Đà Nẵng sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới dịch chuyển từ Trung Quốc
Sau dịch COVID-19, có xu hướng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác trong đó có Việt Nam, để kịp thời đón làn sóng đầu tư mới, Đà Nẵng đang đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chuẩn bị quỹ đất, chính sách ưu đãi… để thu hút doanh nghiệp.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, nhưng thu hút đầu tư vào Đà Nẵng vẫn có nhiều khởi sắc.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, trong 5 tháng đầu năm 2020, thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 10.815 tỷ đồng và cấp mới cho 50 dự án đầu tư FDI với tổng vốn cấp mới 77,546 triệu USD.
Lũy kế đến nay, thành phố đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 337 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 115.713 tỷ đồng và có 853 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,476 tỷ USD.
Để kịp thời đón các làn sóng đầu tư FDI từ các quốc gia trên thế giới và tiếp cận với các doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm thị trường đầu tư mới sau dịch bệnh, TP. Đà Nẵng đang đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chuẩn bị một số quỹ đất để kêu gọi đầu tư.
Trong đó, đẩy nhanh hoàn thành thủ tục liên quan để hình thành Khu Công viên Phần mềm số 2; xúc tiến kêu gọi đầu tư dự án vào Khu Công nghệ thông tin tập trung (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng giai đoạn 1); kêu gọi đầu tư Khu công nghiệp Hòa Nhơn, Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2, Khu công nghiệp Hòa Ninh,…; triển khai đảm bảo tiến độ đầu tư hạ tầng dự án Khu công nghệ cao giai đoạn 1, 2 và các công trình phụ trợ.
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao (KCNC) và các Khu công nghệ (KCN) Đà Nẵng (Ban Quản lý) cho biết, Ban Quản lý đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng khu công nghệ cao cũng như tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hạ tầng các khu công nghiệp hiện hữu, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông.
“Ban Quản lý hiện đang lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư xây dựng 3 KCN mới (KCN Hòa Cầm – giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn và KCN Hòa Ninh) với tổng diện tích hơn 880 ha, tổng giá trị đầu tư gần 14.000 tỷ đồng. Khi 3 KCN mới này đi vào hoạt động tạo điều kiện có được quỹ đất công nghiệp để kêu gọi, thu hút đầu tư trong thời gian đến”, ông Sơn cho hay.
Trong thời gian tới Đà Nẵng ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: Công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, công nghệ cao.
Đồng thời, Đà Nẵng tập trung xúc tiến thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, các sản phẩm mang tính toàn cầu, ít gây ô nhiễm, có giá trị gia tăng cao góp phần tạo kim ngạch xuất khẩu lớn; đón đầu làn sóng di chuyển đầu tư sản xuất các ngành công nghệ từ các quốc gia Đông Á sang Đông Nam Á do thương chiến Trung – Mỹ, với môi trường đầu tư thật thông thoáng, hấp dẫn, hạ tầng hiện đại phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư khó tính đến từ Bắc Mỹ, Châu Âu thời hậu COVID-19 và thương chiến Mỹ – Trung.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, thời gian qua TP. Đà Nẵng đang đổi mới phương thức tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược tại các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Châu Âu.
Tạo mối quan hệ với nhiều địa phương của Nhật Bản (Yokohama) và một số tổ chức quốc tế như: WB, ADB, JICA, GIZ, KOTRA,… để tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường.
Ngoài ra, thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị thực hiện tổng rà soát, đánh giá hiệu quả và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đang được triển khai trên địa bàn, tạo điều kiện để nhà đầu tư, doanh nghiệp được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách, ưu đãi, nhất là các chính sách, ưu đãi về vốn, lãi suất, đổi mới công nghệ, ưu đãi trong khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Nguồn: tapchitaichinh