Chưa chốt ‘số phận’ dự án nhiệt điện hơn 3,6 tỷ USD tại Hậu Giang
Bộ Công Thương mới có công văn gửi các Bộ ngành, UBND tỉnh Hậu Giang về việc ý kiến đối với đề nghị bổ sung Nhà máy điện Sông Hậu 3 vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang có ý kiến về sự phù hợp về địa điểm dự kiến xây dựng dự án bao gồm địa hình, địa chất, diện tích chiếm đất lâu dài, diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ thi công, diện tích sử dụng mặt nước, quy hoạch diện tích bãi thải xỉ than, khả năng ảnh hưởng tới môi trường khu vực và phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Sự phù hợp với các quy hoạch ngành của địa phương bao gồm quy hoạch giao thông đường bộ, quy hoạch giao thông đường thuỷ, quy hoạch cảng, quy hoạch đô thị và ảnh hưởng của dự án đối với xã hội và quốc phòng, an ninh.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến đối với khả năng lưu thông tàu có trọng tải lớn đến 100.000 DWT và tàu trọng tải 10.000 DWT phục vụ vận chuyển, cấp nhiên liệu (than nhập khẩu) cho dự án cũng như việc kết hợp với các dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư), Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 2 (do Tập đoàn Toyo Ink làm chủ đầu tư) và trách nhiệm đầu tư, nạo vét cải tạo luồng lạch (nếu có) đến khu vực cảng than của dự án.
Đối với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề nghị có ý kiến đối với năng lực tài chính của Tổ hợp Nhà đầu tư trên cơ sở đánh giá báo cáo tài chính các năm gần đây của nhà đầu tư và các thông tin tài chính được công bố, phương án tài chính của dự án gồm những nội dung như tổng vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và phương án huy động, các khoản chi, nguồn thu, giá, phí hàng hoá, dịch vụ, thời gian thu hồi vốn, lợi nhuận…
Tại văn bản trước đó gửi Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, UBND đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án trong đó có dự án phát triển nguồn điện (nhiệt điện) để phục vụ cung cấp nguồn điện năng cho cả nước nói chung và Hậu Giang nói riêng. Theo đó, ngày 2/12/2016 CTCP Đầu tư phát triển Năng lượng Việt Lào đã có công văn xin đầu tư dự án “Nhà máy nhiệt điện than Hậu Giang 3”.
Tuy nhiên, theo Quyết định 428 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) trong phụ lục danh mục các dự án đầu tư kèm theo Quyết định chưa đè cập đến dự án Nhiệt điện Sông Hậu 3, công suất 2.000MW).
UBND Hậu Giang cho rằng, để đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế chung của Việt Nam và các tỉnh miền Nam đồng thời bù vào nguồn điện do dừng dự án điện hạt nhân thì việc đầu tư Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 3 giai đoạn 2021-2025 là “rất cần thiết”.
Ngoài các mục tiêu bổ sung công suất nguồn điện cho hệ thống điện Việt Nam đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, góp phần cải thiện tỷ lệ dự phòng công uất và cơ cấu nguồn của hệ thống, khi dự án trở thành hiện thực sẽ có các tác động tích cực đối với sự phát triển chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long…
Dự án Nhà máy Nhiệt điện đốt than Sông Hậu 3 công suất 2.000 MW tại Hậu Giang do Tổ hợp các nhà đầu tư Tập đoàn Phongsubthavy – Lào, CTCP Phát triển Năng lượng Việt Lào, CTCP Đầu tư Đèo Cả thực hiện theo hình thức BOT.
Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 3,6 tỷ USD, dự kiến năm 2020 vận hành tổ máy 1, năm 2023 vận hành tổ máy cuối cùng, sản lượng điện hàng năm 13 tỷ kWh/năm.
Nguồn: Báo mới