Cơ hội và thách thức tại thị trường xây dựng Myanmar cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam

Hiện nay, khi thị trường xây dựng Việt Nam đã qua thời kỳ tăng trưởng nóng, nhiều doanh nghiệp đang gặp các vấn đề khó khăn do cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, dẫn tới hiệu quả và lợi nhuận giảm. Mặt khác, một số doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã thực sự trưởng thành và ngày càng lớn mạnh, do được tích luỹ nhiều kinh nghiệm làm việc với các đối tác và khách hàng quốc tế trong hàng chục năm vừa qua. Đồng thời ngành xây dựng Việt Nam cũng có nhiều lợi thế để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nhà thầu nước ngoài như khả năng thiết kế, quản lý dự án rất tốt, chi phí nhân công, nguyên vật liệu và thiết bị còn thấp so với các nhà thầu ngoại. Do vậy, đây cũng là thời điểm mà các nhà thầu Việt Nam có thể tự tin hơn trong việc vươn ra thị trường nước ngoài để phát triển và mở rộng kinh doanh.

Với mong muốn được hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh không chỉ tại thị trường trong nước mà còn tại các thị trường nước ngoài tiềm năng, công ty HOUSELINK, một trong những đơn vị tư vấn phát triển thị trường xây dựng uy tín tại Việt Nam đã bước đầu tổ chức các đoàn doanh nghiệp xây dựng Việt Nam sang thăm quan và tìm kiếm các cơ hội phát triển tại thị trường quốc tế tiềm năng. Trong đó, Myanmar là một trong những thị trường tiềm năng nhất hiện nay cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam. Do vậy, trong báo cáo này chúng tôi sẽ tập trung cung cấp thông tin, phân tích cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đang có dự định phát triển kinh doanh tại thị trường Myanmar.

Đoàn các doanh nghiệp xây dựng thành viên của HOUSELINK làm viêc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Yangon.

Tổng quan về đất nước Myanmar:

Bản đồ vị trí Myanmar

Về điều kiện tự nhiên, Myanmar là đất nước lớn nhất trong lục địa Đông Nam Á có tổng diện tích khoảng 677.00 km2, lớn gần gấp đôi Việt Nam với dân số được thống kê năm 2015 là khoảng 53,9 triệu người, thủ đô là Nay Pyi Taw. Myanmar có đường bờ biển dài 2.228 km, bằng 1/3 biên giới trên bộ, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Bănglađét. Người Myanmar sử dụng đồng Kyat trong giao dịch (1 USD = 1000Kyat), ngôn ngữ thông dụng là tiếng Miến (Burmese), ngoài ra tiếng Anh cũng là ngôn ngữ bắt buộc từ Trung học cơ sở nên tỉ lệ người tốt nghiệp đại học biết tiếng Anh là 100%.

Về chính trị, từ năm 2010 đến nay, Myanmar được chuyển đổi sang chế độ chính phủ dân sự, trước đó đất nước này có chế độ chính phủ quân sự (1948 – 2010). Tuy nhiên tới Cuộc Tổng tuyển cử năm 2015, một cuộc bầu cử dân chủ thực sự mới được thực hiện, với chiến thắng thuộc về Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi. Sau cải cách về chính trị, nền kinh tế Myanmar cũng có sự chuyển mình mạnh mẽ, từ năm 2011 tới 2015, tốc độ tăng trưởng GDP tăng từ 5,9% lên 8,5%, GDP bình quân đầu người tăng từ 474USD lên 1.270USD. Đặc biệt, Myanmar đã được gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận kinh tế từ Mỹ vào năm 2016, báo hiệu một thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ hơn cho đất nước này.

Tổng quan về ngành xây dựng Myanmar:

Nguồn: New Crossroad Asia, updated September 2012

 

Ngành xây dựng của Myanmar đang phát triển với tốc độ số mũ, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 20%. Xây dựng tại Myanmar trong giai đoạn này tập trung vào phát triển xây dựng dân dụng theo kế hoạch của chính phủ về nhà ở và phát triển công trình thương mại tư nhân về nhà ở, căn hộ và căn hộ cao cấp theo mục tiêu về đô thị hoá.

