Chưa dứt “cơn sốt” điện mặt trời

Việc kéo dài cơ chế áp dụng giá mua đối với điện mặt trời là 9,35 UScent/kWh cho hàng loạt dự án điện mặt trời tại tỉnh Ninh Thuận tới năm 2020 đang mở ra nhiều cơ hội mới…

Cơ hội mới

Tại Nghị quyết số 115/NQ-CP quy định thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế – xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 – 2023 ban hành ngày 31/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho địa phương này được hưởng chính sách giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg đến hết năm 2020 với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000 MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai.

Trước đó, tới tháng 6/2018, Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia cho 5 dự án với tổng công suất 1.022 MW, tương đương 1.277 MWp (công suất tối đa để tính truyền tải). Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 22 dự án với quy mô 836,79 MW, tương đương 1.045 MWp trên địa bàn Ninh Thuận.

Tuy nhiên, ngoài 27 dự án điện mặt trời có công suất thiết kế khoảng 2.000 MW đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch như trên, hiện có 19 dự án khác với quy mô hơn 1.200 MW cũng đang chờ được bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực tại địa phương này.

Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, giá mua điện 9,35 UScents/kWh chỉ áp dụng cho nhà máy điện mặt trời nối lưới có thời điểm vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 và kéo dài 20 năm.

So với mức giá bán lẻ điện sinh hoạt mà ngành điện đang bán ở mức bình quân 1.720,65 đồng/kWh, có thể thấy ngay hiệu quả nếu dự án được triển khai suôn sẻ. Dẫu vậy, để hoàn tất triển khai dự án điện mặt trời trong thời gian 2 năm cũng là thách thức không nhỏ với các nhà đầu tư, bởi hàng loạt yếu tố có thể khiến thời gian vận hành thương mại không thể kịp trước cuối tháng 6/2019.

Cũng là nhà đầu tư điện mặt trời, đại diện Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi cho hay, chi phí đầu tư về thiết bị làm năng lượng hiện chỉ còn khoảng 600.000 USD/MWp, giảm mạnh so với thời kỳ đầu. Nếu cộng các chi phí liên quan về mặt bằng, đấu nối với hệ thống, thì ước tính suất đầu tư khoảng 1 triệu USD/MWp.

“Không phải cứ nhìn thấy đường dây truyền tải ở gần bên là có thể đấu nối dự án điện mặt trời, vì điều này phụ thuộc rất lớn vào công suất hiện hữu của đường truyền tải. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng với người dân không bao giờ nhanh như dự tính của nhà đầu tư”, một nhà đầu tư nói.

Chính Bộ Công thương, trong báo cáo gửi Chính phủ giữa tháng 6/2018, cũng cho biết, tại Ninh Thuận, đường dây 220 kV Tháp Chàm – Vĩnh Tân được quy hoạch đấu nối nhiều dự án điện mặt trời như Phước Thái (200 MW), Mỹ Sơn (50 MW), Thuận Nam 13 (50 MW), BIM 3 (50 MW), Thuận Nam 19A (50 MWp), Thuận Nam 12 (250 MWp), BIM 2 (250 MWp) có khả năng quá tải với hiện trạng lưới điện hiện nay. Để giải quyết tình trạng này, Bộ đã đưa ra đề xuất, trong trường hợp chưa kịp đầu tư hạ tầng lưới điện để giải phóng công suất, các nguồn điện mặt trời phải cam kết giảm, dừng phát trong trường hợp vận hành bình thường.

Lo ngại trên là có cơ sở bởi nhu cầu tiêu thụ điện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và các địa phương lân cận không lớn, dẫn đến sẽ phải đầu tư lớn cho truyền tải điện đi xa. Chưa kể, các địa phương lân cận cũng là những nơi có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo để cạnh tranh với chính Ninh Thuận.

Nhộn nhịp tìm đối tác

Không chỉ các dự án tại Ninh Thuận, còn rất nhiều dự án điện mặt trời vẫn chờ được bổ sung vào quy hoạch. Tỉnh Bình Thuận hiện có 49 dự án điện mặt trời đã và đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt có công suất là 3.000 MWp, tỉnh Khánh Hoà có tới 17 dự án với quy mô hơn 700 MWp, tỉnh Bình Phước có 22 dự án với gần 2.500 MWp…

Đây cũng là những địa phương có số lượng các dự án điện mặt trời nhiều trong tổng số khoảng 205 dự án với quy mô 16.500 MWp vừa được Bộ Công thương yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá sự phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất với từng dự án. Con số 205 dự án này cũng không tính tới trên 70 dự án có tổng công suất trên 3.000 MWp đã được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực với thời điểm vận hành được ước định là trước ngày 30/6/2019.

Nhưng ngay cả con số 70 dự án cũng đã vượt khá nhiều so với quy mô phát triển điện mặt trời dự kiến đến năm 2020 được đưa ra trong Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt là 850 MW vào năm 2020 và tăng lên 4.000 MW năm 2025, sau đó đạt 12.000 MW vào năm 2030.

Do sự hấp dẫn về giá mua điện mặt trời, cộng đồng năng lượng tái tạo trên mạng cũng nhộn nhịp mời chào mua bán dự án lẫn công nghệ thiết bị. Tài khoản facebook Hằng Phương cho hay, Tập đoàn Centerlink của Mỹ muốn mua lại dự án khoảng 200 MW ở các vùng bức xạ tốt ở miền Trung. Các dự án được quan tâm đã có phê duyệt bổ sung của Bộ Công thương, đã giải phóng mặt bằng, có phương án đấu nối vào hệ thống truyền tải.

Còn theo facebook Cunbon Bom, có 4 dự án điện mặt trời tại Hàm Tân, Bình Thuận với quy mô 50 MW/dự án đang muốn tìm nhà đầu tư đủ năng lực và kinh nghiệm để triển khai. Thông tin liên hệ có nhắc tới Tập đoàn Kosy…

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia A0 cho hay, các nước đều quy định một tỷ trọng nhất định nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện, để đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn cho nền kinh tế. Tại Việt Nam, dù chưa có nghiên cứu chính thức nào được đưa ra, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, tỷ trọng ở 15-20% là phù hợp với địa hình truyền tải dài, phụ tải tập trung ở hai đầu đất nước là chủ yếu.

Có lẽ e ngại sự phát triển quá nóng của năng lượng tái tạo như điện mặt trời hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới đây đã ký thoả thuận với Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) thực hiện Dự án Hợp tác kỹ thuật nghiên cứu phát triển hệ thống tích trữ năng lượng tại Việt Nam. Mục tiêu của Dự án liên quan tới ổn định hệ thống, tìm giải pháp xử lý một số vấn đề liên quan đến công tác lập kế hoạch vận hành và vận hành hệ thống điện khi có tỷ trọng lớn các nguồn điện tái tạo, để tối ưu hóa việc xây mới các đường dây truyền tải, nguồn điện truyền thống.

Nguồn: baodautu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo