Chiến lược phát triển của các vùng đô thị lớn trên Thế Giới qua từng thời kỳ
Theo số liệu thống kê của Cục điều tra dân số của Mỹ, vào năm 1990 dân số thế giới là 5,3 tỷ người. Đến năm 2015, con số này đã lên tới gần 7,3 tỷ người. Với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh như vậy thì dự đoán đến năm 2040 dân số thế giới sẽ ước khoảng 9 tỉ người. Dân số thế giới ngày càng tăng mạnh sẽ là một lợi thế về nguồn lực lao động sáng tạo của nhân loại trong tương lai nhưng cũng là một thách thức lớn về áp lực dân số lên các vùng đô thị, các thành phố lớn của nhiều quốc gia trên thế giới.
Năm 1950, chỉ có New York là thành phố duy nhất trên thế giới có dân số vượt ngưỡng 10 triệu người. Đến năm 1960 chỉ xuất hiện thêm Tokyo đạt kỷ lục này. Nhưng sau 20 năm sau (năm 1980) đã có 05 thành phố khác trở thành siêu đô thị, bao gồm: Mexico (Mexico), Sao Paolo (Brazil), Thượng Hải (Trung Quốc), Osaka (Nhật Bản) và Buenos Aires (Argentina). Sau hơn 20 năm tiếp theo thì đã có thêm 18 thành phố khác gia nhập vào danh sách các siêu đô thị (xét về mật dân số) trên thế giới. Điều đáng lưu ý ở đây là trong số 24 thành phố lớn đó chỉ có 08 thành phố là những siêu đô thị tại các nước phát triển (New York, Los Angeles, Tokyo, Osaka, Seoul, Paris, London và Moskva). Còn lại 2/3 số lượng siêu đô thị lại thuộc về các nước đang phát triển, trong đó 09 siêu đô thị ở Châu Á, 08 ở Nam Mỹ, 02 ở khu vực đông Địa Trung Hải và 01 ở Châu Phi. Những con số trên đây cho thấy rằng nếu như năm 1960 các siêu đô thị chỉ tồn tại ở nửa phía Bắc của thế giới thì kể từ năm 1980, các siêu đô thị lại phát triển mạnh ở nửa phía Nam địa cầu. Khu vực Nam Á và Đông Nam Á hiện đang chiếm ưu thế trong danh sách này.
Khái niệm về vùng đô thị lớn và sự phân hạng của chúng trên bản đồ thế giới
Khái niệm vùng đô thị lớn
Khi nói đến đô thị, người ta thường đề cập đến khu vực trung tâm của vùng dân cư đô thị, nơi bắt đầu của sự hình thành vùng đô thị đó. Hay nói cách khác đó chính là đô thị trung tâm. Cùng với quá trình phát triển của đô thị trung tâm, các khu vực lân cận xung quanh cũng ngày càng được mở rộng và kết nối tốt hơn thông qua việc làm, nhu cầu đi lại hàng ngày, nơi ở, cung cấp các mặt hàng nông sản, thu gom xứ lý rác thải của cụm đô thị trung tâm… Do vậy người ta sử dụng khái niệm Vùng đô thị lớn (hay còn gọi là không gian Vùng đô thị) nhằm phù hợp với quá trình phát triển năng động, mở rộng của đô thị.
Theo đó sẽ có 03 yếu tố hình thành không gian Vùng đô thị lớn bao gồm: Đô thị trung tâm, cụm đô thị bao quanh đô thị trung tâm và khu vực vành đai của vùng đô thị lớn. Thách thức đặt ra cho việc quy hoạch không gian Vùng đô thị lớn chính là việc giải quyết các vấn đề của 03 yếu tố cấu thành.
Đối với khu vực đô thị trung tâm, thách thức chủ yếu tập trung vào việc cải tạo không gian đô thị đã hình thành do quá trình lịch sử phát triển, bao gồm cả các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Đối với yếu tố thứ 2, các cụm đô thị bao quanh đô thị trung tâm thường có xu hướng mở rộng thiếu kiểm soát và thường được so sánh với hình ảnh vết dầu loang do thiếu các hoạt động quy hoạch cụm đô thị và kiểm soát quá trình mở rộng của chúng.
Đối với yếu tố thứ 3, khu vực vành đai của vùng đô thị, nơi chủ yếu tập trung dân số trẻ với tốc độ gia tăng dân số nhanh chóng và tỷ lệ thất nghiệp cao (trong khi địa bàn này vốn đã thiếu thốn các công trình hạ tầng và việc làm so với khu vực đô thị trung tâm và cụm đô thị bao quanh đô thị trung tâm); do vậy, khu vực vành đai rơi vào tình trạng ngày càng mở rộng không được kiểm soát, kéo theo các hiện tượng phân hóa ngày càng tăng về mặt tổ chức không gian, hủy hoại các không gian nông nghiệp và tự nhiên.
Dựa trên quy mô của 3 yếu tố cấu thành vùng đô thị, có thể chia vùng đô thị lớn ra thành các cấp độ khác nhau [2]. Cụ thể như:
- Cấp độ 1 – phạm vi của vùng đô thị mở rộng sang nhiều đơn vị lãnh thổ thuộc nhiều bang, vùng, tỉnh, địa hạt khác (Toàn bộ vùng đô thị lớn);
- Cấp độ 2 – gồm vùng lõi đô thị trung tâm và một phần khu vực vành đai (Vùng đô thị mở rộng);
- Cấp độ 3 – chỉ gồm vùng lõi đô thị trung tâm và vành đai ven đô liên kề (Vùng đô thị hạn hẹp);
- Cấp độ 4 – gồm đô thị trung tâm và một phần hoặc toàn bộ vùng lõi đô thị liền kề.
Khái niệm Vùng đô thị lớn đã làm thay đổi việc quy hoạch không gian dựa trên các công trình cơ sở hạ tầng và việc phân vùng chức năng, sang khái niệm phát triển Vùng đô thị lớn phức tạp hơn rất nhiều, trong đó dần lồng ghép các vấn đề kinh tế, các khía cạnh về môi trường hoặc hướng tới tìm kiếm một sự gắn kết chặt chẽ hơn về mặt xã hội.
Sự phân hạng các vùng đô thị lớn trên bản đồ thế giới
Cách tiếp cận đầu tiên trong việc phân hạng các vùng đô thị lớn là dân số của vùng đô thị. Dân số càng lớn càng thể hiện quy mô của vùng đô thị. Tuy nhiên, sự xếp hạng dựa vào dân số chỉ thể hiện được một khía cạnh của quá trình phân hạng bởi chính bản thân các số liệu thống kê dân số đó còn thiếu tính chính xác, nhất là tại các nước đang phát triển, cũng như chưa tính tới các chức năng khác vốn có của các đô thị lớn. Số liệu thống kê dân số chưa chính xác bởi 2 lý do chính: Thứ nhất là do thời điểm thống kê tại các vùng đô thị luôn khác nhau, nhiều khi chênh đến 6, 7 năm; Thứ 2 là phạm vi thống kê của vùng đô thị nhiều trường hợp chưa thông nhất. Điển hình như số liệu của đô thị trung tâm và số liệu của vùng đô thị còn lẫn lộn trong lúc thống kê. Hai nguyên nhân trên làm giảm độ tin cậy của số liệu thống kê và độ xác thực của một số kết quả xếp hạng dựa theo dân số.
Bởi các nguyên nhân trên, một số nhà nghiên cứu đã đề xuất cách tiếp cận dựa trên nhân tố kinh tế. Đại diện cho cách tiếp cận này là 3 nhà nghiên cứu: J.V.Beaverstock, R.G.Smith và P.J.Taylor. Vào năm 1999, họ đã đưa ra phương thức tiếp cận hoàn toàn dựa trên dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp thường chỉ có ở những thành phố lớn hoặc rất lớn. Đó là nhân tố thể hiện qua mức độ hiện diện của các công ty đa quốc gia trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, pháp lý và thông tin. Theo cách thức này, kết quả xếp hạng có sự trái ngược so với kết quả xếp hạng theo thống kê dân số. Trong đó, có những kết quả đáng nghi ngại như Johannesburg (Nam Phi) và Caracas (Venezuela) có tác động tầm cỡ thế giới cao hơn cả Thượng Hải (Trung Quốc), Barcelona (Tây Ban Nha) hay Miami (Mỹ).
Có vẻ như 2 cách tiếp cận về phân loại trên chưa phản ánh đúng với thực tế phát triển của các vùng đô thị lớn. Do vậy, nhóm nghiên cứu do nhà quy hoạch Gilles Antier phụ trách đã đưa ra quan điểm cần có thêm những tiêu chí khác về kinh tế và tài chính để đánh giá một vùng đô thị lớn và cần phải bổ sung các tiêu chí về cơ sở hạ tầng và tạo được sức hút. Nhóm nghiên cứu đã lồng ghép tất cả các tiêu chí nói trên vào một bảng chỉ số gồm 8 chỉ số về vùng đô thị lớn để thử nghiệm phân loại các vùng đô thị lớn trên thế giới. 8 chỉ số đó bao gồm: (1) Quy mô dân số; (2) Lưu lượng vận tải hàng không; (3) Tổng chiều dài mạng lưới tàu điện ngầm; (4) Vai trò của thị trường chứng khoán; (5) Số lượng trung tâm phát minh khoa học và công nghệ; (6) Tổ chức các sự kiến lớn; (7) Tầm quan trọng về mặt di sản và văn hóa; (8) Tổ chức các hội nghị quốc tế.
Dựa trên bảng tiêu chí phân loại trên, nhóm nghiên cứu đã chia các vùng đô thị lớn thành 3 nhóm chính gồm: Nhóm hàng đầu, nhóm cạnh tranh và nhóm cạnh tranh cấp khu vực [2]. Trong đó, các vùng đô thị lớn nằm trong 02 nhóm sau cùng sẽ được phân thành hạng 01 và hạng 02, nhằm phân loại chính xác hơn các vùng đô thị trong cùng 1 nhóm. Theo đó sẽ có: 4 vùng đô thị lớn thuộc nhóm hàng đầu; 09 vùng đô thị lớn thuộc hạng 1 và 06 vùng thuộc hạng 2 của nhóm cạnh tranh; 12 vùng hạng 01 và 12 vùng hạng 02 thuộc nhóm cạnh tranh cấp khu vực (xem Hình 1).
Với cách thức phân loại này, các vùng đô thị lớn trên thế giới sẽ được nhận diện và hình thành nên 03 khu vực trọng điểm chính bao gồm: 1- Khu vực Bắc Mỹ (chiếm 28% tổng số lượng vùng đô thị lớn), 2- Khu vực Châu Âu – Địa Trung Hải (chiếm 28%), 3- Khu vực Châu Á (chiếm 32%).
Nếu đối chiếu bản đồ thể hiện sự phân bổ của các vùng đô thị lớn trên thế giới với bản đồ thể hiện các khu vực tiêu thụ điện trên toàn cầu (xem Hình 2), có thể nhận thấy rõ được sự trùng hợp về mặt vị trí. Cụ thể là các khu vực có điểm sáng nhất về đêm đều nằm tại 3 khu vực trọng điểm chính của các vùng đô thị lớn trên thế giới.
Các thế hệ sơ đồ quy hoạch
Theo các nhà nghiên cứu quy hoạch, kể từ đầu thế kỷ 20 đến nay, sơ đồ quy hoạch có thể chia thành 3 thế hệ cơ bản.
- Thế hệ sơ đồ quy hoạch thứ nhất nằm trong giai đoạn từ 1900-1940, thời kỳ mang đậm dấu ấn của quá trình xâm chiếm thuộc địa và tốc độ tăng trưởng đô thị, gia tăng dân số còn khiêm tốn. Những sơ đồ này hầu hết đều do các KTS và các nhà quy hoạch lập ra dựa trên những hiểu biết và kinh nghiệm đối với những lãnh thổ thuộc địa (Sơ đồ quy hoạch của Hebrard cho Sài Gòn năm 1924, cho Hà Nội năm 1943 hay cho Phnom Penh năm 1937).