 

  • Về phát triển xây dựng dân dụng

Myanmar đang có tỷ lệ đô thị hoá rất cao. Hiện có 5,5 triệu người đang sống ở Yangon, và đến năm 2040, dân số tại đây sẽ là khoảng hơn 10 triệu người, biến thành phố này trở thành một trong những thành phố lớn của thế giới. Khoảng 32% dân số Myanmar hiện đang sinh sống ở các khu đô thị với tỷ lệ đô thị hóa là 2,4%/năm. Đến năm 2031, một nửa dân số của đất nước sẽ là người dân thành thị.

Năm 2013, Bộ Xây dựng Myanmar đã thông báo mục tiêu xây dựng hơn một triệu ngôi nhà trên toàn quốc, dự kiến sẽ cần xây 50,000 căn mỗi năm trong ​​khoảng 20 năm để đáp ứng nhu cầu về bất động sản dân dụng. Theo Bộ định cư con người (DHSHD), hiện chỉ có 7.000 căn nhà đang được xây dựng so với nhu cầu hàng năm là 20.000 căn. Chính phủ đã bày tỏ mong muốn hợp tác với các công ty xây dựng tư nhân để xây dựng nhà ở cho các khu vực dân sinh ở các thành phố lớn như Yangon và Mandalay.

Cũng như Việt Nam trong thời kỳ đầu mở cửa, Myanmar thời điểm này cũng có sức hút rất lớn đối với du lịch và đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, cơ sở vật chất lạc hậu và thiếu hụt đã tạo nên tình trạng cầu vượt quá xa cung về phòng và căn hộ cho thuê, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Yangon và Mandalay. Chi phí thuê văn phòng hiện đại cho doanh nghiệp tại Yangon hiện nay là 78USD/m2, ở mức cao nhất trong khu vực ASEAN.

 

Một trong những trung tâm phức hợp đầu tiên của Myanmar do HAGL Việt Nam phát triển

Từ những nhu cầu cấp bách trong xây dựng dân dụng hiện nay, ngày càng nhiều các công ty và tập đoàn xây dựng quốc tế đã lên kế hoạch xây dựng các khu nhà ở, chung cư cao tầng, tổ hợp văn phòng cho thuê và hàng loạt các dự án khách sạn cao cấp tại các thành phố lớn của Myanmar.

  • Về phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng

Có thể nói cơ sở hạ tầng của Myanmar đã bị quản lý yếu kém trong nhiều thập kỷ. Chính phủ Myanmar không có dự trữ tài chính để tài trợ cho việc phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng, do đó phần lớn việc xây dựng được tài trợ thông qua các khoản vay nước ngoài. Việc thiếu cơ sở hạ tầng cũng là một trong những lý do khiến nhiều các công ty cân nhắc khi đầu tư vào Myanmar. Chính vì vậy, việc đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng được coi là vô cùng cấp thiết.

Năng lượng điện tại Myanmar bị thiếu trầm trọng, tỷ lệ có điện trên toàn quốc là 26%, trong đó thuỷ điện sản xuất được khoảng 70% nhu cầu. Năm 2014, Nhật Bản đã hỗ trợ Myanmar xây dựng nhà máy điện khí đốt 500 Megawatt tại Yangon, để phục vụ khu công nghiệp và khu vực lân cận. Tuy nhiên vẫn cần nhiều hơn nữa những dự án phát triển năng lượng để đáp ứng được nhu cầu thực tế ngày càng tăng tại Myanmar.

Hạ tầng viễn thông được quan tâm đầu tư xây dựng và đã có bước chuyển mạnh mẽ trong những năm gần đây, đưa tỷ lệ người dân sử dụng di động từ 13% năm 2013 lên 60% năm 2016. Đây được coi là thành tích lớn nhất về xây dựng cơ sở hạ tầng tại Myanmar, tạo ra tín hiệu đáng mừng về một thị trường giàu tiềm năng phát triển.

