Công trình xanh ở Việt Nam đang gặp khó?
Theo các nhà khoa học về môi trường, việc sử dụng các vật liệu không thân thiện môi trường trong lĩnh vực xây dựng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường. Chính vì thế, những năm gần việc xây dựng các công trình xanh đã trở thành xu hướng của thế giới.
Tuy nhiên, việc phát triển mảng này vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Đỗ Thanh Tùng – Viện trưởng Viện kiến trúc Quốc gia chia sẻ về thực trạng và giải pháp phát triển công trình xanh và tiết kiệm năng lượng.
Ông Đỗ Thanh Tùng – Viện trưởng Viện kiến trúc Quốc gia
PV: Thưa viện trưởng, ông có nhận định như thế nào về thực trạng xây dựng các công trình xanh tại Việt Nam hiện nay?
Ông Đỗ Thanh Tùng: Việc xây dựng công trình xanh tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam có thể nói đã được thực hiện từ thời xa xưa. Tuy nhiên, việc áp dụng các công cụ của Việt Nam hoặc trên thế giới để đánh giá công trình xanh mới bắt đầu thực hiện từ năm 2007.
Qua hơn 10 năm thực hiện chỉ có khoảng 60 công trình trên toàn quốc được công nhận là công trình xanh, trong đó có nhiều công trình được công nhận ở bước dự án (dựa trên bản thiết kế, chưa được thi công và đưa vào sử dụng). Điều này cho thấy, việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ, chúng ta chỉ mới ở giai đoạn xây dựng các văn bản pháp lý để quản lý và phát triển công trình xanh.
PV: Việc xây phát triển công trình xanh sẽ mang lại những lợi ích gì, thưa ông?
Ông Đỗ Thanh Tùng: Khi đáp ứng các tiêu chí quan trọng của công trình xanh, cư dân sẽ được thụ hưởng những lợi ích như tăng 3-5% năng suất lao động của người sử dụng công trình; giảm nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khỏe người sử dụng; giảm 30-50% tài nguyên nước và năng lượng nhân tạo, qua đó giảm phát thải khí nhà kính; giảm 10-15% chi phí vận hành và bảo dưỡng; tăng giá trị, sự bền vững và tuổi thọ công trình.
Mặt khác, các công trình xanh khi vận hành cũng góp phần không nhỏ đối với quá trình phát triển đô thị như giảm thiểu tác động xã hội, tạo lập môi trường sống bền vững, thay đổi và chỉnh trang hạ tầng kiến trúc, quảng bá hình ảnh đô thị, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế du lịch.
PV: Ông có thể cho biết, một công trình đạt tiêu chuẩn công trình xanh cần dựa trên những tiêu chí nào?
Ông Đỗ Thanh Tùng: Để trở thành một công trình xanh cần đạt được các tiêu chí sau: sử dụng hiệu quả năng lượng, nước và các tài nguyên khác; sử dụng năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời; có giải pháp hạn chế ô nhiễm, phế thải và tái chế, tái sử dụng; đảm bảo chất lượng không khí của môi trường bên trong công trình; sử dụng vật liệu không độc hại, có trách nhiệm và bền vững; tính đến yếu tố môi trường trong thiết kế, thi công và vận hành; tính đến chất lượng cuộc sống trong thiết kế, thi công và vận hành; thiết kế đảm bảo phù hợp với biến đổi của môi trường.
PV: Hiện quá trình phát triển các công trình xanh tại Việt Nam đang đối mặt với những thách thức nào?
Ông Đỗ Thanh Tùng: Trước hết, khái niệm về công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn mới, nên nhiều người chưa nhận thức đầy đủ về công trình xanh và lợi ích của nó. Tại Việt Nam, nói đến công trình xanh, người ta thường liên tưởng đến các công trình có quy mô lớn mà chưa quan tâm nhiều tới ngay chính nơi chốn ăn ở và làm việc của chính mình.
Việt Nam cũng chưa có nhiều các giải pháp kỹ thuật đồng bộ về công trình xanh, còn hạn chế trong việc cung cấp sản phẩm vật liệu xanh, hệ thống công nghệ vận hành còn yếu,… Hơn thế, chi phí đầu tư xây dựng ban đầu công trình xanh thường cao hơn so với bình thường.
Sử dụng kính tiết kiệm năng lượng là một giải pháp cần thiết để xây dựng công trình xanh. |
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công trình xanh của Việt Nam còn chưa đầy đủ; chưa có các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thích đáng hoặc bắt buộc đối với việc phát triển công trình xanh. Ngoài ra, sự tham gia của các quỹ tài chính, quỹ tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích phát triển công trình xanh còn hạn chế.
PV: Các giải pháp sử dụng vật liệu xây dựng xanh hiện nay tại Việt Nam đang được ứng dụng như thế nào?
Ông Đỗ Thanh Tùng: Ngoài việc nghiên cứu kỹ đặc điểm điều kiện tự nhiên, chúng ta cần xem xét địa hình và yếu tố công năng để đề xuất giải pháp cụ thể. Các kiến trúc sư hiện nay thường sử dụng một số giải pháp thiết kế công trình xanh.
Trước hết là giải pháp chiếu sáng và thông gió tự nhiên. Việc nghiên cứu ngay từ ý tưởng thiết kế ban đầu có thể không làm tăng chi phí xây dựng mà giúp cho việc giảm tải nhu cầu tiêu thụ năng lượng điện trong các công trình.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng nghiên cứu giải pháp cách nhiệt cho công trình. Theo xu hướng kiến trúc xây dựng hiện đại, việc sử dụng kính cho mặt ngoài đã kéo theo việc tiêu tốn năng lượng để làm mát hoặc ấm không gian bên trong. Vì vậy, các sản phẩm kính tản nhiệt low-e, cửa kính có độ cách nhiệt cao đang được ứng dụng.
Nhiều công trình sử dụng các lam chắn nắng hoặc ô văng để che chắn. Đây là biện pháp không quá tốn kém nhưng lại hiệu quả, vừa có tác dụng ngăn bớt bức xạ mặt trời chiếu vào phòng, vừa chắn được mưa hắt. Giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời cũng được một số bên nghiên cứu.
Ngoài ra, vật liệu xây không nung đã được phát triển ở nhiều nước trên thế giới để giảm thiểu khí phát thải gây ô nhiễm môi trường cũng như chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than.
Việc ứng dụng các thiết bị thông minh trong việc vận hành công trình cũng được ưa chuộng. Các thiết bị tự động có thể tính toán nhằm tạo sự tiện nghi và tiết kiệm năng lượng nhất cho dự án.
Nguồn: vnexpress.net / petrotimes.vn