Chỉ có gió và cát, đây là cách Dubai khiến cả thế giới đổ xô tới để du lịch, mua sắm
Thành phố du lịch không ngủ
Dubai là thành phố nổi tiếng nhất của Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nằm ở vùng Đông Nam vùng vịnh Ba Tư. Đây cũng là trung tâm thương mại, du lịch của toàn thế giới với hầu hết các chuyến bay trung chuyển trên toàn cầu đều đi qua đây.
Mặc dù các mỏ dầu đã được thành phố này phát hiện từ năm 1966 nhưng phần lớn nguồn thu của Dubai lại đến từ thương mại và du lịch. Năm 2014, GDP của Dubai đạt 107,1 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 6,1%, thuộc hàng cao nhất thế giới. Thu nhập bình quân đầu người tại đây đạt 17.000 USD.
Trên thực tế, thành phố này không được chú ý lắm về tốc độ tăng trưởng kinh tế mà hầu như được mọi người biết đến với ngành du lịch vô cùng phát triển và mức sống xa hoa vào hàng bậc nhất thế giới. Điều này không có gì là lạ khi chính quyền Dubai đặt mục tiêu biến du lịch trở thành nguồn thu ngoại tệ chính cho ngân sách bên cạnh thương mại.
Phần lớn nguồn thu du lịch của Dubai đến từ chi tiêu mua sắm của du khách. Vào năm 2013, Dubai xếp thứ 7 trên thế giới về lượng du khách đến thăm quan, mua sắm nhiều nhất. Thậm chí, thành phố này còn được mệnh danh là trung tâm mua sắm của Trung Đông với 70 khu mua sắm lớn, bao gồm trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới Dubai Mall.
Năm 2015, các du khách tại UAE đã chi tới 26 tỷ USD cho mua sắm cũng như sử dụng các dịch vụ tại quốc gia này.
Số liệu năm 2016 Hội đồng du lịch thế giới (WTTC) cho thấy ngành du lịch tại Dubai đóng góp 64 tỷ USD cho nền kinh tế này, tương đương 11,2% GDP và cao hơn 4,4% so với năm 2015. WTTC cũng dự báo con số này sẽ tăng cao gấp đôi trong 10 năm tới.
Để đạt được những thành tích này, Dubai và UAE đã phải tốn không ít công sức đầu tư. Ngoài việc định hướng là nguồn thu ngoại tệ chính của chính phủ, nền kinh tế này cũng đầu tư khủng cho du lịch với 7,46 tỷ USD năm 2015 và WTTC dự đoán con số này sẽ tăng lên 14,81 tỷ USD vào năm 2026.
Hiện UAE đang được đánh giá là quốc gia dẫn đầu thế giới trong ngành du lịch. Năm 2015, đóng góp của du lịch vào GDP của nước này được xếp hạng thứ 28/184 nước.
Theo WTCC, Dubai sẽ là điểm sáng của ngành du lịch UAE với khoảng 20 triệu lượt du khách sẽ đến đây vào năm 2020 khi sự kiện World Expo được tổ chức tại đây. Đến năm 2026, WTCC dự đoán sẽ có khoảng 30,94 triệu lượt du khách đến UAE và chi khoảng 45,66 tỷ USD tại khu vực này.
Làm giàu từ gió và cát
Nền công nghiệp du lịch của Dubai nói riêng và tại các nước vùng vịnh Ba Tư nói chung còn khá trẻ. Đến tận cuối thập niên 1950, Dubai vẫn chưa hề có bất kỳ một khách sạn nào và tất cả các du khách không có lựa chọn khác ngoài việc ở trọ nhà dân hoặc người thân.
Trong 2 thập niên sau đó, những cơ sở hạ tầng cơ bản cho du lịch bắt đầu được xây dựng tại Dubai như nhà nghỉ, sân bay quốc tế, cửa hàng cho du khách nước ngoài… Sân bay quốc tế đầu tiên được mở ở Dubai vào năm 1959.
Sau khi dầu mỏ được phát hiện tại đây vào năm 1966, hàng loạt những nhà nghỉ nhỏ được dựng lên để đáp ứng sự tăng trưởng của nền kinh tế mới nổi này.
Tuy nhiên, với định hướng không quá dựa vào dầu mỏ và lấy ngành du lịch, thương mại làm nguồn thu ngoại tệ chính, Dubai đã phát triển mạnh ngành công nghiệp không khói từ giữa thập niên 1980. Vào năm 1985, hãng hàng không Emirates Airlines được thành lập với sân bay chính tại Dubai. Đến năm 1989, Hội đồng du lịch Dubai (DTB) được xây dựng nhằm tập trung thu hút du khách quốc tế đến thành phố này.
Vào năm 1997, DTB được chuyển đổi thành bộ du lịch và marketing Dubai (DTCM) với nhiệm vụ không chỉ biến thành phố này thành trung tâm du lịch thế giới mà còn trở thành điểm đến nghỉ dưỡng cho mọi du khách.
Ngay sau khi được chuyển tên, DTCM đã tập trung xây dựng hàng loạt khách sạn hạng sang cũng như tổ chức những lễ hội mua sắm quốc tế vào cuối thập niên 1990 nhằm kích thích du khách trên toàn cầu, đặc biệt là tầng lớp thượng lưu. Đến năm 2000, khoảng 3,4 triệu lượt khách đã đến Dubai và con số này đạt 14,9 triệu lượt vào năm 2016.
Dubai luôn nằm trong top những thành phố có nhiều khách sạn và trung tâm mua sắm nhất thế giới.
Trong khoảng thời gian này, ngành du lịch của Dubai và UAE đã phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc, hàng loạt dự án bất động sản tầm cỡ quốc tế được xây dựng thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu. Khách sạn Brj Al Arab khai trương vào năm 1999 là loại khách sạn 7 sao đầu tiên trên thế giới, trong khi dự án du lịch quần thể đảo cọ khởi công vào năm 2002 là loại hình dịch vụ du lịch đầu tiên trong mảng này.
Nguồn vốn nước ngoài liên tiếp đổ vào Dubai cũng như UAE khi các du khách thượng lưu vung tiền mua sắm hay đầu tư bất động sản nơi đây. Trong khoảng 2006-2010, tăng trưởng lượng giường khách sạn (chỉ số đo lường khả năng cung ứng của ngành khách sạn) ở mức 10% còn lượng sử dụng phòng nghỉ nơi đây luôn ở mức cao, vào khoảng 82,2% công suất vào năm 2007 và 66,8% năm 2009. Lưu lượng khách trung chuyển ở sân bay quốc tế Dubai cũng tăng đột biến.
Năm 2010, Dubai có 6,5 triệu lượt du khách đến thăm, thuộc hàng cao nhất trong khu vực với doanh thu khách sạn đạt 3 tỷ USD. Mức doanh thu bình quân mỗi phòng của khách sạn Dubai cũng thuộc hàng cao nhất thế giới năm 2010, đạt 198 USD/phòng và thành phố này luôn xếp trong top 10 nước có nhiều phòng khách sạn hoạt động nhất thế giới.
Tài nguyên không quan trọng, cái chính là biết cách làm
Mặc dù không phải là quốc gia có khí hậu và môi trường thuận lợi cho du lịch, nhưng Dubai cũng như UAE vẫn xác định thu hút nguồn vốn nước ngoài bằng ngành này hơn là khai thác dầu mỏ để bán.
Nằm tại khu vực nối giữa Châu Á và Châu Âu, Dubai trở thành điểm trung chuyển của hầu hết các chuyến bay dài trên thế giới cũng như có thể thu hút được cả khách hàng Âu lẫn Á đến đây du lịch, mua sắm. Khoảng 1/3 dân số chỉ cách Dubai 4 giờ bay, trong khi 2/3 dân số thế giới cách 8 giờ bay và đây là một lợi thế cho ngành du lịch thành phố này.
Mặc dù chỉ có 6 tháng thời tiết đẹp trong năm nhưng Dubai cũng như UAE lại biết tận dụng sở thích tận hưởng ánh nắng mặt trời của du khách phương Tây, những người thường xuyên phải chịu cái rét lạnh của mùa đông băng tuyết.
Mặc dù khá nóng vào mùa hè, thời gian nhiều du khách muốn đi nghỉ mát cũng như không có nhiều địa điểm giàu văn hóa truyền thống như các nước láng giềng Ma Rốc, Oman, Ai Cập… hoặc những bờ biển dài như Maldives, Thái Lan nhưng Dubai lại biết tận dụng mọi ưu thế của mình để thu hút khách du lịch.
Thành phố này tập trung phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở tuyệt vời để hút du khách cùng một lượng lớn lao động nhập cư để phục vụ những “thượng đế” này từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Ví dụ tiêu biểu nhất là hệ thống sân bay, hàng không đồ sộ của Dubai đã tạo điều kiện thu hút du khách đến nơi đây bất chấp những yếu điểm về thời tiết và địa lý. Hiện sân bay quốc tế của Dubai có hơn 145 hãng hàng không đang hoạt động với 260 điểm đến khác nhau của 6 châu lục trên toàn cầu.
Với những nỗ lực đầu tư không ngừng cho cơ sở hạ tầng và ngành hàng không, UAE hiện đã được xếp vị trí thứ 5 về chất lượng hạ tầng sân bay trên toàn thế giới và thậm chí sân bay quốc tế Dubai được vinh danh là sân bay tốt nhất thế giới năm 2010.
Đứng thứ 15 thế giới về xếp hạng những sân bay bận rộn nhất thế giới, Dubai cũng tập trung phát triển các cơ sở hạ tầng đồng bộ khác như đường cao tốc, nơi đỗ xe, hệ thống tàu điện ngầm… nhằm đảm bảo môi trường thoải mái nhất cho những du khách đến nơi đây cũng như giải quyết triệt để tình trạng tắc đường.
Hệ thống đường cao tốc của Dubai nói riêng và UAE nói chung thực sự gây ấn tượng với du khách bởi phần lớn khu vực này là hoang mạc cùng với nắng nóng nhưng chất lượng của các con đường đều đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thêm vào đó, hệ thống dịch vụ taxi của Dubai cũng đứng hàng thứ 3 thế giới, tốt sau Singapore và Tokyo.
Một điểm đáng lưu ý nữa là việc cấp thị thực nhập cảnh vào Dubai được quản lý khá linh hoạt với rất nhiều dạng visa tùy nhu cầu của hành khách cũng như xuất xứ quốc gia để đảm bảo du khách được phục vụ một cách thoải mái nhất.
Không dừng lại ở sân bay quốc tế Dubai với lưu lượng 4 triệu hành khách mỗi ngày, Dubai tiếp tục cho khai trương sân bay quốc tế mới thuộc hàng lớn nhất thế giới Al Maktoum vào năm 2013 với khả năng trung chuyển 160 triệu hành khách và 12 triệu tấn hàng hóa mỗi ngày. Vào cùng năm, hơn 66 triệu hành khách đã đến sân bay Dubai và con số này ước tính đạt 98 triệu du khách vào năm 2020.
Bên cạnh đó, thành phố này cũng thu hút lượng lớn lao động phổ thông nhằm phục vụ ngành du lịch, vốn không yêu cầu quá nhiều trình độ cao. Báo cáo năm 2015 của WTTC cho thấy 557.000 lao động trong các nhà hàng, khách sạn cũng như những mảng liên quan đến du lịch của UAE được hưởng lợi nhờ du khách. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên đến 850.000 lao động vào năm 2026.
Ngoài hàng không, Dubai cũng tập trung xây dựng cảng biển làm nơi trung chuyển cho các tàu thuyền và trở thành trung tâm cảng biển của Trung Đông.
Sau khi đã có một cơ sở hạ tầng giao thông tốt cùng lượng lao động lớn để phục vụ các “thượng đế”, Dubai tạp trung vào phát triển những khu mua sắm cũng như tổ chức nhiều lễ hội vui chơi để các du khách chi tiêu giải trí. Bởi vậy, dù không có nhiều địa điểm văn hóa truyền thống hay ưu thế địa lý nhưng Dubai vẫn là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách nước ngoài.
80% du khách đến Dubai là để mua sắm
Khảo sát năm 2007 cho thấy 80% du khách đến Dubai là để mua sắm và thành phố này xây dựng nhiều trung tâm mua sắm hơn bất kỳ tụ điểm du lịch nào khác trên thế giới ngoại trừ London. Ngoài ra, hàng loạt những dịch vụ giải trí như trượt tuyết trong nhà, lướt sóng trong nhà… cũng được xây dựng nhằm thỏa mãn mọi như cầu của “thượng đế”. Tại Dubai, bất cứ thứ gì du khách muốn thì nơi đây sẽ có.
Khảo sát của Master Card năm 2014 cũng cho thấy tỷ lệ chi tiêu của du khách quốc tế tại nơi đây đứng trong top 10 thành phố nhiều nhất thế giới với 11,95 tỷ USD. Trong khi đó, mức chi tiêu bình quân này nếu chia đầu người cư dân của Dubai sẽ đạt 3.863 USD, mức cao nhất thế giới.
Ngoài ra, việc phát triển cơ sở hạ tầng, khách sạn còn kích thích thị trường bất động sản và tài chính nơi đây khi các nhà đầu tư, ngân hàng có cơ hội làm ăn tại thị trường này. Việc đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng hay các dự án khác tại Dubai với lợi nhuận khả quan đã kích thích một dòng vốn nước ngoài khổng lồ chảy vào đây.
Hiện Dubai có hơn 600 khách sạn với hơn 84.000 phòng sẵn sàng phục vụ các “Thượng đế”. Năm 2016, hơn 100 khách sạn mới đã được khởi công với 29.000 phòng sẵn sàng phục vụ.
Rõ ràng, bằng việc kết nối hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng, bán lẻ, bất động sản và tài chính, Dubai đã xây dựng nên một đế chế du lịch khổng lồ.
Dù giàu hay nghèo thì vẫn phải có tầm nhìn
Ngoài tư tưởng không phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ và bảo vệ môi trường, chính quyền Dubai cũng có quyết định sáng suốt khiến nhiều nước phải học hỏi khi phát triển một thị trường cạnh tranh có sự hướng dẫn của các tập đoàn quốc doanh trong ngành du lịch.
Mặc dù có nhiều tập đoàn quốc doanh nhưng môi trường kinh doanh tại Dubai lại rất cạnh tranh. Ví dụ trong ngành hàng không, dù nhà nước sở hữu Emirates Airlines nhưng chính quyền nơi đây lại cổ vũ và tạo những điều kiện vô cùng thông thoáng cho các hãng hàng không cạnh tranh tại đây.
Thậm chí, Dubai còn thường xuyên giám sát, kiểm tra nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh trong ngành hàng không, nhất là ở khâu hậu cần (logistic).
Một ví dụ khác là mảng khách sạn khi có tới 47 thương hiệu quốc tế hoạt động tại đây bên cạnh tập đoàn quốc doanh Jumeirah.
Khảo sát của Master Card năm 2014 cũng cho thấy tỷ lệ chi tiêu của du khách quốc tế tại nơi đây đứng trong top 10 thành phố nhiều nhất thế giới với 11,95 tỷ USD.
Đối với chính quyền Dubai, việc thu hút ngoại tệ dù quan trọng nhưng họ cũng hiểu bản thân không thể một mình xây dựng nên đế chế du lịch mà cần sự góp sức của rất nhiều tập đoàn nước ngoài. Thêm vào đó, mô hình kinh tế thị trường sẽ giúp ngành du lịch nước này luôn cải thiện và phát triển, tránh tình trạng quan liêu, trì trệ.
Dẫu vậy, mô hình kinh doanh của Dubai đang bị nhiều nước học tập khi Abu Dhabi và Qatar cũng dần tập trung vào mảng du lịch khi giá dầu xuống dốc. Ngoài số tiền khổng lồ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, các quốc gia và thành phố khác cũng đang tích cực tổ chức những sự kiện lớn để thu hút thêm du khách, một chiêu trò đã được dùng rất lâu ở Dubai.
Abu Dhabi đã đăng cai giải đua xe công thức 1 cùng với việc khởi công xây dựng bảo tàng lớn nhất thế giới, trong khi Qatar lại thành công đăng cai World Cup 2022 cùng với việc mở rộng lưu lượng khách sạn tại đây.
Trong khi đó, Ai Cập, Ma Rốc, Oman cũng đang đầu tư mạnh tay cho du lịch cũng như khách sạn với mục tiêu đi theo con đường của Dubai.
Nguồn: cafebiz.vn