Hà Nội xây dựng kế hoạch ‘hút vốn’ từ các tập đoàn xuyên quốc gia
Về quan điểm thu hút đầu tư, Hà Nội ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, sử dụng và tạo năng lượng sạch, thân thiện môi trường; tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó, nhận chuyển giao công nghệ…
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ xây dựng bộ tiêu chí để sàng lọc, thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phù hợp với đặc thù Thủ đô về khả năng kinh tế, cơ sở hạ tầng hiện tại; tập trung thu hút các lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao, đồng thời sàng lọc để bảo vệ an ninh, quốc phòng và tiềm lực kinh tế quốc gia.
Thành phố cũng chuẩn bị yếu tố đầu vào để đón đầu dòng vốn dịch chuyển; chuẩn bị đội ngũ lao động có tay nghề, mặt bằng sản xuất và các điều kiện về năng lượng (đặc biệt là điện) để đón nhận các dòng vốn dịch chuyển sản xuất; tăng cường năng lực của doanh nghiệp trong nước để sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.
Về quan điểm thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội sẽ hợp tác đầu tư có chọn lọc để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế; ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, sử dụng và tạo năng lượng sạch, thân thiện môi trường; tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó, nhận chuyển giao công nghệ, xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ của thành phố.
Đặc biệt là tạo ra thêm các kênh cạnh tranh, kênh chuyển giao công nghệ thông qua liên kết sản xuất, tạo động lực cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường ứng dụng công nghệ mới và nâng cao chất lượng nhân sự. Xây dựng giải pháp mang tính chiến lược, tận dụng thời cơ để hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu của thành phố…
Thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, tận dụng hết cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do nước ta đã ký kết. Bên cạnh đó, xác định thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cần đặt trong bối cảnh kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 phù hợp với tổng thể quy hoạch của thành phố; phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển, bảo đảm hiệu quả tổng thể kinh tế – xã hội – môi trường…
Theo Cục Thống kê Hà Nội, 5 tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký của các dự án FDI thành lập mới và dự án bổ sung tăng vốn tại Hà Nội đạt 519,2 triệu USD; trong đó, có 139 dự án đăng ký mới với số vốn đạt 76,8 triệu USD và 63 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 442,4 triệu USD.
Riêng trong tháng 5/2021, Hà Nội có 16 dự án FDI được cấp phép mới, với tổng vốn đăng ký đạt 5,3 triệu USD, gồm: 14 dự án 100% vốn FDI, 2 dự án liên doanh, liên kết.
Cùng với đó, 13 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư, với số vốn đầu tư đăng ký đạt 184 triệu USD.
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, trong tháng Năm vừa qua, Hà Nội có 2.238 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 42.300 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, 245 doanh nghiệp đăng ký thủ tục giải thể, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; 788 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước; 644 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: CafeF