Chủ tịch Sao Ta: Doanh số cao kỷ lục 25 năm, EU sẽ là thị trường lớn nhất trong năm tới

Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản với kim ngạch 8 tháng đầu năm giảm 5,3% còn khoảng 5,2 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt 7,7% trong 8 tháng.

Là một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành, Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HoSE: FMC) – một thành viên của Tập đoàn PAN – ghi nhận mức tăng trưởng còn ấn tượng hơn với đà tăng 12,5% sau 8 tháng. Kết quả này có được nhờ năng lực quản trị cùng những hành động cơ cấu quyết liệt của đội ngũ lãnh đạo. Người Đồng Hành vừa nhận được chia sẻ của ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch FMC về kết quả kinh doanh và những kế hoạch mới của doanh nghiệp tại Sóc Trăng này.

Doanh số cao kỷ lục trong 25 năm hoạt động

– Cổ phiếu FMC lập đỉnh mới với thanh khoản tăng cao sau các thông tin doanh số liên tiếp đạt những mức kỷ lục mới trong tháng 7 và tháng 8. Ông có thể chia sẻ kết quả kinh doanh quý III và ước kết quả trong năm 2020?

– Tháng 8 vừa qua Sao Ta đạt doanh số tháng kỷ lục 23,6 triệu USD và lũy kế 8 tháng tăng trưởng 12,5% lên 120,6 triệu USD. Theo ước tính của tôi, sản lượng tôm trong quý III có thể đạt 7.000 tấn và doanh số khoảng 60 triệu USD, cao nhất trong 25 năm hoạt động. Riêng lợi nhuận còn đợi kết sổ.

Dự báo cho năm 2020, doanh số có thể đạt 180 triệu USD, tăng trưởng hơn 10% và vượt kế hoạch đề ra. Kết quả này không phải là đột biến, bất thường mà đây là tiến trình có sự chuẩn bị bền bỉ, dài hạn. Quy mô hoạt động của công ty càng lúc càng ổn định hơn, Sao Ta đã tuyển dụng thêm 500 công nhân chế biến kể từ đầu năm dù dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

– Các đơn hàng xuất khẩu của công ty ra sao? Thị trường và phân khúc nào có mức tăng trưởng cao nhất? Tình hình nuôi tôm có thuận lợi?

– Các đơn hàng xuất khẩu của công ty có thời gian đủ dài, chủ yếu đến từ các khách hàng chủ lực đã gắn bó từ 1996-1998 đến nay. Thị trường Mỹ là tốt nhất với mức tăng khoảng 10%, tập trung ở phân khúc sản phẩm trung cao.

Tình hình nuôi tôm trong khu vực khá vất vả khi dịch bệnh trên tôm đang nặng nề. Tôm nuôi của Sao Ta cũng có bị ảnh hưởng, cộng thêm giá trung bình trên thế giới thấp hơn năm ngoái nên lợi nhuận có thể không tốt bằng.

– Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang tạo lợi thế xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam. Với ngành tôm, Sao Ta có thể tận dụng được thế mạnh và cơ hội như thế nào? Biên lợi nhuận tại EU ra sao?

– Sao Ta mạnh về khúc sản phẩm chế biến sâu và bán hàng vào các hệ thống phân phối cấp cao. Khi thế giới trở lại bình thường sau Covid-19 thì Liên minh châu Âu (EU) có thể trở thành thị trường lớn nhất của Sao Ta, do đối thủ tôm tinh chế là Thái Lan chưa có FTA ở đây.

EU là thị trường có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn hẳn thị trường Mỹ. Tuy nhiên hiện sản lượng tôm Việt bán hàng vào EU không nhiều do số lượng vùng nuôi đạt chứng nhận xuất khẩu vào thị trường này đang rất thấp.

– Vậy các tiêu chuẩn để xuất khẩu tôm hưởng ưu đãi thuế suất là gì? Các công ty Việt Nam và Sao Ta nói riêng giải quyết vấn đề về tiêu chuẩn xuất khẩu như thế nào? Tỷ lệ tôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào châu Âu của Sao Ta khoảng bao nhiêu?

– Việt Nam có sản lượng tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu trên 700.000 tấn hàng năm, các doanh nghiệp chế biến tôm có thể tăng bán vào EU để tận dụng ưu đãi thuế sau khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, người tiêu dùng EU, nhất là phân khúc thị trường cấp cao, đòi hỏi tôm nuôi phải có các chứng nhận nuôi đảm bảo an toàn như chứng nhận ASC cho vùng nuôi. Các nhà cung ứng không có chứng nhận có thể bán vào phân khúc thị trường cấp thấp, nhưng giá bán sẽ không tốt lắm.

