Chuyển rừng đặc dụng làm dự án nghỉ dưỡng: Phải hài hòa
Các địa phương khi xem xét chuyển đổi đất rừng dự án cho bất kể một dự án nào cũng phải cân nhắc rất kỹ giữa các lợi ích khác nhau…
UBND tỉnh Bình Định đang chỉ đạo rà soát hồ sơ trình xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án mở rộng khu du lịch Casa Marina Resort và dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh đều tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Được biết cả hai dự án đều được làm trên đất rừng đặc dụng, do đó phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Nêu quan điểm về việc này, ông Lê Việt Trường – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội lo ngại đề án 1 tỷ cây xanh đến năm 2025 khó hoàn thành.
Theo ông Trường, trong khi cả nước đang cùng hướng đến mục tiêu trên thì lại có rất nhiều những dự án kinh tế phá rừng, xin chuyển đổi mục đích. Đáng nói, trong số này có không ít dự án đã lấy rừng tự nhiên, rừng đặc dụng.
Đây là vấn đề từng gây tranh cãi gay gắt trên nghị trường Quốc hội, khi đó, nhiều đại biểu đã yêu cầu phải làm rõ số diện tích rừng tự nhiên đang còn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng trồng.
Có đại biểu còn dẫn lại số liệu thống kê năm 2019 cho thấy, số dự án kinh tế chuyển đổi diện tích rừng từ năm 2019 đã giảm 96% nhưng 90% diện tích rừng chuyển đổi là rừng tự nhiên.
“Không tự nhiên rừng đó được gọi là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, bởi mỗi loại rừng đều có vai trò, ý nghĩa của nó. Nên nhớ, với rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, ngoài yêu cầu bảo bảo về tỉ lệ che phủ thì nó còn có vai trò chống xói lở, bảo vệ nguồn nước, giúp cân bằng khí hậu sinh thái…
Do đó, các địa phương khi xem xét chuyển đổi đất rừng dự án cho bất kể một dự án nào cũng phải cân nhắc rất kỹ giữa các lợi ích khác nhau”, ông Trường khuyến cáo.
Ngoài ra, ông Trường cũng cho biết, về nguyên tắc, với các dự án sử dụng đất rừng đặc dụng sẽ phải xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, hiện đang có tình trạng địa phương xé nhỏ dự án để lách luật, lấy quyền tự quyết.
Với dự án mở rộng khu du lịch Casa Marina Resort, có diện tích dự kiến khoảng gần 12ha, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đặt câu hỏi: “Vì sao phải làm dự án phía Đông rồi mới xin mở rộng sang phía Tây? Cần làm rõ có hay không chủ đầu tư liên kết chia nhỏ dự án để dễ được thông qua?”.
Theo ông Trường, nếu không thận trọng, để tình trạng chia nhỏ dự án lấy đất rừng như băm nhỏ dự án cao tốc để dễ được chấp thuận đầu tư sẽ rất nguy hiểm. “Từ những dự án được cho là chỉ có chục ha nhưng nhiều dự án tương tự sẽ là con số khổng lồ”, ông Trường nói.
Đừng chỉ chạy theo kinh tế
Tương tự, TSKH Đặng Huy Huỳnh nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật – Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hệ thống sông, biển của Bình Định. Vì thế, dù là rừng phòng hộ nghèo thì vẫn có nhiều thảm thực vật lâu năm có vai trò quan trọng trong điều tiết nguồn nước, giữ ổn định khí hậu, môi trường cho khu vực này.
Quan điểm chạy theo kinh tế, vì phát triển dự án nghỉ dưỡng mà không giữ rừng nguy cơ sẽ phải trả giá đắt trong tương lai. Nhất là với những khu rừng đặc dụng, rừng tự nhiên, vị chuyên gia cho rằng thế giới cũng khuyến cáo không được phá bỏ, chuyển đổi, thay vào đó phải giữ rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng thì tại Việt Nam việc này vẫn chưa được làm tốt.
Ông lo ngại, một hai dự án với diện tích chỉ từ vài trăm nghìn mét vuông tới vài chục hecta nhưng nếu ai cũng xin dự án, chủ đầu tư nào cũng muốn làm dự án thì con số diện tích rừng bị phá có thể lên tới hàng trăm nghìn hecta.
“Bình Định từng là địa phương phải đối diện với lũ lụt, xói lở, gây thiệt hại nghiêm trọng tới tính mạng và tài sản của người dân cách đây vài năm trước. Bình Đình cần rút ra bài học sâu sắc sau sự cố này. Không nên mạo hiểm đánh đổi môi trường để chạy theo kinh tế.
Điều quan trọng nhất hiện nay là phải biết cân nhắc, sống hài hòa với thiên nhiên”, vị chuyên gia khuyến cáo.
Nguồn: Báo mới