Hạ tầng về giao thông giữa các thành phố rất hạn chế, đường cao tốc và đường sắt cũng rất ít và cũ kỹ do chưa được đầu tư trong một thời gian dài. Tuy nhiên, gần đây rất nhiều dự án đường cao tốc đã được đầu tư xây dựng: năm 2014 ngân hàng Phát triển Châu Á ADB đã cung cấp khoản vay 80 triệu USD để phát triển đường cao tốc ở vùng đồng bằng Ayeyawady, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường cao tốc khác. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang tập trung xây dựng sân bay quốc tế Hanthawaddy mới tại Bago, cố gắng đồng bộ hoá cơ sở hạ tầng.

Cơ sở hạ tầng đô thị, hệ thống cung cấp nước sạch và xử lý nước thải của Myanmar cũng rất lạc hậu và không đáp ứng được nhu cầu sử dụng cũng như để phục vụ cho phát triển.

  • Về phát triển xây dựng công nghiệp

Hiện tại Myanmar có 29 khu công nghiệp cũ, phần lớn tập trung quanh khu vực Yangon do cơ sở hạ tầng giao thông phát triển hơn, bao gồm cả sân bay quốc tế và khu vực cảng biển Yangon và cảng quốc tế Myanmar Thilawa. Tuy nhiên sản xuất thực tế tại các khu công nghiệp vẫn còn yếu kém, các nhà sản xuất chủ yếu phục vụ cho thị trường địa phương, chính phủ cũng không có kế hoạch cải tạo. Giá thuê đất tại các khu công nghiệp này dao động khoảng 68$/ m2 thời hạn thuê 50 năm.

Các đặc khu kinh tế của Myanmar (nguồn: HOUSELINK khảo sát 2017)

Bên cạnh phát triển các khu công nghiệp, Myanmar còn có 3 đặc khu kinh tế (Special Economic Zone – SEZ), có ưu đãi tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm Thilawa SEZ, Dawei SEZ, và Kyaukphyu SEZ. Ba đặc khu kinh tế này vẫn trong giai đoạn phát triển, tuy nhiên đã có rất nhiều các công ty, tập đoàn quốc tế tham gia đầu tư và sản xuất trong các khu vực này.

Các đặc khu kinh tế của Myanmar

Mặc dù chính phủ Myanmar đã có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp, các hoạt động xây dựng công nghiệp tại đây vẫn còn thấp do nhiều công ty quốc tế đang chờ đợi các cải tiến về cơ sở hạ tầng trước khi quyết định đầu tư vào ngành xây dựng tại Myanmar.

Các cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam

Xây dựng đang là ngành “hot” nhất tại Myanmar. Yangon và Mandalay sẽ nổi lên như các thành phố thương mại chính của Myanmar, và đô thị hóa sẽ nở rộ ở hai thành phố này do sự tập trung vào các hoạt động kinh tế và thương mại. Sự kỳ vọng vào phát triển của chính phủ tạo nên nhu cầu về xây dựng cực lớn cho thị trường này. Các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài được đẩy mạnh từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng dân dụng, tới phát triển công nghiệp (nặng và nhẹ). Myanmar được coi là thị trường mới đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư, và xây dựng chính là hình thức đầu tiên được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm, bao gồm cả các nhà đầu tư từ Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai, BIDV, Viettel, VNPT, FPT, LIOA, Hanvico, ATAD, BMB, SEOWOO, PEB Steel,…

Ở góc độ khác, các công ty xây dựng nội địa của Myanmar còn yếu kém, thiếu chuyên nghiệp, thiếu kỹ thuật, chưa có kỹ năng thực hiện các công việc có tính phức tạp cũng như khả năng quản lý còn hạn chế nên không thể đáp ứng được yêu cầu cao của các công trình quan trọng. Theo một số công ty xây dựng Việt Nam đã thuê nhân công Myanmar nhận xét, nhịp sống và lao động ở Myanmar có đặc thù là chậm nên nhiều khi không đảm bảo được tiến độ công việc. Rất nhiều nhà đầu tư không tìm được đơn vị thầu đạt yêu cầu từ nguồn địa phương đang phải tìm kiếm những đơn vị thầu có kinh nghiệm trong khu vực lân cận để đảm bảo chất lượng dự án.