Số diện tích ao nuôi tôm của Việt Nam đủ các chứng nhận này rất ít, đây là một sự hạn chế khá lớn, một thách thức còn mất nhiều thời gian khắc phục. Tuy nhiên, vùng nuôi của Sao Ta đã hoàn toàn đạt chuẩn này. Lý do là công ty đã có kế hoạch thâm nhập sâu vào thị trường EU từ năm 2016 đến nay.

Các hệ thống quản trị chất lượng Sao Ta đang áp dụng. Ảnh: Sao Ta.

Thực tế đó cũng một phần lý giải vì sao thị phần tại EU của ngành tôm Việt bị giảm từ 20% cùng kỳ năm trước xuống còn hơn 13% trong 8 tháng đầu năm nay. Trong khi thị phần tại EU của Sao Ta lại tăng nhẹ tương ứng từ 28,6% lên 29,1%.

Sao Ta duy trì bán hàng tốt tại thị trường EU và có thể trở thành thị trường lớn nhất của công ty trong năm tới. Tuy nhiên, tăng trưởng ở thị trường này sẽ diễn ra từ từ và phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường chung, khả năng kiểm dịch.

– Việc xuất khẩu vào thị trường Anh có khác biệt không khi nước này rút khỏi EU?

– Thị trường Anh vẫn tiêu thụ ổn định tôm Việt và đây cũng là thị trường lớn nhất của Sao Ta tại châu Âu. Anh có thể rời EU trong thời gian tới nhưng nước này vẫn giữ các quy định cũ khi còn là thành viên EU trong 2 năm.

Khang An Foods là chiến lược mở rộng tập khách hàng và phân tán rủi ro

– Mới đây Sao Ta quyết định thành lập công ty Khang An Foods. Mục tiêu hoạt động của công ty này là gì? Sao Ta và Khang An Foods sẽ tương tác như thế nào?

– Việc thành lập công ty mới là nhằm phát triển mạnh hơn mảng nông sản chế biến bởi xu thế người tiêu dùng ngày càng chuộng thực phẩm từ thực vật. Mảng nông sản đã có những mặt hàng đột phá, nhưng thời gian qua tăng trưởng vẫn còn chậm.

Do tính thời vụ của nông sản, Khang An Foods cũng sẽ tận dụng thời gian nhàn rỗi và cơ sở vật chất để kinh doanh thêm tôm. Những phải khẳng định rằng, Khang An Foods chỉ tập trung vào mảng tôm cao cấp và tổ chức khu nuôi tôm đáp ứng một phần nguyên liệu cho hoạt động, do đó không phải là đối thủ cạnh tranh của Sao Ta.

Khang An Foods thực tế đóng vai trò là một nhà cung ứng mới để thu hút thêm các khách hàng mới, điều đó quay ngược lại giúp hoạt động của 2 công ty được mở rộng và thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, Khang An Fooods tạo cơ hội cho lực lượng kế thừa sớm có cơ hội phát huy năng lực, giúp Sao Ta sàng lọc nhân sự cấp cao về lâu dài tốt hơn.

– Hiện có một số nhà đầu tư lo ngại về sự cạnh tranh của 2 công ty, ông có thể giải thích rõ về điều này?

– Theo tôi, việc truyền thông đặt vấn đề “tự tạo ra đối thủ cho mình” là một câu hỏi…vui vui. Bởi đâu có ai tự bắn vào chân mình! Khi thành lập Khang An Foods, chúng tôi dĩ nhiên phải tính tới bài toán quản trị và cũng là bài toán hàng đầu. Bước đầu, điều hành công ty mới là một cựu Tổng giám đốc Sao Ta, bà đã gắn bó với mảng nông sản từ khi hình thành nhà máy suốt 12 năm qua.

Việc lập thêm công ty mới là hành động giảm thiểu rủi ro, tức là không bỏ trứng vào một giỏ. Khi bạn chỉ có một thương hiệu, nếu có bất kỳ sai sót nào tại một thị trường thì toàn bộ khách hàng ở các thị trường khác cũng đều biết, có thể khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp rơi vào tê liệt.

