Đạm Cà Mau ‘bắt tay’ tập đoàn hoá dầu Trung Quốc, chi 700 triệu USD xây thêm nhà máy
PVCFC và tập đoàn Trung Quốc này sẽ hợp tác trong 3 mảng việc chính về hoạt động nhà máy đạm Cà Mau.
Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC – mã chứng khoán DCM) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Công trình Ngũ Hoàn Trung Quốc (Wuhuan Engineering Co., Ltd), mở rộng tiềm năng phát triển giữa hai bên.
Wuhuan là một trong những công ty kỹ thuật hóa dầu lớn nhất Trung Quốc, có năng lực cao về thiết kế kỹ thuật và EPC, cùng nhiều kinh nghiệm dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa dầu như phân đạm, phân lân, lưu trữ và vận chuyển LNG cũng như vật liệu mới.
Trước đó, dự án nhà máy đạm Cà Mau có công suất 800.000 tấn sản phẩm urê/năm, nguyên liệu đầu vào của nhà máy là nguồn khí từ mỏ PM3-CCA, với tổng vốn đầu tư khoảng 700 triệu USD có sự tham gia của Wuhuan với tư cách tổng thầu, đảm nhận thiết kế, mua sắm và thi công xây dựng.
3 mảng việc chính được hai bên hợp tác là nghiên cứu thị trường để phát triển sản phẩm; nghiên cứu dự án nâng công suất nhà máy đạm Cà Mau; hợp tác để PVCFC cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, vận hành cho các dự án mới do Wuhuan thực hiện.
Năm 2024, PVCFC có kế hoạch tiếp tục thực hiện 7 dự án chuyển tiếp và triển khai đầu tư 6 dự án mới, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư 12 dự án.
Bên cạnh đó, công ty chú trọng vào hoạt động nghiên cứu phát triển, đáng chú ý là việc thực hiện các thí nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả phân bón tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển của phân bón Cà Mau tại Thạch Hóa, Long An; định hướng nơi đây trở thành trung tâm nghiên cứu lớn nhất khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực nông nghiệp.
Về định hướng chiến lược phát triển trung và dài hạn, PVCFC cũng xác định một số nhiệm vụ chính là đẩy mạnh đầu tư thực hiện chiến lược đến năm 2025 và làm nền tảng cho sự dịch chuyển. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2023-2025 dự kiến là 298 tỷ đồng.
Bên cạnh đó là khai thác thế mạnh về mặt công nghệ nhà máy để tối ưu hóa và mở rộng sản xuất, đầu tư hệ thống kho bãi phục vụ công tác logistics, mở rộng hạ tầng phục vụ xuất hàng, lưu trữ nguyên liệu, hạ tầng các hoạt động và kinh doanh, hoạt động chuyển đổi số…
Chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của PVCFC tập trung vào phát triển sản phẩm và các bộ giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng, nông sản và xuất khẩu, khí công nghiệp và hóa chất, mở rộng kinh doanh quốc tế, dịch vụ bảo dưỡng, vận hành và mở rộng lĩnh vực logistics.
Nguồn: Nguoiquansat