Thực chất, thế hệ sơ đồ quy hoạch đầu tiên này trước hết nhằm tạo ra một “cấu trúc đô thị”, còn các mục tiêu thực hiện vẫn chỉ là thứ yếu. Những sơ đồ này thể hiện một ý chí tổ chức mạng lưới đường giao thông về mặt chức năng và nhất là các mạng lưới giao thông, cấp, thoát nước và cấp điện theo những tiêu chuẩn về vệ sinh thời kỳ đó. - Giai đoạn tiếp theo từ năm 1950 đến năm 1970, tương ứng với sơ đồ quy hoạch thuộc thế hệ thứ 2. Các sơ đồ quy hoạch thời kỳ này mang đậm dấu ấn của sự gia tăng dân số mạnh mẽ, sự tăng trưởng kinh tế của các nước tại Bắc bán cầu và quá trình phi thực dân hóa tại các nước Nam bán cầu. Đặc trưng của các các sơ đồ quy hoạch thế hệ thứ 2 này là cách tiếp cận theo chỉ đạo của Nhà nước, thể hiện chủ trương quy hoạch nhằm kiểm soát các tác động của tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số, đồng thời cố gắng tổ chức quá trình phát triển của cụm đô thị và điều phối các nguồn vốn lớn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Không chỉ có cơ sở phân tích và định hướng có cơ sở chặt chẽ hơn so với thế hệ trước, những đồ án thời kỳ này còn thể hiện một quan niệm cứng rắn về chính sách đô thị (thiết kế, phân khu, trang bị hạ tầng). Tuy nhiên, các dịch vụ đô thị ít được quan tâm hơn trong khi dân số đô thị lại đang bùng nổ mạnh tại các nước đang phát triển, gây áp lực lên hệ thống dịch vụ đô thị. Những đồ án này có xu hướng thâu tóm quá trình lập quy hoạch theo hình thức “quy hoạch chung sử dụng đất” trong thời hạn từ 10 đến 15 năm. Điều quan trọng hơn, những tài liệu quy hoạch này được ngầm coi như cơ sở tham chiếu cho một mạng lưới đô thị, có tính chất bắt buộc đối với mọi đối tượng, mọi dự án đầu tư của nhà nước và trách nhiệm nâng cao điều kiện sống của chính quyền, trong điều kiện vượt quá khả năng của những đô thị đang phát triển, đặc biệt là về khả năng tài chính. - Giai đoạn 3 từ sau năm 1970, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động đến khả năng tài chính của các đô thị, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực thi các đồ án quy hoạch Vùng đô thị. Kể từ đó, các tài liệu quy hoạch đã có những chuyển biến sâu sắc, kể cả ở những nước phát triển và đang phát triển. Xu hướng phổ biến là lập các đồ án định hướng có thể điều chỉnh được và chuyển biến, thay thế cho những công cụ quản lý đơn giản vẫn áp dụng cho các chương trình chỉ tập trung vào quy hoạch. Người ta cố gắng hỗ trợ cho những tiềm lực của địa phương đã có thể xây dựng thành một dự án hơn là sự phân bổ các nguồn đầu tư chỉ căn cứ theo các chỉ tiêu định lượng dựa trên nhu cầu.
Định hướng chiến lược trong đồ án quy hoạch của 1 số vùng đô thị lớn
Các tài liệu lịch sử quy hoạch có thể cho thấy quá trình phát triển của vùng đô thị trải qua 3 thời kỳ cơ bản. Thời kỳ đầu là thời kỳ phát triển tập trung khai thác, sử dụng tối đa quỹ đất xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, rút ngắn bán kích phục vụ từ các khu trung tâm đến các khu ở, giúp đô thị có diện mạo sầm uất. Đây chính là sự hình thành các đô thị trung tâm, khởi nguồn của việc hình thành vùng đô thị lớn.