Trong khi đó, các công ty xây dựng Việt Nam lại có khá nhiều lợi thế để có thể phát triển tại thị trường Myanmar. Sau quá trình tích lũy kinh nghiệm trong nước và học hỏi từ các đối tác nước ngoài đầu tư ở Việt Nam, so với nhiều đơn vị thầu quốc tế, các công ty xây dựng Việt Nam cho thấy khả năng cạnh tranh cao về kinh nghiệm thực hiện, kỹ năng thiết kế, quản lý công trình, chi phí nhân công… Một số tổng thầu Nhật tại Myanmar như Penta Ocean hay Hazama rất muốn làm việc với các đơn vị thầu phụ của Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp xây dựng Việt Nam cũng đã sang Myanmar như Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Vinaincon… Trong vòng 04 tháng gần đây đã có 10 công ty xây dựng Việt Nam mới được thành lập tại Myanma như Antaco, Ivestcop, 105, Hazama, Cọc AJU…

Cũng theo một số các đơn vị đã có kinh nghiệm làm việc tại thị trường Myanmar, người dân Myanmar rất có thiện chí với đất nước và con người Việt Nam. Các kỹ sư, công nhân lành nghề của Việt Nam rất được xem trọng tại Myanmar. Hơn nữa, quan hệ chính trị giữa hai nước cũng rất tốt đẹp từ trước tới nay, đặc biệt mới đây trong năm 2016, trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Myanmar đã cam kết sẽ quan tâm và tạo điều kiện cho thương mại – đầu tư từ Việt Nam.

Hình ảnh đoàn HOUSELINK làm việc với các nhà thầu Penta Ocean, Rainbow tại Yangon

Thêm vào đó, các công ty tiên phong trong ngành xây dựng của Việt Nam tại Myanmar cũng đã tạo được uy tín tốt trên thị trường. Điển hình như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã triển khai thực hiện dự án xây dựng khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Centre, khách sạn 5 sao, trung tâm văn hóa – thương mại và các khu chung cư, văn phòng cao cấp với tổng đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng ở Myanmar; các đơn vị thiết kế, thi công nội thất, vật liệu như AA Interior hay các đơn vị chuyên quản lý dự án như Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình và nhiều đơn vị khác đã khẳng định được uy tín và chất lượng trên thị trường. Điều này cũng sẽ tạo tiền đề tốt hơn cho các công ty xây dựng tiếp theo của Việt Nam muốn phát triển tại thị trường Myanmar.

Các vấn đề liên quan tới thủ tục hành chính tại Myanmar rất minh bạch, doanh nghiệp không gặp nhiều khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh, đầu tư, tuy nhiên cần lưu ý, các thủ tục này chỉ được thực hiện ở thủ đô Nay Pyi Taw, cách Yangon 400 km. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp muốn đầu tư, phát triển ở thị trường Myanmar, hiện nay về phía Việt Nam đã có ngân hàng BIDV và công ty Đầu tư MIDC đóng vai trò là đơn vị tư vấn về đầu tư, hỗ trợ các thủ tục, xúc tiến thương mại, kết nối với doanh nghiệp địa phương… 70% các công ty Việt Nam đầu tư vào Myanmar đều thông qua các đơn vị này tư vấn và đã đạt được rất nhiều thành công.

Hình ảnh thăm và làm việc với đại diện BIDV và MIDC tại Myanmar

Các thách thức khi các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam làm ăn tại Myanmar

Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vào Myanmar sẽ gặp một số các vấn đề chung như cơ sở hạ tầng còn kém. Hạ tầng năng lượng thiếu, làm tăng chi phí vận hành, đặc biệt là vào mùa khô, nước không đủ cho thủy điện hoạt động. Đường xá thiếu, cũ, chất lượng kém cũng sẽ gây khó khăn cho các công tác hậu cần, vận chuyển nguyên vật liệu và máy móc. Chi phí thuê nhà và văn phòng rất cao do thiếu nguồn cung về nhà ở và cho thuê. Các dịch vụ liên quan như tài chính, ngân hàng, phương tiện đi chuyển, các dịch vụ giải trí còn rất hạn chế.