Lấy ví dụ đơn giản như doanh nghiệp A xây khách sạn tại quận 1 rồi lại xây thêm khách sạn ở quận 7 thì có phải tự tranh khách với nhau không? Một thị trường tiêu thụ thường có nhiều hệ thống phân phối cạnh tranh nhau và một người mua thì có thể mua hàng từ nhiều nhà cung ứng khác nhau. Do đó, nếu Sao Ta có nhiều nhà cung ứng hơn thì có thể tranh thủ nhiều khách hàng hơn là như vậy. Đó là chưa kể sản phẩm chủ lực của Sao Ta và Khang An Foods là khác nhau, nhắm đến phân khúc khách hàng khác nhau.

– Thị trường xuất khẩu chính của Khang An là ? Ông có thể chia sẻ xu thế người tiêu dùng đối với mảng nông sản ra sao?

– Xu thế người tiêu dùng hướng tới thực phẩm có nguồn gốc thực vật đang tăng lên. Khang An Foods khi hoạt động độc lập sẽ có thêm thời gian để chăm lo phát triển mảng kinh doanh chiến lược này. Thị trường mục tiêu là Nhật Bản và Mỹ.

Mảng nông sản đã có vùng nguyên liệu liên kết thời gian qua khoảng 300 ha và sẽ mở rộng khi công ty đi vào hoạt động. Dịch Covid-19 có tác động không tốt cho tiêu thụ nông sản, nhưng đó chỉ là ngắn hạn. Về lâu dài, mảng này sẽ phát triển tốt.

Tăng vốn để mở rộng sản xuất, thu hút thêm khách hàng

– Công ty sắp họp bất thường về phương án tăng vốn điều lệ nhằm mục đích gì? Việc huy động thời điểm này có thuận lợi và khó khăn gì?

– Việc Sao Ta tăng vốn điều lệ là từ xu thế thị trường vẫn chuộng con tôm, bởi đây là thực phẩm giàu dinh dưỡng và xuất khẩu tôm vẫn đang tăng trưởng. Sắp tới công ty cố gắng tập trung vào các khách hàng ở hệ thống bán lẻ, siêu thị hơn là các hệ thống dịch vụ (nhà hàng, khu vui chơi…).

Ngoài ra, Sao Ta cũng phải tăng sức cạnh tranh bằng tăng trưởng quy mô và công suất hoạt động hàng năm. Thực tế, nhà máy mới luôn có sức thu hút rất lớn đối với các khách hàng cấp cao bởi nhà máy mới có thể giúp giảm thiểu rủi ro phần cứng như máy móc, công nghệ…

Sao Ta đã tuyển dụng thêm 500 công nhân chế biến kể từ đầu năm dù dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Ảnh: Sao Ta.

Đầu tư nhà máy mới sẽ giúp Sao Ta có được đánh giá tốt về khả năng tổ chức nuôi tôm, có nhiều nguyên liệu đạt chuẩn vào EU. Đây là thị trường này có lợi thế do thuế suất về 0 hoặc giảm theo lộ trình.

Việc xây nhà máy mới cũng nằm trong tầm nhìn dài hạn 5-7 năm về việc chuyển toàn bộ các cơ sở chế biến vào khu công nghiệp và tạo cơ hội cho lực lượng nhân sự kế thừa phát huy năng lực.

Thời điểm này dịch Covid-19 chưa dứt điểm có thể ít nhiều tác động tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, tôi tin rằng khi nhìn vào quá trình hoạt động của Sao Ta, nhà đầu tư có thể yên tâm bởi những gì công ty này đã nói và làm trên 20 năm qua.

– Công ty có kế hoạch đầu tư thêm các cơ sở sản xuất nào? Mục tiêu đầu tư nếu có là gì?

– Kho lạnh 6.000 tấn vừa hoàn thành trong tháng 7 qua và đang được sử dụng tốt. Chúng tôi có kế hoạch xây thêm nhà máy mới trong một khu công nghiệp tại Sóc Trăng nên mới huy động vốn nhằm mở rộng quy mô chế biến.

– Khả năng tự chủ về nguyên liệu của công ty ra sao, kế hoạch phát triển vùng nuôi có thể giúp công ty tăng tỷ lệ tỷ chủ nguyên liệu lên bao nhiêu?

– Vùng nuôi của công ty vẫn được tiếp tục mở rộng, mức độ tự chủ về nguyên liệu theo đó sẽ từng bước được nâng lên. Đến năm 2021, chúng tôi phấn đấu đạt tỷ lệ 30% với quy trình nuôi mới. Công nghệ nuôi mới sẽ có nhiều công đoạn cuốn chiếu, có thể đạt 2-5 vụ/năm và tiết kiệm nhiều chi phí hoạt động.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn ndh.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Quảng cáo