Khi mật độ đô thị trung tâm đã quá cao, các khu vực công nghiệp được di dời ra khu vực ngoại ô để tận dụng quỹ đất rẻ và tránh ô nhiễm không khí khu vực trung tâm, các khu dân cư cũng theo đó cũng được bố trí ngoài rìa đô thị nhờ có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi. Quá trình này thường được gọi là quá trình phát triển phân tán của đô thị. Đây chính là sự bắt đầu của quá trình hình thành các vùng đô thị lớn. Trong quá trình phát triển phân tán này, các đồ án quy hoạch vùng đô thị lớn thường có 2 định hướng chính. Cụ thể là:
- Định hướng thứ nhất: Cố gắng định hướng sự phát triển của khu vực vành đai tập trung vào một hoặc nhiều đô thị mới. Sự thành công trong việc triển khai định hướng này phụ thuộc vào chiến lược tổng thể của chính quyền vùng và cấu trúc không gian vùng hợp lý, được kết nối bởi một mạng lưới giao thông hiệu quả. Cụ thể như trường hợp tại đồ án quy hoạch tổng thể vùng Ile-de-France năm 1976, 05 đô thị mới được bố trí hợp lý tại các cửa ngõ dẫn vào cụm đô thị trung tâm. Do vậy đến năm 1982, 05 đô thị này đã thu hút được hơn một nửa số dân và các hoạt động kinh tế – xã hội tăng thêm trong vùng. Thành công tượng tự cũng xảy ra đối với 5 đô thị mới đầu tiên của vùng Seoul khi 5 đô thị này được kết nối với đô thị trung tâm bằng hệ thống giao thông công cộng thuận tiện. Các đô thị mới của Hồng Kông thì được phát triển theo 2 nhóm chính: Nhóm thứ nhất gồm một số đô thị đảm bảo chức năng giảm tải sự tập trung vào đô thị trung tâm, trong khi nhóm thứ 2 gồm một số đô thị khác lại tạo lập được một vị thế trọng điểm quy mô cấp vùng.
- Định hướng thứ 2: Trong quá trình mở rộng các khu vực vành đai dựa trên một hệ thống đô thị có sự phân cấp thành các cực phát triển cấp vùng, hay thường gọi là mô hình mạng đa cực. Định hướng này đòi hỏi phải có một sơ đồ quy hoạch tổng thể và một chiến lược phát triển rành mạch. Quan điểm quy hoạch theo cấu trúc đa cực khá phổ biến tại nhiều vùng đô thị lớn. Tại Châu Âu, năm 1997 vùng Berlin-Brandelbourg đã đề xuất cực tăng trưởng đô thị hướng tới 8 trọng điểm đô thị thuộc vành đai nhỏ và 11 trọng điểm khác tại khu vực vành đai lớn. Vùng đô thị Lyon được cấu trúc theo 2 thành phố lớn là Lyon và Saint-Etienni. Ngoài ra, mạng lưới vùng đô thị Lyon còn có nhiều thành phố hơn 50.000 dân và rất nhiều thành phố nhỏ và trung bình khác. Tại Châu Úc, Melbourne vào năm 1980 đã dự kiến quy hoạch 15 khu trung tâm giao thương trong khu vực vành đai của vùng. Tại Châu Phi, vùng Cairo đã thiết lập hơn 10 khu định cư mới tại phía Đông cụm đô thị trung tâm. Còn tại Châu Á, năm 1996. Thái Lan đã duy trì ý tưởng quy hoạch 5 trung tâm đô thị cấp vùng. Sơ đồ chiến lược của Singapore năm 2000 cũng dự kiến 4 trung tâm tương tự như trường hợp của Tokyo. Tuy nhiên định hướng này được các nước đang phát triển lựa chọn đơn thuần để cố gắng xây dựng cấu trúc và củng cố mạng lưới các đô thị loại trung bình và có vai trò thứ cấp bao quanh nhằm kiềm chế sự phình to của cụm đô thị trung tâm. Điển hình cho mục tiêu này là đồ án quy hoạch phát triển vùng Santiago (Chile) năm 2001 chủ trương giảm bớt 50% mức tăng trưởng đô thị của thủ đô ra vùng vành đai với một mạng lưới gần 10 điểm đô thị sẵn có cách cụm đô thị trung tâm 20 đến 40 km.
