Chuyên gia Phần Lan hiến kế giúp Việt Nam biến rác thải thành nguồn tài nguyên quý
Trong khi rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và nông nghiệp đã trở thành một vấn đề nhức nhối tại Việt Nam, nhiều quốc gia ở châu Âu, trong đó có Phần Lan lại xem đây là một nguồn tài nguyên quý báu đặc biệt trong ngành sản xuất điện.
Hiện nay, nhu cầu than nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam rất lớn và có xu hướng gia tăng, đạt khoảng 27,5 triệu tấn năm 2020 và tới 87 triệu tấn năm 2030. Dự kiến, nguồn năng lượng từ nhiệt than sẽ tăng lên 49,3% trong tổng sản lượng điện quốc gia vào năm 2020 so với mức 30,4% ba năm về trước và sẽ tăng lên 53,2% vào 2030 (theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh).
Trong khi đó, Phần Lan dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng than làm nhiên liệu tại các nhà máy trước năm 2030 mặc dù 100% than đá ở quốc gia này phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ông SakuLiuksia, Giám đốc Chương trình xử lý rác thải thành năng lượng và năng lượng sinh học của Trung tâm đổi mới kinh doanh Phần Lan (Business Finland) cho biết, là một trong những quốc gia xanh nhất thế giới với 40% năng lượng được sản xuất từ nhiên liệu tái tạo rác thải, sinh khối, thủy điện…Phần Lan đặt mục tiêu đến năm 2030 dùng rác thải thay thế toàn bộ than đá làm nhiên liệu sản xuất điện.
“Rác thải là tài nguyên vô cùng quý giá nếu biết tái chế nhưng nếu không biết cách xử lý sẽ trở thành gánh nặng”, ông Saku Liuksia nhận định.
Một mũi tên trúng hai đích
Theo lãnh đạo Business Finland, khi mới dành được độc lập 101 năm trước, Phần Lan chỉ là một nước nông nghiệp nhưng giờ đây đã trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về phát triển xanh và sáng tạo, dẫn đầu về công nghệ tái tạo năng lượng từ chất thải (W2E).
Bà Minna Vilkuna, Phó chủ tịch Công ty BMH (BMH Technology Oy) cho biết, Phần Lan là một trong những nước có kinh nghiệm lâu năm trong sử dụng năng lượng sinh khối, biến rác thải thành phố thành năng lượng.
Bà Minna Vilkuna, Phó Chủ tịch Công ty BMH (BMH Technology Oy).
“Công nghệ có thể biến rác thải đô thị công nghiệp thành nhiên liệu thay thế cho nhiên liệu hoá thạch như than đá, dầu hoả trong các nhà máy nhiệt điện hoặc nhà máy sản xuất xi măng. Chính điều này sẽ mang lại được những giá trị lớn cả về kinh tế và môi trường”, bà Minna Vilkuna chia sẻ.
Đại diện BMH nhận định, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa tại Việt Nam đang ở mức cao dẫn đến sự gia tăng của chất thải rắn đô thị. Uớc tính có đến 76 – 82% chất rắn thải đô thị được thu gom và xử lý tại các bãi rác bằng cách chôn lấp, con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Số liệu thực tế mới nhất cho thấy, dân số Việt Nam đang ở mức trên 93 triệu dân, trung bình mỗingười thải ra 1,2kg chất thải rắn mỗi ngày và khoảng 16% trong số đó là rác thải nhựa, phần lớn bị trôi ra sông và biển.
Trong khi đó, các nước châu Âu từ lâu đã luôn tìm cách tận dụng triệt để nguồn rác với việc phân cấp rác thải nhằm phát triển bền vững, bao gồm các cấp độ: giảm xả thải, tái sử dụng những gì có thể, tái tạo các vật liệu từ rác, sử dụng những gì không tái tạo được cho năng lượng, chôn hoặc sử dụng những thứ ở cấp độ cuối cùng như đá, xi măng, kính để san lấp trong các công trình xây dựng.
“Khi nhu cầu sử dụng năng lượng và năng lượng sạch tại Việt Nam đang tiếp tục tăng nhanh, nguồn đất để thực hiện chôn rác quá hạn hẹp, các phương pháp xử lý rác thải từ hộ gia đình cũng như xử lý chất thải từ nông nghiệp và công nghiệp đang trở nên rấtn quan trọng”, lãnh đạo Business Finland nhìn nhận.
Các chuyên gia đến từ Phần Lan gợi ý, Việt Nam có thể tái tạo rác thải bị đem ra các bãi chôn thành năng lượng thay thế cho than nhập khẩu.
