, vốn từ Nhật vào Việt Nam chưa được như kỳ vọng.
Nguồn: baodautu.vn