Đắk Nông: Thu hút 18.106 tỷ đồng tổng vốn đăng ký đầu tư vào khu công nghiệp
Tính đến tháng 5/2022, các KCN đã thu hút được 43 dự án đầu tư trong đó, 34 dự án đã đi vào hoạt động, 09 dự án đang triển khai thực hiện; diện tích thuê lại 245,48 ha; tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt trên 85%.
Tính đến tháng 05/2022, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 02 khu công nghiệp (KCN) (KCN Tâm Thắng diện tích 179,19 ha, KCN Nhân Cơ diện tích 148 ha) đã được thành lập với tổng diện tích là 327,19 ha. 01 KCN (KCN Nhân Cơ 2) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020 với diện tích 400,35 ha. Tổng diện tích đất KCN đã thành lập và được quy hoạch trên địa bàn tỉnh là 727,54ha. Dự kiến, trong thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh sẽ quy hoạch, thành lập mới thêm 04 KCN để thu hút đầu tư.
Đến nay, KCN Tâm Thắng, hạ tầng KCN cơ bản đã hoàn thiện, đảm bảo thuận lợi cho nhà đầu tư thứ cấp đăng ký dự án vào KCN. Tính đến tháng 5/2022, tổng vốn đầu tư KCN là 318,327 tỷ đồng; vốn đầu tư đã bố trí là 236,017 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 152 tỷ đồng, ngân sách địa phương 84,351 tỷ đồng. Dự án còn 05 hạng mục cần nguồn vốn để đầu tư với nhu cầu vốn đầu tư là 92,963 tỷ đồng.
KCN Nhân Cơ, hiện tại đang xây dựng cơ bản, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng bên trong và bên ngoài hàng rào KCN là 1.658 tỷ đồng. Dự án gồm 14 hạng mục công trình, đến nay đã triển khai 09/14 hạng mục, 05 hạng mục chưa thi công với nhu cầu vốn là 665,088 tỷ đồng.
Ông Phạm Đình Tuấn, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đắk Nông cho biết, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ từ bên ngoài đến bên trong các KCN; đôn đốc chủ đầu tư duy tu sửa chữa các hạng mục giao thông bị xuống cấp trong các KCN để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thứ cấp khi đến tìm hiểu đầu tư.
Cùng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tăng cường công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư vào các KCN như, tham gia các bài tham luận tại Hội nghị giao ban câu lạc bộ Ban Quản lý các KCN, khu chế xuất và khu kinh tế các tỉnh phía Nam để quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, những đặc điểm thuận lợi của các KCN tỉnh. Đồng thời, giới thiệu thế mạnh về nguồn nguyên liệu của địa phương để các Ban Quản lý biết, từ đó, sẽ lan toả ra đến cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tính đến tháng 5/2022, các KCN đã thu hút được 43 dự án đầu tư (04 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) trong đó, 34 dự án đã đi vào hoạt động, 09 dự án đang triển khai thực hiện; tổng vốn đăng ký đầu tư 18.106 tỷ đồng, diện tích thuê lại 245,48 ha; tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt trên 85% (KCN Nhân Cơ 86,5%, KCN Tâm Thắng 89,19%).
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Ông Phạm Đình Tuấn cho biết, trên cơ sở các quy định của pháp luật và các chính sách ưu đãi của địa phương, trong quá trình thực hiện, trên cơ sở thực tế của địa phương, Ban đã thường xuyên tham mưu các cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh thường xuyên xem xét, tham mưu cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giảm bớt các thành phần hồ sơ không cần thiết. Thực hiện công khai thời gian giải quyết, các mức phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan và Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh Đắk Nông để doanh nghiệp, nhà đầu tư thuận tiện trong thực hiện và kiểm soát.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, cắt giảm chi phí và thời gian đi lại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong KCN trong việc thực hiện thủ tục hành chính, Ban Quản lý các KCN đã hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức như email, mạng xã hội Zalo, trên trang thông tin điện tử… để doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ trước khi nộp về Trung tâm Hành chính công của tỉnh. Đồng thời, thường xuyên, chủ động nắm bắt các khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết từ khi tiếp cận đầu tư đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, các KCN trên địa bàn Đắk Nông sẽ tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, ít ảnh hưởng đến môi trường, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; các dự án phù hợp với nguồn nguyên liệu dồi dào và là thế mạnh của địa phương, như: cà phê, khoai lang, tiêu, điều, dự án sản xuất các sản phẩm từ nhôm và các dự án hỗ trợ cho công nghiệp khai thác, chế biến bô-xít, luyện nhôm và sản xuất các sản phẩm sau nhôm… Đắk Nông sẽ tiếp tục tạo điều kiện để phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế đầu tư vào các KCN, trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt, lan tỏa, làm đầu tàu cho các doanh nghiệp xung quanh./.
Theo Môi Trường và Đô Thị