Ở châu Âu, việc sử dụng rác làm nhiên liệu thay thế cho than đá tại các nhà máy xi măng đã diễn ra cách đây khá lâu. Hầu hết các nhà máy xi măng tại châu Âu đã sử dụng năng lượng nhiên liệu rác thải, có những công ty sử dụng 100% nhiên liệu từ rác.
Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp Phần Lan với kinh nghiệm lâu năm của mình đang mong muốn hợp tác cùng đối tác Việt Nam thực hiện các dự án liên quan đến điện, nhà máy điện hoặc các nhà máy xi măng sử dụng năng lượng làm từ rác.
Ông Saku Liuksia, Giám đốc Chương trình Xử lý rác thải thành năng lượng và năng lượng sinh học của Business Finland.
“Hiện nay, chỉ dưới 3% các loại rác thải đô thị của Phần Lan được xử lý bằng cách chôn vào đất trong khi 20 năm trước ở mức 50%; ở Việt Nam, con số này ở khoảng 80%”, ông Saku Liuksia cho biết.
Như bà Minna Vilkuna chia sẻ, công nghệ TY-RANNOSAURUS có thể biến chất thải rắn, không nguy hại thành nhiên liệu thu hồi dạng rắn (SRF), loại nhiên liệu này có thể dùng để thay thế than, dầu dùng trong máy phát điện hơn nước và lò nung xi măng.
Sản xuất SRF từ rác thải của địa phương và đốt trong lò hơi công nghệ CFB hiện đại có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường, không còn chất thải đốt, giảm khí CO2, phát điện với lượng khí thải rất thấp với hiệu suất nhiệt và điện cao, thu hồi các kim loại tái chế trước khi đốt, giảm lượng tro bay và tro đáy.
Theo ông Jussi Rasinmaki, Giám đốc Công ty Simosol Oy, không chỉ chất thải rắn đô thị, việc sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam như tre, sắn, dừa, cà phê, gạo, mía, gỗ… cũng đang tạo ra phần lớn các chất thải nguy hại. Tuy nhiên, tất cả các loại chất thải này đều có thể tái sử dụng để biến đổi thành năng lượng sạch.
Nếu có thể thu gom và sử dụng được toàn bộ rác thải nông nghiệp, 27% điện năng của Việt Nam có thể tạo ra từ các sinh khối như rơm rạ, bã mía…Dù vậy, con số thực tế cũng chỉ nằm ở mức 5% nếu thực hiện được do rác thải nông nghiệp còn được sử dụng cho nhiều mục đích khác và bài toán thu gom cũng không hề dễ giải.
Việt Nam phải đi từng bước
Dù nhiều lợi ích là vậy nhưng cũng phải nhìn nhận, việc ứng dụng công nghệ xử lý rác thải thành nhiên liệu thay than đá tại các nhà máy sản xuất điện và xi măng ở Việt Nam không phải là chuyện một sớm một chiều.
Bà Minna Vilkuna cho biết ở Phần Lan và nhiều nước châu Âu, việc phân loại rác từ nguồn được quy định trong pháp luật trong khi tại các thành phố lớn ở nhiều nước đang phát triển, mọi thứ đang lẫn lộn trong các đống rác và độ ẩm rác cũng cao.
Để sử dụng nhiên liệu từ rác thay than đá, các doanh nghiệp thường thu phí đầu vào khi nhận rác về xử lý. Việc đàm phán xây dựng cơ sở sản xuất điện sử dụng nhiên liệu từ rác giữa chính quyền thành phố và các cơ sở sản xuất điện cũng tốn rất nhiều thời gian, đặc biệt là những dự án đầu tiên vì đây là một lĩnh vực khá mới và khi đầu tư, việc đảm bảo lợi nhuận vẫn luôn được đặt lên trên hết.
Ông Juha Soumi, Giám đốc khu vực Châu Á Công ty Fortum cho rằng, Việt Nam nên đi các bước nhỏ trước bằng việc nghiên cứu hiệu suất sử dụng năng lượng và sản xuất năng lượng của các nhà máy hiện tại cũng như đảm bảo việc xử lý và quản lý rác thải tốt.
Với những công nghệ và kinh nghiệm Phần Lan đang có sẵn, các doanh nghiệp Phần Lan nhìn nhận, Việt Nam có thể thừa kế và đi tắt đón đầu trong việc chuyển đổi rác thành năng lượng, vừa mang lại giá trị về kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Điều quan trọng cần làm là sớm kết thúc các chương trình đang thực hiện mang tính dài hạn, giảm thiểu chi phí đầu vào tại các nhà máy cũng như tạo động lực về kinh tế và pháp lý cho các doanh nghiệp.
Nguồn: theleader.vn