Chủ tịch Xây dựng Trung Hậu: Chủ động trước những ngã rẽ
Ông Võ Đại Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Trung Hậu là người ghét sự bị động, nên dù ở vị trí nào cũng luôn chủ động hoặc chủ động cho sự bị động.
Đánh trận trên giấy
9 giờ sáng, ông Võ Đại Khôi đã hoàn thành vài cuộc gặp với một số đối tác tiềm năng. “Khách hàng của chúng tôi không chỉ đến từ châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, mà còn có cả Pháp hay Thụy Sỹ”, ông Khôi vừa cười vừa nói kèm theo lời xin lỗi bởi đã trễ 10 phút so với lịch hẹn.
Ba năm đầu tiên của Trung Hậu, nguồn việc và các khoản thu chủ yếu đến từ đối tác Hàn Quốc. Nhưng dòng vốn từ đầu tư mới và mở rộng sản xuất của doanh nghiệp Hàn Quốc không còn là nguồn sữa duy nhất cho sự tăng trưởng của Trung Hậu. Từ năm 2012, Trung Hậu đã hợp tác cùng các nhà đầu tư từ châu Âu.
“Anh em “lên tay” rất rõ về tư duy quản trị, năng lực thực thi lẫn khả năng ngoại ngữ”, ông Khôi nhận định về sân chơi mới và cho rằng, điều quan trọng, họ đã cập nhật được bài học đã trở thành nằm lòng, đó là “đánh trận trên giấy”.
Các đối tác từ châu Âu buộc Trung Hậu vạch ra các giai đoạn cụ thể, rõ ràng trước khi bắt tay vào làm. Mọi tình huống đều được lường trước, đặc biệt là kiểm soát rủi ro. Ví dụ, một hạng mục thi công trong 5 tháng, thì mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, Trung Hậu phải hoàn thành những công việc gì. Trong trường hợp thời tiết bất lợi, giải pháp thay thế ra sao…
“Khi kết thúc một dự án của nhóm khách hàng này, chúng tôi cần 2 xe 7 chỗ mới chở hết hồ sơ”, ông Khôi chia sẻ.
Sự khắt khe trong cuộc đấu trí trên giấy khiến các dự án trở nên thuận lợi trong thực tế, chi phí vận hành giảm mạnh. Tính nôm na, nếu cách đây 2 năm, Trung Hậu cần đến 200 nhân viên để hoàn thành một dự án thì nay, chỉ 1/4 số đó là đủ, vẫn tiết kiệm đến 1/6 thời gian.
Đương nhiên, lương công nhân vì thế mà tăng dần theo năng suất lao động, thúc đẩy các ý tưởng, sáng kiến. Chỉ cần tính toán vị trí đặt máy cẩu sao cho phát huy nhiều công năng nhất cũng là một giải pháp.
Ngay chính ông chủ tịch 36 tuổi Võ Đại Khôi cũng tôi luyện ngày đêm để thắng từng trận, từ trên giấy đến ngoài công trình.
Lợi thế phi… công thức
95% các hợp đồng của Trung Hậu đến từ sự mời gọi tham gia của các nhà đầu tư. Nghĩa là, vị thế của Trung Hậu là đương nhiên vượt qua “vòng gửi xe”, tiến thẳng đến vòng đáu thầu cùng các đối thủ.
“100% khách hàng của Trung Hậu đều quay lại sau lần đầu tiên”, ông Khôi tự hào. Đơn cử như Công ty TNHH Pungkook, đã đầu tư 8 nhà máy tại Việt Nam, Indonesia và Myanmar và tất cả các nhà máy đều do Trung Hậu làm nhà thầu.
Cách mà ông Võ Đại Khôi dẫn dắt Trung Hậu là tìm kiếm và tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng ít nhất một năm, giới thiệu giải pháp trọn gói đầu tư vào Việt Nam, từ khu vực đặt nhà máy phù hợp ngành kinh doanh, hoàn thiện các thủ tục giấy tờ đến thiết kế, giấy phép và thi công công trình đúng tiến độ. Ngần ấy thời gian khá đủ cho cả 2 bên tìm hiểu về năng lực cũng như tính cách chủ doanh nghiệp.
Ngoài ra, Trung Hậu dành từ 3 đến 6 tháng để làm việc với nhóm khách hàng thứ hai – nhóm khách chỉ quan tâm đến 3 khâu là thiết kế, hoàn thành giấy phép đầu tư và thi công. Khoảng thời gian tiếp cận khách hàng thực sự “cân não”, vì làm sao để từ người lạ thành những đối tác tin cậy, sẵn sàng hợp tác làm ăn. Cách duy nhất là đưa được cho khách hàng giải pháp tối ưu.
Ông Khôi xem đây là “cái sướng” của nghề. Bởi, nếu ai cũng dùng một công thức chung để tạo ra kết quả thì sự sáng tạo sẽ bị triệt tiêu. Giá chào thầu của Trung Hậu luôn nằm trong mức thấp hơn khoảng 5% so với các đối trọng, lý do là năng lực xây dựng công nghiệp của người Việt Nam, chứ không phải là giá cắt xén.
