Đặc khu kinh tế Việt dự kiến còn 69 ngành kinh doanh có điều kiện
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xin ý kiến các bộ ngành về danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo định hướng xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và tạo điều kiện đơn giản thủ tục hành chính phải áp dụng đối với nhà đầu tư tại các đặc khu kinh tế này, theo ý kiến góp ý của các cơ quan, Bộ đã rà soát danh mục, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định Luật Đầu tư và đề nghị giữ lại 69 ngành, nghề thật sự đáp ứng yêu cầu về an ninh quốc phòng, trật tự xã hội và sức khoẻ cộng đồng.
Cụ thể, danh mục Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố có tới 69 ngành kinh doanh có điều kiện tại các đặc khu kinh tế. Theo đó, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, người dân không thể tự do kinh doanh các ngành nghề này mà phải đáp ứng điều kiện của cơ quan chức năng.
Trong đó có một số ngành tiêu biểu như kinh doanh cửa hàng miễn thuế, kinh doanh xăng dầu, dầu khí, kinh doanh vàng, hoạt động in đúc tiền, ngoại hối, kinh doanh khí hay tổ chức sở giao dịch hàng hoá. Ngành điện cũng là một ngành kinh doanh có điều kiện tại các đặc khu bao gồm cả phát điện, truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu điện, tư vấn chuyên ngành điện lực.
Các ngành có điều kiện còn gồm xuất khẩu gạo, phương thức bán hàng đa cấp, nhập khẩu hay phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, cảng hàng không sân bay, đường sắt đô thị, vận tải đường ống, khai thác thuỷ sản, dịch vụ viễn thông, truyền hình trả tiền.
Ngoài ra còn nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác như vũ trường, karaoke; Mua bán di vật cổ vật của quốc gia; khai thác và thăm dò khoáng sản; nhập khẩu phế liệu; dịch vụ khai thác và sử dụng tài nguyên nước; Sản xuất con dấu; dịch vụ cầm đồ, dịch vụ xoa bóp; hành nghề công chứng; đăng ký tên miền.
Nhiều dịch vụ hàng không tại sân bay, dịch vụ đảm bảo hoạt động bay, việc sản xuất tàu bay – động cơ máy bay…
Đặc biệt, có một số ngành nghề thuộc an ninh quốc gia như kinh doanh các loại pháo; kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang; các loại vật liệu nổ công nghiệp; thủ tục hải quan; kinh doanh hoá chất; dịch vụ nổ mìn; thiết bị gây nhiễu và phá sóng di động; sản phẩm dịch vụ mật mã dân sự…
Như vậy, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho các đặc khu kinh tế giảm đáng kể so với mức 243 ngành có điều kiện cho phạm vi cả nước. Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Nguyễn Đình Cung cho biết, hiện nay, tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề là khoảng 4284 yêu cầu, điều kiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã trình Chính phủ dự thảo Luật Đơn vị hành chính đặc biệt. Trong dự thảo này, Bộ đề xuất hàng loạt cơ chế thu hút vốn đầu tư và chuyên gia nước ngoài đến sống và làm việc tại đặc khu kinh tế Phú Quốc như cấp thẻ thường trú cho nhà đầu tư nước ngoài, miễn thuế cho các nhà khoa học hay chuyên gia có trình đô cao, nâng phụ cấp từ 20% lên 50% cho các cán bộ công chức tại đây, cho kinh doanh casino…
Tương tự các đặc khu kinh tế khác như Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Nha Trang) cũng có nhiều chính sách ưu đãi khác.
Theo VnEconomy