Chuẩn bị quỹ đất sạch phát triển hạ tầng công nghiệp
Thời gian qua, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng, chuẩn bị quỹ đất sạch để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo quy hoạch. Ảnh: Công ty chế biến gỗ Hải Hiền hoạt động hiệu quả ở KCN Mông Hoá.
Phấn đấu đến năm 2025 tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) trên 80%; diện tích đất các khu, cụm công nghiệp (CCN) chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh; thu hút các dự án đăng ký đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng và khoảng 1 tỷ USD vốn FDI. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tập trung chỉ đạo các giải pháp phát triển hạ tầng, chuẩn bị quỹ đất sạch để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo quy hoạch.
Các ngành, địa phương đã cụ thể hóa chủ trương của tỉnh, thực hiện các giải pháp cụ thể phát triển công nghiệp, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Lạc Sơn là huyện rộng, đông dân, nhu cầu giải quyết việc làm lớn, vì vậy, cấp ủy, chính quyền huyện đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề về quản lý đất đai, thu hút đầu tư, phát triển đô thị; tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị quỹ đất sạch thu hút đầu tư, bước đầu đạt kết quả tích cực. Một số nhà máy sản xuất công nghiệp như: Điện tử Lạc Sơn, may Hồ Gươm, nhà máy nhựa… vùng trung tâm huyện đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động/nhà máy, thu nhập bình quân đạt 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Đồng chí Bùi Như Khóa, Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện cho biết: “Theo quy hoạch, huyện đã đề xuất bổ sung, dành quỹ đất thu hút các dự án công nghiệp giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế”. TP Hòa Bình chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) hạ tầng các KCN Yên Quang, Mông Hóa và một số điểm quy hoạch hạ tầng công nghiệp. CCN Tiên Tiến diện tích 63,1 ha đã bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư 53,8 ha, hiện đã có 9 nhà đầu tư đăng ký hợp đồng thuê đất với diện tích 12,2 ha. KCN Mông Hóa được quy hoạch 235 ha đã có 24 dự án đầu tư, đến nay GPMB được 69,7 ha. Các ngành chức năng phối hợp với nhà đầu tư giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện các thủ tục theo quy định, đẩy nhanh tiến độ GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phấn đấu trong năm 2022 khởi công dự án, thu hút những dự án thân thiện với môi trường, đóng góp tốt cho ngân sách, giải quyết việc làm, gắn phát triển công nghiệp với đô thị theo hướng bền vững, hiệu quả.
Theo quy hoạch phát triển công nghiệp, tỉnh có 8 KCN với tổng diện tích 1.507,43 ha. Đến nay, 4/8 KCN gồm: KCN Lương Sơn, bờ trái sông Đà, Yên Quang, Nhuận Trạch đã có chủ đầu tư hạ tầng; 2 KCN đang trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương và chấp thuận nhà đầu tư (KCN Mông Hóa, Lạc Thịnh); 5 KCN đã có doanh nghiệp thứ phát đầu tư (KCN Lương Sơn, bờ trái sông Đà, Mông Hóa, Nam Lương Sơn, Thanh Hà). Một số KCN đã thu hút đầu tư và đang hoạt động khá hiệu quả như KCN bờ trái sông Đà, Lương Sơn.
Tuy nhiên, công tác GPMB hạ tầng công nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bình quân mỗi năm, tỉnh GPMB được 32,2 ha đất tại các KCN, chưa đáp ứng nhu cầu đất sạch để thu hút đầu tư. GPMB chậm do những quy định của địa phương về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có nhiều thay đổi; các thủ tục mất nhiều thời gian. Còn tình trạng chuyển nhượng sử dụng đất của người dân trong quy hoạch KCN gây cản trở khi thực hiện quy chủ, kiểm đếm đất đai, tài sản trên đất. Một số KCN đã được hỗ trợ đầu tư xây dựng khu tái định cư nhưng tiến độ thực hiện chậm. Các KCN chưa bố trí được quỹ đất, đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung…
Tỉnh đang tập trung chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ GPMB hạ tầng công nghiệp để thu hút đầu tư. Năm 2022, tập trung huy động các nguồn lực, tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng khu, CCN. Đẩy nhanh tiến độ GPMB các KCN Yên Quang, Mông Hóa, Lạc Thịnh, Nhuận Trạch. Tăng cường phối hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng các CCN đã có vốn, đang hoạt động, khắc phục tình trạng chậm trễ trong GPMB để đẩy mạnh thu hút đầu tư; chú trọng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp có năng lực. Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân ủng hộ các chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp, tỉnh chỉ đạo siết chặt công tác quản lý đất đai ngay sau khi KCN được phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên đất không phép. Kiên quyết xử lý những dự án sử dụng đất không đúng mục đích, không đưa hoặc chậm đưa đất vào sử dụng theo quyết định chủ trương đầu tư đã cấp. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí quỹ đất, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các khu tái định cư tập trung phục vụ công tác GPMB các KCN.
Nguồn: Báo Hòa Bình Điện Tử