Vừa nói, Khôi vừa vẽ nhanh trên giấy những đường nét chi tiết chứng tỏ khả năng thiết kế tối ưu của kỹ sư Việt, tránh hao phí 25% nguyên vật liệu mà chất lượng vẫn đảm bảo. “Chúng tôi tìm ra giải pháp thay thế trong các khâu, chứ nếu chỉ ráp theo công thức 1 kg thép bao nhiêu tiền rồi cộng với các khoản khác thì chắc 1 ngày là xong”, ông Khôi lý giải.
Nói có sách, mách có chứng, Khôi mở tập hồ sơ vừa đấu thầu thành công rồi chỉ rõ, giá theo khối lượng chuẩn của hồ sơ đối tác là 89 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá của Trung Hậu đưa ra là 76 tỷ đồng, cùng với đó là phương án điều chỉnh thiết kế vừa đảm bảo các yêu cầu kiến trúc, công năng sử dụng, các yêu cầu về tải trọng ban đầu, tiết kiệm ngân sách.
Đặc biệt, với mỗi dự án, Khôi đều tìm kiếm thông tin rất chi tiết, để biết chất đất và khả năng chịu tải khi thực hiện dự án… “Tôi hay gọi đến thầy Phán (PGS. Võ Phán tại Bộ môn Địa Cơ Nền Móng đại học Bách Khoa TP.HCM – PV) nhờ tư vấn. Thầy đã đi khoan khắp cả nước”, ông Khôi nói rồi tự hào, trường cũ là nơi có nguồn dữ liệu khổng lồ cũng như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho Trung Hậu.
Mảng xây dựng là “oxy” của Trung Hậu Group. Dù đầu tư vào 7 công ty với các lĩnh vực tưởng chừng không liên quan đến ngành cốt lõi, như nội thất, đồ chơi, ẩm thực… ở trong và ngoài nước, nắm cổ phần từ 20-100%, nhưng ông Khôi khẳng định, trên 50% doanh thu của Công ty đã và tiếp tục đến từ xây dựng công nghiệp.
Ngã rẽ…
Từng làm tổng thầu dự án quy mô từ 3-10 triệu USD, nhưng năm 2018 sẽ là ngã rẽ với Trung Hậu, khi tham gia vị trí thầu phụ tại những dự án xây dựng công nghiệp quy mô lớn, như nhà máy hóa chất, nhiệt điện…
Mọi việc đều được tính toán dựa trên sự thay đổi nhanh chóng của thị trường và sự lớn mạnh của những công ty “sinh sau đẻ muộn”. Dù thuộc tốp 5 nhà thầu các dự án quy mô từ 60-200 tỷ đồng, nhưng trước làn sóng các dự án tỷ đô đang bắt đầu tạo dấu ấn trên thị trường, Trung Hậu phải mở thêm ngã rẽ.
Ông Khôi nhẩm tính, họ sẽ mất ít nhất 3 năm để học việc trong “mảnh đất” đang được “cày xới” bởi các đại gia lớn trong ngành xây dựng… Dù không đặt nhiều kỳ vọng lời lãi vào khoảng thời gian này, nhưng đã là kinh doanh, nhất định không được lỗ. Hiện đã có 3 đối tác mời Trung Hậu tham gia vai trò mới này. Trong đó, một đối tác đã ký kết với Trung Hậu triển khai Dự án Nhà máy LG Hải Phòng giai đoạn II ngay trước Tết Âm lịch 2018.
Trong vai trò tổng thầu, Trung Hậu chủ động trong mọi quyết định liên quan. Còn khi làm thầu phụ, có thể ngược lại. Ông Khôi là người ghét sự bị động, nên dù ở vị trí nào, Trung Hậu luôn chủ động hoặc chủ động cho sự bị động.
Trải qua 9 năm, từ vị trí tổng thầu thiết kế và thi công, rồi giờ lại làm cả thầu phụ các dự án khủng, Trung Hậu đạt doanh thu gần 1.000 tỷ đồng trong năm 2017 và đang tiến gần đến con đường phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trước khi tròn 15 năm tuổi vào năm 2025.
Trao đổi với doanh nhân Võ Đại Khôi:
Công ty có định hướng phát triển ra nước ngoài?
Dù đã thi công các dự án tại Indonesia, Myanmar, Campuchia và đang tìm hiểu thị trường Lào, nhưng đây không phải chiến lược cốt lõi của chúng tôi.
Công ty giữ chân nhân sự chín nghề như thế nào?
Mọi việc phải minh bạch, bởi sự thành công không thể đến từ một người, mà là cả một đội nhóm. Và nếu mình giàu thì nhân viên phải khá
Điểm yếu nhất của ông là gì?
Tôi hơi bảo thủ vì thích những thứ truyền thống, gần như không dùng đến laptop, mà thích viết bằng tay và trò chuyện trực tiếp hơn.
Quan điểm làm nghề?
Từ chối dự án dưới 3 triệu USD hay trên 10 triệu USD không phải chê, mà là sự lựa chọn. Tôi chỉ làm những việc thuộc thế mạnh của mình.
Nguồn: Doanh nghiệp Việt Nam