Cát nhân tạo – nguồn nguyên liệu mới
Thời gian gần đây, việc tăng cường kiểm tra, quản lý chặt trong khai thác cát theo đúng quy định cũng đã làm “nóng” thị trường cát. Hiện nhu cầu cát xây dựng đang tăng cao, đặc biệt là thị trường cuối năm.
Nguồn cung cát tự nhiên thấp
Đánh giá của Bộ TN & MT cho biết, hiện tổng tài nguyên cát chỉ khoảng hơn 2 tỷ m³, trong khi chỉ tính riêng năm 2016, nhu cầu cát xây dựng đã lên tới 120 – 140 triệu m³ (trong khi tổng khối lượng khai thác chỉ đạt 60-70 triệu m³/năm, khoảng 50% nguồn cầu). Đến năm 2020, dự báo con số này sẽ có thể lên đến 182 – 197 triệu m³.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, nguồn cát được cấp phép chỉ đáp ứng khoảng 60 – 65% nhu cầu cung cấp cho các TP, đô thị lớn. Trong đó, tỷ lệ 35 – 40% là cát khai thác trái phép (đang bị siết chặt) đã dẫn đến tình trạng đầu cơ, làm giá, ép giá.
Trước tình hình biến động đó, TP HCM cũng vừa kiến nghị Bộ Xây dựng yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác mỏ cát còn thời hạn khai thác tại các tỉnh miền Tây, miền Đông và Nam Bộ, cần hỗ trợ tăng cường nguồn cung về cho TP để nhanh chóng ổn định thị trường xây dựng.
Bên cạnh đó, hiện các quy định cũng khuyến khích sử dụng nguyên liệu thay thế đảm bảo công năng của cát như: Tro, vỉ, thạch cao và cát nghiền nhân tạo (sẽ là vật liệu mới thay thế cát tự nhiên là nhu cầu thực tế rất cấp thiết).
Cũng theo đánh giá từ các cơ quan chức năng, cát nhân tạo được nghiền từ đá, sỏi… VLXD thay cát được tạo ra từ các loại đá sẽ có hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với khai thác cát lòng sông. Cát nhân tạo sẽ loại bỏ được khoáng chất sét và nhiều tạp chất khác tránh gây hậu quả tiêu cực cho bê tông. Tận thu, chế biến (lọc, rửa, phân ly…) từ phế thải Xây dựng, công nghiệp, khoáng sản
Ông Nguyễn Thế Thường – Tổng Giám đốc Cty CP Thành Chí cho biết: Cát nhân tạo được tạo ra từ đá, khi sử dụng làm các loại vật liệu cho xây dựng công trình rất tốt, có thể phối trộn làm cốt liệu bê tông, đặc biệt khi dùng làm vữa tô trát tường rất mịn, chắc, đẹp. Ngoài ra còn được dùng làm các loại vật liệu không nung.
Được biết, Nhật Bản là một trong những nước đã sử dụng cát nhân tạo thay thế cho cát tự nhiên 40 năm trước, họ cũng ý thức được việc khai thác cát tự nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sống.
Cát nghiền sẽ thay thế
Từ năm 2001, Viện Vật liệu xây dựng đã có công trình nghiên cứu, quy hoạch sản xuất cát nghiền (cát nhân tạo) cho xây dựng nhằm thay thế cho nguồn cát tự nhiên, đến nay dự án cát nghiền do Viện này nghiên cứu, đã từng bước đi vào cuộc sống và đang thay thế dần cho cát tự nhiên trong việc làm cốt liệu bê tông, vữa xây trát, cũng như sản xuất vật liệu không nung.
Hiện nay, việc sử dụng cát nghiền cho bê tông tại các công trình thủy điện khá lớn, công trình gần đây nhất là Thủy điện Sơn La đã sử dụng 410.000/630.000m³ cát, đến năm 2011 tăng lên 540.000/765.000 m³ cát.
Theo ông Thường, hiện Cty Thành Chí đang sử dụng cát nghiền cho các loại vật liệu không nung mà họ sản xuất như: Gạch xây đủ kích cỡ (giống gạch nung truyền thống), gạch Terrazzo dùng lát vỉa hè.
Đặc biệt, trước như cầu cát xây dựng tăng mạnh, Thành Chí đã cho nhập dây chuyền sản xuất cát nhân tạo của Hàn Quốc. Dây chuyền này cho ra đủ loại kích cỡ cát, nhằm đáp ứng cho thị trường từ cát tô trát, cát phối trộn bê tông đến các loại lớn hơn dùng để làm vật liệu “xanh”.
Cho rằng chất lượng các loại cát nhân tạo, VLXD do Thành Chí sản xuất đều đạt, TS.PGS Nguyễn Văn Chánh – Trưởng bộ môn Vật liệu xây dựng Đại học Bách Khoa TP HCM cho biết: Nguồn cát nhân tạo của Thành Chí được khai thác từ chính mỏ đá của đơn vị này và đã được cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm, hợp chuẩn, hợp quy.
Ngoài ra, Thành Chí đã được cấp chứng nhận quản lý chất lượng ISO 9001:2008 cho các lĩnh vực khai thác cát, đá xây dựng, sản xuất và cung ứng VLXD. Chính vì vậy cát do đơn vị này sản xuất hạt mịn, đều do đó, khi tô trát tường rất mịn, đẹp, chắc đảm bảo không bị thấm nước.
Để ổn định và hạ giá thành sản phẩm cát nhân tạo, theo ông Thường: Nhà nước cũng cần kiểm soát chặt nguồn cát khai thác tự nhiên, về vấn đề đó theo ông Thường thì còn tránh ảnh hưởng cho môi trường tự nhiên. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có chính sách tốt để khuyến khích cát nhân tạo phát triển nhằm hạ giá thành, dần thay thế nguồn cát tự nhiên.
Tại buổi Hội thảo cát nhân tạo và nước biển dùng trong bê tông được hội VLXD tổ chức tại TP HCM mới đây. Đại diện Học viện Công nghệ Tokyo cho biết, tại Nhật Bản rất hiếm công trình được xây bằng cát tự nhiên, do cát tự nhiên bị đánh thuế cao.
Để định hướng phát triển và dần thay thế cát tự nhiên, đặc biệt là việc sử dụng cát nhiễm mặn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh mong muốn các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu sử dụng các vật liệu thay thế cát tự nhiên, về lâu về dài sẽ tiến tới chấm dứt việc sử dụng cát nước ngọt để san lấp các công trình xây dựng.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị cần nghiên cứu khả năng sử dụng cát nhiễm mặn trong xây dựng. Đối với các cơ quan QLNN, cần xây dựng các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, tạo hành lang pháp lý cho việc sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên trong xây dựng.
Nguồn: Báo Xây Dựng