Đắk Nông muốn bổ sung sân bay lưỡng dụng Nhân Cơ vào quy hoạch
Mặc dù quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ GTVT hoàn tất. Nhưng trong dự thảo này lại không có tên sân bay Nhân Cơ, dù đã trình cách đây 2 năm.
Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bổ sung sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch hệ thống Cảng Hàng không toàn quốc với tư cách là sân bay lưỡng dụng. Đáng nói, đây là lần 2 thứ trong 18 tháng qua, Đắk Nông kiến nghị về vấn đề này.
Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT quan tâm xem xét, đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch là sân bay lưỡng dụng (hỗn hợp quốc phòng – quân sự) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở triển khai đầu tư theo quy định.
Được biết, Đắk Nông chỉ có duy nhất một phương thức vận tải là đường bộ; đường thủy không khai thác được, đường sắt và đường hàng không chưa được đầu tư xây dựng. Đây là hạn chế rất lớn đối với tỉnh trong việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội và cũng là điểm nghẽn đối với quá trình phát triển của tỉnh Đắk Nông.
Với vị trí nằm ở cửa ngõ phía Nam của khu vực Tây Nguyên, Đắk Nông là đầu mối kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, có 141km đường biên giới với Campuchia.
Ngoài lợi thế vị trí cùng sự đa dạng văn hóa, tỉnh còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú; phải kể đến như trữ lượng lớn khoáng sản Bô xít mang đến cho Đắk Nông nhiều tiềm năng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Cũng theo UBND tỉnh Đắk Nông, tới đây, tỉnh sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn là công nghiệp Alumin – nhôm và các sản phẩm sau nhôm, để từng bước phấn đấu đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất và chế biến nhôm lớn nhất cả nước.
Được biết, sân bay Nhân Cơ nằm tại xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lấp, cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 20 km, hiện phục vụ quốc phòng. Và cũng đã được Quân khu 5 – Bộ Quốc phòng thống nhất đưa sân bay này vào quy hoạch sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp dân sự; đồng thời để nghị tỉnh Đắk Nông tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng thống nhất chủ trương đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch.
Trước đó, hồi tháng 3/2021, UBND tỉnh Đắk Nông từng đề nghị Bộ GTVT bổ sung quy hoạch Cảng Hàng không lưỡng dụng Nhân Cơ, trước mắt đầu tư mở rộng sân bay để phục cho mục đích quốc phòng và dân sự.
Mặc dù quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ GTVT hoàn tất. Nhưng trong dự thảo này lại không có tên sân bay Nhân Cơ, dù đã trình cách đây 2 năm.
Theo dự thảo, đến năm 2030 cả nước có 28 sân bay gồm: 14 cảng quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai, Cần Thơ, Phú Quốc và Liên Khương.
14 sân bay quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.
Nguồn: vov giao thông