Cơ hội hút 12 tỷ USD vào điện gió
Dự án Điện gió Kê Gà với công suất phát điện 3.400 MW, quy mô vốn đầu tư gần 12 tỷ USD vừa được nhà đầu tư giới thiệu như một đột phá mới cho kinh tế Việt Nam.
Tiềm năng khơi xa
Theo đề xuất, Dự án được triển khai trên diện tích gần 2.000 km2, cách đất liền tối thiểu 20 km ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, tính từ mũi Kê Gà. Các nhà đầu tư kỳ vọng, Dự án sẽ tạo đột phá mới cho điện gió so với điện mặt trời đang dồn dập tạo sóng thời gian qua.
Nhà đầu tư Enterprize Enegry đến từ Anh được giới thiệu có chuyên môn trong lĩnh vực phát thải carbon thấp ở các dự án năng lượng. Còn nhà đầu tư tự giới thiệu, họ đang triển khai một số dự án điện gió ngoài khơi tại Anh, Singapore hay Đài Loan và rất mong chờ Việt Nam là điểm đến tiếp theo.
Enterprize Enegry cũng nhắc tới các đối tác Việt Nam trong Dự án này là Công ty liên doanh dầu khí Việt – Nga (Vietsovpetro), Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và Lắp máy dầu khí (PVC – MS) và Công ty cổ phần Tư vấn Điện 3 (EVN PECC3).
Theo thoả thuận từng được ký hồi đầu năm 2018 giữa Enterprize Enegry với Vietsovpetro và PVC-MS, phạm vi công việc do 2 đối tác Việt Nam đảm nhiệm dự kiến bao gồm toàn bộ phần công việc thiết kế thi công, chế tạo, hạ thủy, vận chuyển, lắp đặt các kết cấu thép và các trạm biến áp ngoài khơi, thi công và kết nối cáp ngầm dưới biển và kết nối lưới truyền tải.
Các tua-bin gió sẽ do Mitsubishi Vestas Offshore Wind (MVOW – một liên doanh được thành lập bởi Vestas Wind Systems A/S và Mitsubishi Heavy Industries Ltd với cùng đóng 50%) cung cấp, còn nhà cung cấp tài chính là Ngân hàng Societe Generale.
Ông Ian Hatton, Chủ tịch Enterprize Enegry cho hay, dự án được phân kỳ đầu tư với công suất mỗi giai đoạn là 600 MW. Tổng vốn đầu tư được thu xếp cho dự án 3.400 MW vào khoảng 9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư kết nối vào lưới điện quốc gia. Nhà đầu tư đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận và được ủng hộ đặc biệt.
Nhiều chuyên gia cũng đặt kỳ vọng vào sự đột phá của Dự án này, khi tốc độ gió bình quân ở khu vực được đề xuất là 9,5m/s. Những tua-bin gió ban đầu sẽ có công suất khoảng 9,5 MW và sau đó tăng dần lên 10 – 12 MW, thậm chí sẽ lớn hơn.
“Ở vị trí dự tính, do tốc độ gió tốt, nên có thể đạt số giờ vận hành tầm 4.000 – 4.500 giờ/năm”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công thương) nhận xét.
Thách thức không nhỏ
Dẫu vậy thì mức chi phí ước tính gần 12 tỷ USD cho dự án cũng là con số gây bất ngờ với nhiều người.
Ông Ian Hatton cho hay, thách thức lớn nhất là thời gian áp dụng mức giá tương đương 9,8 cent/kWh theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg chỉ áp dụng với các dự án vào vận hành trước tháng 11/2021. Trong khi đó, giai đoạn 1 của Dự án nhanh nhất cũng phải tận năm 2022 mới vào hoạt động. Sau tháng 11/2021, chưa thể nói giá mua điện gió là bao nhiêu.
Chia sẻ với phóng viên, ông Thành cũng cho hay, với công nghệ ngày càng phát triển như công suất của tua-bin giờ đã là 9-10 MW/cột, trong khi cách đây 10 năm chỉ là 1-2 MW/cột và các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, giá điện gió chắc theo xu hướng đi xuông, như với điện mặt trời.
Hiện Dự án chưa được bổ sung vào Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia, nên chưa thể nói mức giá sẽ được hưởng ra sao. Nếu được Thủ tướng cho phép bổ sung vào Quy hoạch Điện lực với thời gian vận hành trước tháng 11/2021, thì Dự án mới được hưởng mức giá 9,8 cent/kWh như Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, nếu không sẽ phải theo mức giá của thời điểm cụ thể.
Đây là lý do mà ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, hội thảo chuyên đề về Dự án điện gió Kê Gà được tổ chức nhằm mục đích làm sáng tỏ những yêu cầu, thách thức và những hỗ trợ của các cơ quan hữu trách để Dự án sớm hoàn thành thủ tục đầu tư, sớm triển khai xây dựng, nhằm tăng thêm nguồn điện lớn cho hệ thống điện của Việt Nam. Nhất là khi, đây là nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính.
“Theo Luật Quy hoạch, từ 1/1/2019, Thủ tướng sẽ là người quyết định bổ sung các dự án vào quy hoạch ở mọi cấp độ. Bộ Công thương sẽ không có thẩm quyền phê duyệt kể cả với các dự án điện quy mô nhỏ, nên giờ phải chờ quyết định chính thức”, một chuyên gia nhận xét.
Được biết, để có Báo cáo Nghiên cứu khả thi, Dự án cần có thời gian đo gió trong 12 tháng theo quy định. “Chúng tôi sẽ lắp 1-2 phao đo gió và truyền trực tiếp dữ liệu vào bờ để đánh giá. Các hoạt động khác liên quan đến môi trường như đo và thu thập mẫu ở đáy biển, đánh giá tác độ với môi trường xung quanh sẽ được triển khai và nhanh nhất thì tới tận năm 2022 Dự án mới có thể vận hành được giai đoạn 1”, đại diện của nhà đầu tư cho hay.
Nguồn: baodautu.vn