Đại gia năng lượng Đan Mạch muốn đầu tư điện gió ngoài khơi Việt Nam
Sau loạt dự án tại châu Á, Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) chọn Việt Nam là điểm đầu tư tiếp theo và đầu tiên ở Đông Nam Á.
Lãnh đạo Orsted cho biết đang “để mắt” tới khu vực phía Nam để phát triển dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Dự án này nằm trong danh mục dự thảo quy hoạch điện VIII.
“Đây là các dự án dài hơi và Orsted sẽ sở hữu trong 30-50 năm, chứ không đơn thuần chỉ xây dựng, vận hành sau đó chuyển giao lại cho đối tác khác”, ông Sebastian Hald Buhl – Giám đốc Orsted tại Việt Nam nói, nhưng không tiết lộ chi tiết về lộ trình hay số vốn đầu tư.
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn và điều kiện tối ưu để phát triển điện gió ngoài khơi, với đường biển dài hơn 3000 km, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên (consistent wind) ở mức cao. Trong đó, các khu vực như Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận,… là nơi có tốc độ gió cao, tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á.
“Đây là những điều kiện tiên quyết để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi với chi phí thấp và độ tin cậy cao”, ông Sebastian nói thêm.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, về lý thuyết Việt Nam có tiềm năng sản xuất gần 500 GW điện gió ngoài khơi. Còn đánh giá của Cơ quan năng lượng Đan Mạch, tiềm năng khả thi của Việt Nam trong phát triển loại năng lượng này khoảng 162 GW, trong đó 132 GW ở khu vực độ sâu đáy biển dưới 50 m.
Được đánh giá nhiều lợi thế, nhưng theo các chuyên gia, loại hình năng lượng này chưa được phát triển đúng tiềm năng. Quá trình xin phê duyệt các dự án điện gió ngoài khơi các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong quản lý, thiết kế và dịch vụ logistics.
Chưa kể, nhiều lo lắng tác động tới môi trường, phát triển bền vững ở địa phương, khu vực dự án điện gió ngoài khơi xây dựng và chi phí của các dự án này cao hơn so với gió trên bờ, hoặc gần bờ… Vì thế, việc đưa ra mục tiêu công suất 2-3 GW điện gió ngoài khơi (tương đương 1,5-2% tổng nguồn điện) đến năm 2030 tại dự thảo quy hoạch điện VIII cho thấy sự thận trọng, cân nhắc từ nhà chức trách với loại năng lượng này.
Về điểm này, ông Sebastian cho hay, các dự án điện gió ngoài khơi (xây cách bờ 20-50 km) sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động phát triển du lịch của địa phương, đánh bắt thuỷ sản hay đi lại tàu bè. Thậm chí, các dự án này sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm chất lượng cao, mang lại cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất điện gió cho nhiều đối tác, nhà cung cấp trong nước.
“Chúng tôi mong muốn được hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, giảm thiểu khí thải carbon và cung cấp năng lượng tái tạo cho người dân và doanh nghiệp”, ông Sebastian Hald Buhl nói.
Orsted là doanh nghiệp do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối, chiếm khoảng 26% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực đầu tư, phát triển điện gió ngoài khơi.
Năm 2020, doanh thu của công ty này là 8,6 tỷ USD, lợi nhuận 3 tỷ USD. Doanh nghiệp này hiện cung cấp năng lượng xanh cho hơn 15 triệu người trên toàn thế giới và dự kiến nâng con số này lên gấp đôi vào năm 2025.
Nguồn: vnexpress