Sau khi trải qua quá trình phát triển phân tán, các vùng đô thị chuyển sang giai đoạn tái tập trung vào khu vực đô thị trung tâm. Quá trình phát triển tái tập trung thường hay gặp ở những nước đã phát triển và đóng vai trò chủ chốt trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các khâu sản xuất có giá trị thấp trong chuỗi này như cung ứng linh kiện, phân phối và nhất là khâu gia công đều đã được chuyển sang cho các nước kém phát triển hơn. Các nước này hầu hết đã hoàn thành chiến lược di chuyển các ngành công nghiệp nặng – cơ khí và công nghiệp điện tử và các cơ sở sản xuất đòi hỏi nhiều nhân công lao động sang các nước nghèo, dẫn đến sự tái bố trí và sắp xếp về cấu trúc hình thái và chức năng đô thị. Do vậy, tại các quy hoạch vùng đô thị lớn giai đoạn này hình thành định hướng thứ 3 được thể hiện bằng việc trở lại của chính cụm đô thị trung tâm. Định hướng này bắt đầu xuất hiện vào những năm 80 thông qua trào lưu “trở lại thành phố” (back to the city) tại Mỹ. Đồ án quy hoạch Los Angeles năm 1980 đã có chủ trương tăng mật độ cho khu vực đô thị trung tâm và kiểm soát quá trình tăng trưởng đô thị. Sau đó những năm 90 chính quyền vùng London và vùng Ile-de-France có các chiến lược ưu tiên quy hoạch các địa bàn nằm trong cụm đô thị trung tâm như quy hoạch tuyến hành lang Lea Valley thuộc bờ đông sông Thames.
Các vùng đô thị lớn tại Việt Nam
Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-TTg năm 2009), trong giai đoạn 2009-2015, các vùng đô thị lớn sẽ được ưu tiên phát triển. Hiện nay, Vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP HCM là 2 vùng đô thị lớn nhất trên toàn quốc, đang đóng vai trò quan trọng về cả kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội.
Việc điều chỉnh Quy hoạch Xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định 768/QĐ-TTg ngày 06/05/2016. Theo đó, quy mô Vùng thủ đô Hà Nội sẽ bao phủ 10 tỉnh thành với tổng diện tích là 24.317,7 km² và dân số là 17,6 triệu người (theo thống kê năm 2012).
Theo như đồ án quy hoạch xây dựng, vùng thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình mạng đa cực (định hướng 2) trong đó Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Bắc Ninh là 3 cực phát triển quan trọng của mạng lưới. Ngoài ra mạng lưới vùng đô thị còn có 7 thành phố lớn và hàng chục đô thị chuyên ngành tạo thành mạng lưới đa cực trong vùng Thủ đô.
Vùng TP HCM đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ số 1065/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên theo nhiệm vụ mới, quy mô Vùng TP HCM không có gì thay đổi so với quy hoạch trước đó với diện tích là 30.404 km² và dân số là 18,7 triệu dân (năm 2014).
Hiện nay, Vùng TP HCM có khoảng trên 80 đô thị thuộc các loại khác nhau theo hệ thống phân loại đô thị của Việt Nam. Quy hoạch xây dựng Vùng TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã khuyến nghị việc xây dựng mạng lưới Vùng có sự tương tác với nhau, đặc biệt là đối với đô thị trung tâm trong vòng bán kính 30km. Hình thành các vùng đô thị đối trọng với các cực phát triển là các đô thị hạt nhân, kết nối với vùng đô thị trung tâm theo các trục hành lang kinh tế đô thị. Về cơ bản, Vùng TP HCM cũng định hướng phát triển mạng lưới đô thị của mình theo mô hình đa cực. Với vị thế đặc biệt, TP HCM vẫn có sức ảnh hưởng nhất định đối với các đô thị khác trong vùng, trong khi một số đô thị giữ quan hệ chặt chẽ, số khác lại giữ mức độ độc lập nhất định.
Theo thống kê, Vùng đô thị New York là vùng đô thị lớn nhất thế giới với diện tích 33.165 km². Các vùng đô thị lớn còn lại chỉ có quy mô diện tích từ khoảng 10.000 km² đến 17.000 km². Như vậy nếu so sánh về mặt diện tích, 2 vùng đô thị lớn nhất của nước ta đều có diện tích lớn hơn nhiều so với các vùng đô thị lớn tại các nước. Cụ thể, diện tích Vùng Thủ đô Hà Nội lớn hơn gấp 1,5 lần diện tích vùng Washington, gấp 2 lần vùng Ile-de-France, gấp hơn 4 lần vùng Tokyo. Riêng đối với Vùng TPHCM thì diện tích vùng này gần tương đương Vùng đô thị lớn nhất thế giới – vùng New-york.
Với quy mô diện tích phát triển vùng đô thị lớn như vậy thì kết quả triển khai mạng lưới đa cực trên địa bàn Hà Nội và TP HCM còn nhiều thách thức, cần có sự nỗ lực của Chính phủ và sự phối hợp của chính quyền các tỉnh trong vùng.