Ngoài ra, Myanmar cũng có những chính sách và quy định khác biệt trong ngành xây dựng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý. Tất cả các công trình xây dựng mới phải tuân thủ các quy tắc xây dựng do Chính phủ Myanmar quy định. Mỗi tòa nhà muốn xây mới trong khu vực thành phố Yangon đều cần phê duyệt của Ủy ban Phát triển Thành phố Yangon trước khi bắt đầu xây dựng. Việc xây dựng phải được hoàn thành trong một năm. Với các công trình lớn, cần thêm thời gian thì có thể xin gia hạn 5 năm một lần. Đối với các tòa nhà cao từ 19 m trở lên hoặc cao trên 4 tầng phải lắp đặt thang máy. Đối với việc xây dựng các thành phố khác cũng tương tự, phải xin giấy phép từ hội đồng thành phố sở tại. Các công trình xây dựng mới của Myanmar vẫn đang chờ được cấp phép và sẽ phải thêm vào các biện pháp xây dựng để bảo vệ chống lại các cơn lốc xoáy (như bão Nargis gần đây) và động đất.

Đối với các công trình được triển khai ở Myanmar, các yêu cầu trong xây dựng là rõ ràng và cũng yêu rất chặt chẽ khi thực hiện. Trong quá trình làm hợp đồng hay thoả thuận với chính phủ và doanh nghiệp Myanmar, các đơn vị đầu tư và nhà thầu nước ngoài phải rất chuẩn, không được để phát sinh về tiến độ hay tài chính, nếu không dự án sẽ bị dừng cấp phép, hoặc thậm chí là thu hồi.

Kết luận

Myanmar là thị trường rất tiềm năng cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đang có kế hoạch vươn rộng ra thị trường thế giới trong bối cảnh ngành xây dựng Việt Nam đã trưởng thành và lớn mạnh hơn qua quá trình tích lũy kinh nghiệm phát triển thị trường trong nước. Quá trình mở cửa và hiện đại hóa của Myanmar mới trong giai đoạn bắt đầu, do đó gặp phải không ít những khó khăn như điều kiện cơ sở vật chất hay chính sách có nhiều thay đổi. Tuy nhiên chính phủ Myanmar rất kỳ vọng và tạo điều kiện cho các công ty xây dựng nước ngoài để đẩy mạnh tốc độ phát triển của đất nước. Nhu cầu đối với ngành xây dựng của Myanmar là rất lớn và trên mọi mặt, do đó khi các công ty Việt Nam nắm bắt cơ hội và tiếp cận đúng cách, sẽ có ưu thế lớn trên thị trường để đạt được thành công. Đây cũng có thể là bước tiến tốt cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam trong quá trình gây dựng và khẳng định tên tuổi trên thị trường quốc tế.

Nguồn tham khảo

  • Báo cáo nghiên cứu tổng quan thị trường xây dựng Myanmar; Công ty cổ phần Houselink, 2014.
  • Cơ hội đầu tư và kinh doanh ở Mianma; Chủ tịch, Đại sứ Chu Công Phùng, Hội hữu nghị Việt Nam – Myanmar chủ biên, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự Thật Hà Nội phát hành năm 2016
  • Nhật ký làm việc tại Myanmar của đoàn doanh nghiệp xây dựng Việt Nam tháng 4 năm 2017; Ông Vũ Tuấn Dũng, Công ty Cổ phần Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ xây dựng tổng hợp.
  • Myanmar Rising: Industrial and Special Economic Zones; HKTDC Research, 2016
  • Reseach note construction in Myanmar; IPSOS Business Consulting, 2013
  • Vì sao Myanmar thu hút lao động Việt; Tuổi trẻ Online, 12/01/2017, http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/phong-su-ky-su/20170112/vi-sao-myanmar-thu-hut-lao-dong-viet/1250818.html
  • Mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Việt Nam – Myanamar; Thế giới và Việt Nam Online, 26/10/2016, http://baoquocte.vn/mo-ra-giai-doan-phat-trien-moi-trong-quan-he-viet-nam-myanmar-38264.html

Nguồn: HOUSELINK

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo