Công Thanh mong gì ở dự án nhiệt điện “sạch” tỷ đô?
Phía Trung Quốc cam kết thu xếp 1 tỷ USD cho nhà máy nhiệt điện có tổng mức đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng của Tập đoàn Công Thanh (Thanh Hóa). Trong khi đó, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, công nghệ “than sạch” là không hiệu quả.
1 tỷ USD vốn ngoại cho dự án 21.480 tỷ đồng
Tháng 5/2021, Tập đoàn Công Thanh (Thanh Hóa) đã ký kết với Viện Thiết kế điện lực Trung Nam (Trung Quốc) về thỏa thuận cấp vốn cho dự án năng lượng sạch nhiệt điện than 1x600MW Công Thanh. Cụ thể, Viện Thiết kế điện lực Trung Nam sẽ cho Tập đoàn Công Thanh vay thương mại khoảng 1 tỷ USD để khởi động dự án điện than chậm tiến độ nhiều năm qua của Công Thanh.
Dự án nhiệt điện than 1x600MW Công Thanh của Tập đoàn Công Thanh đã được phê duyệt từ năm 2008. Năm 2011, Công Thanh đã khởi công dự án bằng một buổi lễ rầm rộ. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn đắp chiếu.
Năm 2019, tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất với Bộ Công Thương loại dự án này ra khỏi danh sách quy hoạch điện quá lâu vẫn không triển khai.
Trong khi đó, từ 18/4/2019, Bộ Công Thương cũng có Văn bản số 2668/BCT cho biết sẽ không cam kết mua hết sản lượng phát điện của dự án. Điều này khiến khả năng cân đối tài chính của dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng và không lấy gì đảm bảo dự án đảm bảo có lời.
Dự án có diện tích 70ha, tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 21.480 tỷ đồng. Trong đó, vốn thực hiện dự án gồm 20% vốn chủ đầu tư, 80% vốn vay tín dụng nước ngoài do nhà nước bảo lãnh.
Như vậy, với việc cho vay khoảng 1 tỷ USD (gần 24.000 tỷ đồng, phía Trung Quốc thực tế đã cung cấp toàn bộ đầu tư tài chính cho dự án). Hay nói cách khác, phía Trung Quốc mới có thể là chủ thực sự của dự án này.
Viện Thiết kế điện lực Trung Nam không chỉ thu xếp vốn đầu tư cho dự án, mà còn cam kết sẽ tập trung nguồn lực và kỹ thuật để triển khai thực hiện Dự án, đáp ứng đúng yêu cầu của một dự án nhiệt điện sử dụng công nghệ sạch siêu tới hạn.
Nhưng những điều khoản cụ thể của thỏa thuận không được công khai.
Việc hợp tác này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố sẽ hạn chế phát triển các dự án nhiệt điện trong nước và dừng xây dựng các dự án năng lượng than đá ở nước ngoài.
Tuy nhiên, việc cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện than ở các nước khác vẫn được giữ nguyên. Đây được xem là một cách để các công ty năng lượng của Trung Quốc duy trì thị phần và gia tăng phát triển, khi công suất nhiệt điện than trong nước bị cắt giảm để đảm bảo môi trường và cạnh tranh của năng lượng tái tạo.
Trung Quốc đang là quốc gia cấp vốn vay nhiều nhất cho nhiệt điện than ở Việt Nam. Tất nhiên, đi kèm với đó, các nhà đầu tư của Trung Quốc sẽ giải quyết được bài toán mở rộng thị trường và riêng Trung Quốc là giải quyết được mối lo của hàng loạt doanh nghiệp điện than Trung Quốc đang lo lắng về dư thừa công suất, lo ngại ô nhiễm môi trường và cạnh tranh của năng lượng tái tạo.
Than sạch là một khái niệm ước lượng. Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8910:2015 về Than thương phẩm và yêu cầu kỹ thuật nêu ra 12 loại than và tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại. Nhưng không có than sạch.
Trên thế giới, mới đây, Cựu Thủ tướng Australia, Malcolm Turnbull, đã khẳng định than sạch là một trò lừa đảo. Theo đó, vị Thủ tướng này cho biết ý tưởng công nghệ than sạch bằng cách thu giữ carbon “đơn giản là không hoạt động”.
Ông cho biết thêm, Australia đã mất 15 năm với hàng tỷ USD nhưng hiệu quả không cao.
Ai là chủ Dự án nhiệt điện Công Thanh?
Theo tìm hiểu, dự án Nhiệt điện Công Thanh nằm trong chuỗi đầu tư của Tập đoàn Công Thanh, bao gồm nhà máy xi măng Công Thanh, nhà máy nhiệt điện Công Thanh, nhà máy phân bón Công Thanh, cảng chuyên dụng Công Thanh…
Đến nay, theo giới thiệu trên trang chủ, Tập đoàn này đã đầu tư vào 10 lĩnh vực gồm xi măng, nhiệt điện, phân bón, vận tải, bao bì, bê tông, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng, xuất nhập khẩu và xây dựng.
Tập đoàn Công Thanh gắn liền với ông Nguyễn Công Lý. Ngoài ra, còn 2 pháp nhân khác là ông Lê Trung Chính và Công ty CP tấm lợp – VLXD Đồng Nai – doanh nghiệp do ông Lý làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Khởi nguồn từ một xưởng clinke, năm 2006, ông Lý thành lập Công ty Công Thanh.
Nhưng chỉ chưa đầy 3 năm sau, giai đoạn 2008 – 2009, Công Thanh đã được chấp thuận đầu tư hàng loạt dự án với tổng giá trị lên đến hàng tỷ USD tại Khu kinh tế Nghi Sơn.
Cùng với đó là sự tăng vốn điều lệ chóng mặt từ 300 tỷ năm 2006 lên đến 10.000 tỷ năm 2010.
Một công ty non trẻ thiếu kinh nghiệm trong quản trị lẫn khả năng tài chính nhưng lại thừa tham vọng đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực là lý giải dễ hiểu cho việc Công Thanh hụt hơi trong các dự án đầu tư nghìn tỷ của mình.
Trong báo cáo tài chính đã soát xét công khai năm 2019, đơn vị kiểm toán là PwC đã từ chối đưa ra ý kiến về hoạt động của công ty do đến hết năm 2019, công ty này lỗ lũy kế lên đến hơn 2.326 tỷ đồng, vượt qua cả vốn chủ sở hữu (gần 1.400 tỷ đồng). Nợ ngắn hạn cũng vượt qua tài sản ngắn hạn (1.975 tỷ đồng so với 1.576.tỷ đồng).
Nguồn: khoa học đời sống