Thông qua nghiên cứu việc triển khai mô hình mạng đa cực tại nhiều vùng đô thị lớn trên thế giới có thể rút ra được 04 yếu tố cơ bản có liên quan chặt chẽ tới sự thành công của mô hình này. Cụ thể là:
- Mô hình mạng đa cực cần dựa trên một sơ đồ quy hoạch tổng thể rõ ràng và bền vững. Vùng đô thị Calcutta (Ấn Độ) là một ví dụ điển hình về sự thất bại khi Chính quyền cũng như các nhà quy hoạch không chắc chắn trong việc xác định mạng lưới đô thị đa cực. Đồ án quy hoạch vùng đô thị này năm 1966 xác định 2 đô thị cách nhau 40 km (Howrah và Kalvani) là 2 trọng điểm phát triển của vùng. 10 năm sau chỉ giữ lại 1 cực tăng trưởng là đô thị Howrah. 10 năm tiếp theo lại xác định đô thị Calcutta mới là cực quan trọng nhất, sau đó mới đến Howrah. Điều này vẫn được khẳng định trong đồ án quy hoạch vùng đến năm 2015.
- Khoảng cách và vị trí giữa các đô thị trong vùng. Điều này có liên quan trực tiếp đến quy mô, diện tích vùng đô thị lớn. Điển hình là trong đồ án quy hoạch vùng Mumbai năm 1973 với ý tưởng phát triển các đô thị mới bên bờ vịnh phía Đông. 30 năm sau, mặc dù có hệ thống đường giao thông kết nối thuận lợi, nhưng đô thị Navi Mumbai chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ trong mục tiêu thiết lập sự cân bằng của cả vùng đô thị Mumbai. Trường hợp không đạt được mục tiêu đề ra như vậy thường là những đô thị mới nằm quá xa đô thị trung tâm và không có dự án nào khác, hoặc rất hiếm hoi dự án được hình thành giữa chúng. Các đô thị mới bị bỏ quên, buộc phải tự thay đổi chức năng hoặc sẽ trở thành các đô thị độc lập đơn thuần và sẽ không đáp ứng được chức năng chính trong việc thu hút phần lớn mức độ phình to của đô thị trung tâm.
- Mức độ kết nối của hệ thống giao thông giữa đô thị phụ trợ với đô thị trung tâm. Điển hình là ví dụ tại Vùng Thủ đô Đài Bắc (Đài Loan), mặc dù đã khắc phục được khoảng cách đối với đô thị trung tâm, đô thị mới Lâm Khẩu nằm gần Thủ đô Đài Bắc vẫn gặp phải sự thất bại do hệ thống giao thông kết nối quá thấp kém.
- Khả năng cung ứng nguồn nước và điện cho quy mô phát triển các đô thị trong vùng đô thị theo quy hoạch trong tương lai. Đây cũng là một yếu tố rất quan trọng, cần tính tới trong việc quy hoạch cũng như điều chỉnh quy hoạch xây dựng các vùng đô thị lớn của Việt Nam với tầm nhìn 20 đến 30 năm, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một phức tạp và khó tiên lượng. Việc dự tính được khả năng và mức độ có thể đáp ứng được nhu cầu về năng lượng và nguồn nước ngọt cho sản xuất cũng như cho sinh hoạt tại các vùng đô thị lớn trong giai đoạn quy hoạch là một nhiệm vụ song hành, không thể tách rời đối với việc đưa ra định hướng phát triển các đô thị trong vùng.
Tài liệu tham khảo:
1. Hà Duy Anh/ Vùng đất ven sông: Các nguyên tắc, phương hướng và biện pháp cải tạo phát triển/ Nhà xuất bản: Academic Publishing – Tp. Berlin, năm 2012/ 297 trang;
2. Gilles Antier/ Les stratégies des grandes métropoles;
3. L.V.Koskina / Nền tảng quy hoạch đô thị/ Nhà xuất bản: Bladox – tp. Matxcova, năm 2005/ 246 trang;
4. Quyết định số 768/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
5. Quyết định số 589/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;
6. Quyết định số 1065/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
TS. KTS QH Hà Duy Anh
Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 4 – 2017)