‘Canh bạc’ gần 15.000 tỷ của Toàn Cầu TMS ở Bình Thuận
Dự án khu đô thị du lịch biển TMS Hòa Thắng – Mũi Né (cùng với dự án khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam của doanh nhân Đặng Hồng Anh) đang chung cảnh nằm yên chờ quy hoạch. |
Công ty CP Toàn Cầu TMS (gọi tắt là Toàn Cầu TMS) đề nghị thực hiện dự án khu đô thị du lịch biển TMS Hòa Thắng – Mũi Né với quy mô khoảng 1.020 ha tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình.
Với mục tiêu xây dựng tổ hợp nghỉ dưỡng đa mục tiêu tại khu đô thị du lịch ven biển cao cấp, Toàn Cầu TMS dự kiến nghiên cứu quy hoạch xây dựng trải dài khoảng 2,8 km bờ biển.
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 14.700 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp khoảng 2.211 tỷ đồng, còn lại là vốn vay ngân hàng và huy động.
Theo Toàn Cầu TMS đề xuất, thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm (đối với phần đất thương mại dịch vụ) và lâu dài (đối với phần đất đô thị) kể từ ngày được giao đất chính thức. Tỷ lệ đất đô thị trong dự án khoảng 418 ha, đất shophouse thương mại khoảng 4,9 ha, đất hỗn hợp thương mại dịch vụ 95 ha.
Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, Toàn Cầu TMS cho biết sẽ thành lập doanh nghiệp dự án được góp vốn từ các đơn vị thành viên của tập đoàn gồm: Công ty CP Toàn Cầu TMS (góp 1.200 tỷ đồng, tương đương 54,26%), Công ty CP Bất động sản TMS Quy Nhơn (góp 500 tỷ đồng, tương đương 22,61%) và Công ty TMS Bất động sản (khoảng 511,4 tỷ đồng, 23,13%).
Dự kiến, dự án sẽ được xây dựng trong 7 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương (khoảng quý IV/2025 hoàn thành, đưa toàn bộ dự án vào hoạt động).
Đáng chú ý, sự rốt ráo và chuẩn bị kỹ lưỡng của nhà đầu tư được thể hiện rất rõ, từ trước khi trình đề xuất tới tỉnh (và trình lấy ý kiến thẩm tra của các bộ liên quan).
Cụ thể, về việc ranh giới dự án chồng lấn với 2 dự án khác, nhà đầu tư TMS đã xin được giao trước chủ trương đầu tư đối với phần diện tích không chồng lấn (khoảng 1.020 ha, với tổng mức đầu tư gần 13.000 tỷ đồng).
Toàn Cầu TMS cam kết sẽ thực hiện dự án ngay sau khi được giao chủ trương đầu tư, giao đất để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, qua thẩm định cho thấy, vị trí khu đất dự án gặp nhiều vướng mắc đối với các quy hoạch được duyệt.
Cụ thể, về quy hoạch 3 loại rừng, dự án có khoảng 216 ha thuộc đối tượng rừng sản xuất (trong đó khoảng 90 ha là đất có rừng tự nhiên thường xanh phục hồi). Toàn bộ diện tích này được quy hoạch cho bảo vệ và phát triển rừng (được giao BQL rừng phòng hộ Lê Hồng Phong quản lý khoanh nuôi và trồng rừng chống cát bay ảnh hưởng đến khu vực ven biển).
Về quy hoạch khoáng sản, trong 1.340 ha đất dự án, có tới 1.101 ha đất nằm trong quy hoạch khoáng sản titan. Trong đó, hơn 191 ha nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (đã được Thủ tướng phê duyệt), hơn 909 ha nằm trong quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến 2030 (đã được Thủ tướng phê duyệt).
Diễn biến sau đó đã thắp lên tia hy vọng lọt khe cửa mang tên ‘chồng lấn quy hoạch’ cho nhà đầu tư. Cụ thể, sau nhiều nỗ lực kiến nghị, đề xuất Chính phủ, bộ ngành liên quan gỡ khó cho tỉnh về vấn đề điều chỉnh quy hoạch titan cũng như dự trữ khoáng sản quốc gia để tạo cơ sở pháp lý triển khai hàng loạt dự án trọng điểm (trong đó có dự án này của Toàn Cầu TMS). Tới tháng 10/2019, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có kết luận tại Thông báo 379/TB-VPCP.
Thông báo có đoạn: trước mắt, tỉnh triển khai thủ tục cần thiết; giao Bộ Tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, các bộ, cơ quan liên quan và UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương báo cáo, đề xuất với Thủ tướng việc giải quyết cho phép triển khai xây dụng dự án trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch, khu vực dự trữ titan trước ngày 30/11/2019.
Từ chỉ đạo trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã gấp rút rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của huyện Bắc Bình và thành phố Phan Thiết, nơi có dự án nêu trên cho phù hợp; các doanh nghiệp đã thống nhất chuyển đổi sang đầu tư du lịch, vui chơi giải trí, thể thao biển, phù hợp với các quy hoạch (tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né, định hướng phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đề án xây dựng Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch – thể thao biển mang tầm quốc gia).
Tuy nhiên tại Thông báo số 210/TB-VPCP ngày 22/6/2020 của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu: “Về đề nghị triển khai một số dự án ở khu vực có chứa quặng titan tại tỉnh Bình Thuận sẽ xem xét cụ thể sau khi Chính phủ ban hành nghị định về quản lý khoáng sản ở các khu vực dự trữ để phát triển các dự án trên mặt”.
Đến nay, siêu dự án của Toàn Cầu TMS vẫn đang chờ gỡ vướng vấn đề này.
Tại thời điểm đề xuất dự án tới UBND tỉnh Bình Thuận, Công ty CP Toàn Cầu TMS có vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, do ông Nguyễn Bá Luận làm Chủ tịch HĐQT.
Đây cũng là khoảng thời gian doanh nghiệp này đề xuất lập quy hoạch chi tiết, đầu tư nhiều dự án tại một số địa phương như: Khu đô thị mới TMS quy mô khoảng 46 ha tại xã Mai Pha (TP Lạng Sơn), khu du lịch sinh thái suối nước nóng Klu tỉnh Quảng Trị (quy mô 10-12 ha tại huyện Đakrông và nghiên cứu mở rộng khoảng 100 ha), khu du lịch sinh thái đô thị biển TMS Vĩnh Thái tại Quảng Trị (quy mô 1.000 ha), khu du lịch sinh thái và đô thị biển TMS Vĩnh Thạch quy mô 150 ha dọc tuyến ven biển Cửa Tùng – Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh), hu đô thị Đông Châu Ổ (tại Quảng Ngãi).
Đến nay, hầu hết các đề xuất ý tưởng này của Toàn Cầu TMS đều chưa ghi nhận diễn biến mới.
Theo Người Đồng Hành